Friday, September 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLựa chọn của Mỹ sau năm 1945: Ủng hộ hay không ủng...

Lựa chọn của Mỹ sau năm 1945: Ủng hộ hay không ủng hộ một Việt Nam độc lập?

Trong suốt thời kỳ cai trị thực dân ở Việt Nam, Pháp đã phải đối phó với những cuộc kháng chiến đòi độc lập nổ ra lẻ tẻ. Pháp đã dập tắt được những phong trào cách mạng này và duy trì sự kiểm soát Việt Nam cho đến Chiến tranh Thế giới II, khi chính bản thân nước Pháp bị Đức chiếm đóng và các thuộc địa của nó ở Đông Dương bị Nhật chiếm đóng. Sự can thiệp quân sự của Mỹ ở Việt Nam bắt đầu vào thời gian này, khi những sĩ quan tình báo Mỹ giúp lực lượng Việt Minh chiến đấu chống Nhật. Những hoạt động ở Đông Dương là một phần không mấy quan trọng trong những nỗ lực của Mỹ trên toàn thế giới trong Thế chiến. Tuy nhiên, đối với người Việt, Chiến tranh Thế giới II lại là cơ hội để giành độc lập khỏi sự cai trị của thực dân Pháp. Khi chiến tranh kết thúc, Mỹ đứng trước quyết định là liệu có nên hỗ trợ Pháp giành lại các thuộc địa của nó ở Đông Dương hay không.

Các thành viên Đội Con Nai OSS đang huấn luyện du kích Việt Minh sử dụng súng M1 Carbine. Đứng xa nhất cởi trần là Trung sĩ Lawrence Vogt, Thiếu tá Allison K. Thomas đeo ống nhòm đứng giữa và Trung úy Rene Defourneux bên phải.

Chương I cuốn sách The Vietnam War: Opposing Viewpoints (Chiến tranh Việt Nam: Những quan điểm đối lập nhau) do William Dudley chủ biên, Greenhaven Press xuất bản năm 1998, đã trình bày hai lựa chọn đối lập mà Mỹ phải quyết định vào thời điểm năm 1945: “Mỹ nên ủng hộ một Việt Nam độc lập” hay “Mỹ không thể ủng hộ một Việt Nam độc lập dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”. Cuối cùng, Mỹ đã theo phương án thứ hai, chọn “giải pháp Bảo Đại” như là một cách để giúp đỡ Pháp mà không cần phải ủng hộ chủ nghĩa thực dân. Tháng 2/1950, Mỹ chính thức công nhận Quốc gia Việt Nam (Chính phủ Bảo Đại) và ngay sau đó bắt đầu viện trợ quân sự và kinh tế cho Pháp để tiến hành chiến tranh ở Đông Dương. Tính đến năm 1954, Mỹ đã tài trợ 78% cho nỗ lực chiến tranh của Pháp và đã phái các cố vấn quân sự đến Việt Nam. Cam kết đó của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh. Chủ trương ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu, châu Á và những nơi khác trên thế giới đã trở thành tâm điểm chính sách đối ngoại của Mỹ vào những năm sau Chiến tranh Thế giới II.

QUAN ĐIỂM 1: HOA KỲ NÊN ỦNG HỘ MỘT NƯỚC VIỆT NAM ĐỘC LẬP

“Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ” – Hồ Chí Minh (1890-1969)

Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành độc lập khỏi ách cai trị của thực dân Pháp. Một câu hỏi được đặt ra trong hầu hết các cuộc tranh luận về sự dính líu của Mỹ vào cuộc Chiến tranh Việt Nam là: Hồ Chí Minh trên hết là một người Cộng sản hay là một người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc?

Sinh năm 1890, Hồ Chí Minh rời Việt Nam vào năm 1911 và sau 30 năm mới trở về. Trong thời kỳ này, ông sống ở Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Quốc, mang nhiều bí danh khác nhau. Năm 1930, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, ông chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chiến tranh Thế giới II đem đến một hy vọng mới cho Hồ Chí Minh và những nhà cách mạng Việt Nam khác. Tháng 6/1940, Pháp đầu hàng Đức. Tháng 9/1940, Pháp chấp nhận để Nhật kiểm soát hoàn toàn các thuộc địa ở Đông Dương (chế độ thực dân Pháp vẫn ở nguyên tại chỗ cho đến tháng 3 năm 1945, khi Nhật thành lập chế độ bù nhìn đứng đầu là Hoàng đế Bảo Đại của Việt Nam, người trước đó đã trị vì dưới sự bảo hộ của Pháp). Ngày 28/1/1941, Hồ Chí Minh trở về Việt Nam. Tháng 5/1941, ông sáng lập Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội hay còn gọi là Việt Minh và ông là người lãnh đạo tổ chức này. Nhà sử học George Moss viết trong cuốn Vietnam: An American Ordeal (Việt Nam: Một thử thách của Mỹ) rằng “Hồ Chí Minh và những cộng sự của ông đã lập ra Việt Minh như một mặt trận dân tộc do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo nhằm thu hút những người yêu nước Việt Nam thuộc nhiều tư tưởng chính trị khác nhau tham gia vào sự nghiệp chung, đó là cuộc đấu tranh giải phóng đất nước khỏi sự cai trị của Nhật và Pháp”. Trong Chiến tranh Thế giới II, Hồ Chí Minh và tổ chức của ông đã hợp tác với các sĩ quan tình báo của Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ (OSS, tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương CIA) trong những hoạt động kháng chiến chống Nhật. Tháng 8/1945, Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa ở Việt Nam. Ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, có trích dẫn một số câu trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.

Quan điểm sau đây được trích dẫn từ một lá thư của Hồ Chí Minh gửi cho Tổng thống Mỹ Harry S. Truman để tìm kiếm sự công nhận và hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và kêu gọi Hoa Kỳ phản đối Pháp tái áp đặt chế độ thuộc địa. Hồ Chí Minh lập luận rằng Pháp đang vi phạm những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và của Liên hợp quốc. Để củng cố lập trường của mình, ông chỉ ra rằng người Việt đã hợp tác với phe Đồng minh (trong đó có Hoa Kỳ) trong Chiến tranh Thế giới II; ông nhắc đến tuyên bố của phe Đồng minh ủng hộ quyền dân tộc tự quyết và tuyên bố của Hoa Kỳ về ý định trao trả độc lập cho chính thuộc địa ở châu Á của mình là Philippines. Những lá thư của Hồ Chí Minh gửi cho Truman đã không bao giờ được hồi âm.

Lựa chọn thực tế duy nhất

Năm 1949, Pháp rắp tâm duy trì sự kiểm soát đối với Việt Nam bằng cách lập nên một chế độ dưới sự lãnh đạo trên danh nghĩa của hoàng đế Bảo Đại. Đã sống phần lớn thời gian ở Pháp, Bảo Đại từng hợp tác với thực dân Pháp; và trong Chiến tranh Thế giới II, Bảo Đại hợp tác với Nhật. Raymond Fosdick, một cố vấn cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã viết trong một bản ghi nhớ ngày 4/11/1949 rằng chính phủ của Bảo Đại không thật sự độc lập, rằng nó thiếu sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam và vì thế, Hoa Kỳ có lẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ủng hộ Hồ Chí Minh.

“Tôi tin rằng chế độ Bảo Đại sẽ sụp đổ. Những thỏa hiệp mà người Pháp đang miễn cưỡng thực hiện không thể cứu vãn được nó. Người dân Đông Dương đang tiến tới chủ nghĩa dân tộc tuyệt đối và không gì có thể ngăn cản được họ. Họ thấy quá rõ rằng Pháp đang dành cho họ một thứ chủ nghĩa bán thực dân; và nếu ta nghĩ rằng họ sẽ bằng lòng với việc nhận được ít hơn những gì Indonesia đã đạt được từ người Hà Lan hoặc Ấn Độ giành được từ người Anh, thì ta đã đánh giá thấp sức mạnh của các động lực đang quét qua châu Á ngày nay…

Hồ Chí Minh là một lựa chọn không mấy dễ chịu, nhưng… có thể có những yếu tố không thể đoán trước và chưa được nhìn thấy trong tình huống này mà cuối cùng sẽ có lợi cho chúng ta hơn những gì ta thấy trong hiện tại. Thái độ ác cảm của người Đông Dương đối với Trung Quốc là một trong những yếu tố. Đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan như thế này, tốt nhất là chờ đợi những bước đột phá. Chắc chắn chúng ta không nên chơi những lá bài của mình theo cách mà một lần nữa, như ở Trung Quốc, chúng ta dường như liên minh với phản động. Cho dù người Pháp có muốn hay không, thì nền độc lập đang đến với Đông Dương. Vậy thì tại sao chúng ta lại trói mình vào đuôi con diều rách nát của họ?”

QUAN ĐIỂM 2: HOA KỲ KHÔNG THỂ ỦNG HỘ MỘT NƯỚC VIỆT NAM ĐỘC LẬP DO NHỮNG NGƯỜI CỘNG SẢN LÃNH ĐẠO

“Chúng ta không hối thúc người Pháp đàm phán với Hồ Chí Minh, dẫu cho lúc này ông có lẽ đang được đại đa số người dân Việt Nam ủng hộ, bởi ông có lý lịch của một người Cộng sản” – Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Tháng 12/1946, chiến tranh đã bùng nổ giữa các lực lượng Pháp muốn duy trì kiểm soát thực dân ở Việt Nam và những người Việt đấu tranh cho độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Cuộc chiến đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho những nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ. Một mặt, nhìn chung Hoa Kỳ được ghi nhận là chống chủ nghĩa thực dân. Hiến chương Đại Tây Dương, một bản tuyên bố của Hoa Kỳ và Anh về những mục tiêu của Chiến tranh Thế giới II, đã nói đến “quyền lựa chọn được sống dưới một chính thể nào đó của các dân tộc”. Thông qua Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS), Hoa Kỳ cũng đã hợp tác với Hồ Chí Minh trong Chiến tranh Thế giới II để chống Nhật (một nhóm sĩ quan tình báo của OSS đã được phái từ Trung Quốc đến Việt Nam để viện trợ vũ khí, huấn luyện và trợ giúp cho Hồ Chí Minh và tổ chức Việt Minh của ông). Tuy nhiên, sau Thế chiến, chính phủ Mỹ lại không muốn ủng hộ Hồ Chí Minh vì ông có lý lịch và lý tưởng cộng sản. Ngoài ra, Hoa Kỳ coi việc duy trì quan hệ với Pháp là một ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, Hoa Kỳ đã công nhận chủ quyền của Pháp đối với Đông Dương, nhưng lại hối thúc Pháp cuối cùng phải trao trả độc lập cho Việt Nam và các nước láng giềng là Lào và Campuchia.

Lập trường của chính phủ Mỹ đối với Việt Nam và những nước còn lại ở Đông Dương trong thời kỳ này được thể hiện trong quan điểm sau, trích từ bản tuyên bố đầu tiên về chính sách của Mỹ đối với Đông Dương do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ soạn thảo. Các quan chức Hoa Kỳ soạn thảo bản tuyên bố ngày 27/9/1948 đã đưa ra những luận điểm ủng hộ nền độc lập của Việt Nam, nhưng không ủng hộ chế độ Cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Các tác giả công nhận rằng Hoa Kỳ đã gián tiếp can dự vào cuộc chiến qua việc chở vũ khí và quân nhu cho Pháp. Đến năm 1950, Hoa Kỳ đã trực tiếp hỗ trợ hoạt động quân sự của Pháp ở Việt Nam.

“Chấp nhận Cộng sản sẽ là một sai lầm tai hại”

Ngày 8/3/1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và cựu Hoàng đế Bảo Đại (là người mà trong triều đại của mình đã hợp tác với Pháp và, trong Chiến tranh Thế giới II, với Nhật) ký Hiệp định Élysée thành lập “Quốc gia Việt Nam”. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong một bị vong lục gửi cho Bộ Ngoại giao Pháp được trích dưới đây, đã lập luận rằng Pháp phải trao cho nhà nước mới này một nền độc lập thực sự nếu nhân dân Việt Nam muốn tránh “sai lầm” là đã ủng hộ nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Hồ Chí Minh. Hoa Kỳ đã công nhận ngoại giao chính phủ Bảo Đại vào tháng 2/1950. Tuy nhiên, hầu hết người Việt coi chính phủ Bảo Đại chỉ là bức bình phong để Pháp tiếp tục kiểm soát.

“Vì tin rằng sự nhượng bộ của Pháp đối với phong trào dân tộc chủ nghĩa tương xứng với sức mạnh của phong trào đó có thể cung cấp cơ sở cho việc giải quyết tình hình Đông Dương và thành lập một chính phủ đại diện ổn định của Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ hoan nghênh bước đi của Tổng thống Pháp trong việc đạt được thỏa thuận với cựu Hoàng đế Bảo Đại, theo đó sự thống nhất lãnh thổ của Việt Nam, bao gồm Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, có thể được thực hiện và Quốc gia Việt Nam được hưởng các quyền tự chủ nội bộ sâu rộng. Có thể nói ngay rằng theo quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ, nhân dân Việt Nam sẽ phạm phải sai lầm tai hại cho tương lai của họ nếu họ từ chối giải pháp này và ủng hộ không phải Chính phủ Việt Nam được thành lập theo hiệp định ngày 8 tháng 3 mà ủng hộ cái gọi là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những người đứng đầu nhà nước cộng hòa này là những người được đào tạo về các phương pháp và học thuyết của chủ nghĩa cộng sản quốc tế, và mặc dù họ hiện đang ủng hộ lý tưởng dân tộc chủ nghĩa, không thể bỏ qua việc họ chưa bao giờ phủ nhận mối liên hệ với Điện Kremlin hoặc bác bỏ các kỹ thuật và mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản, vốn là nguyên nhân gây ra rất nhiều đau khổ trên thế giới ngày nay. Do đó, chắc chắn rằng nếu chính phủ của họ đạt được mục đích của mình với sự ủng hộ hoặc chấp thuận của nhân dân Việt Nam, thì mô hình của một chế độ toàn trị nước ngoài sẽ được áp dụng đối với Việt Nam, theo đó mọi quyền tự do, quốc gia và cá nhân, sẽ bị mất. Một kết cục như vậy không chỉ là tai họa đối với phúc lợi và hy vọng của người Việt mà còn gây hại nhất cho lợi ích của tất cả các dân tộc tự do, đặc biệt là những dân tộc ở Nam Á đang phải đối mặt với nguy cơ Cộng sản bành trướng”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới