Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiUlan Bator thách thức ICC chăng?

Ulan Bator thách thức ICC chăng?

Ngày 3/9 tới đây, theo dự kiến, ông Putin sẽ có chuyến thăm Mông Cổ theo lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh. Trong bối cảnh hiện nay, chuyến công du của nhà lãnh Nga trở thành một trong những trọng điểm chú ý của dư luận.

Tổng thống Nga Putin sẽ thăm Mông Cổ ngày 3/9?

Thông tin trước báo chí, Moscow cho biết, chương trình đã được chuẩn bị chu đáo. Nhà lãnh đạo Nga sẽ sẽ hội đàm với Tổng thống Mông Cổ Khurelsukh; tham gia các sự kiện kỷ niệm 85 năm chiến thắng chung của lực lượng vũ trang Liên Xô và Mông Cổ trước quân Nhật Bản trên sông Khalkhin Gol; và một số hoạt động khác.

Bằng vào thông tin trên, coi như ông Putin chắc chắn sẽ hiện diện ở Ulan Bator. Vậy mà, dù chỉ còn cách chuyến thăm 2 ngày, một số nhà quan sát vẫn nghĩ tới một tình huống khác: ông chủ điện Kremlin sẽ đột ngột hoãn chuyến công du của mình. Lý do của tình huống khó tin kia, là Ulan Bator sẽ phải rút lại lời mời trước sức ép của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có trụ sở ở ở The Hague, Hà Lan, để thực hiện trách nhiệm của một quốc gia thành viên đối với lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin mà ICC đã phát ra từ ngày 17/3/2023 với cáo buộc ông phạm “các tội ác chiến tranh” tại Ukraine.

Liên quan điều được coi là “nghĩa vụ” của các quốc gia thành viên ICC, một phát ngôn viên của ICC là Fadi el-Abdallah, đã nói với giới truyền thông rằng: Tất cả các quốc gia đã ký Quy chế Rome “đều có nghĩa vụ hợp tác theo Chương IX” (Quy chế Rome là một hiệp ước quốc tế thành lập ICC mà Mông Cổ đã phê chuẩn vào năm 2002). Đồng thời, như muốn cảnh cáo Mông Cổ không thực thi mệnh lệnh ICC sẽ phải trả giá đắt, phát ngôn viên của Tòa còn nhấn mạnh: “Trong trường hợp không hợp tác, các thẩm phán ICC có thể đưa ra phán quyết về vấn đề đó và thông báo cho Hội đồng các quốc gia thành viên về phán quyết liên quan. Sau đó, Hội đồng sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp họ cho là phù hợp”.

Là nói thế thôi, giả như ICC có hung hăng đến mấy, thì đột nhập một quốc gia có chủ quyền để thực thi lệnh bắt ông Putin, còn phải nghĩ chán, nếu không muốn mang tiếng cơ quan pháp luật quốc tế mà chà đạp lên công pháp.

Trước đó, trong một tuyên bố với hãng tin AP, Bộ Ngoại giao Ukraine cũng đã cho biết: “Chúng tôi kêu gọi giới chức Mông Cổ thực hiện lệnh bắt giữ quốc tế mang tính ràng buộc và đưa ông Putin đến Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague”.

Những tuyên bố, kêu gọi đó đã tác động gì tới Moscow?

Tới thời điểm này, tất cả vẻ như chỉ là “nước đổ lá khoai” vậy. Nghĩa là, Kremlin gần như chẳng lấy làm hề hấn gì cả. Bằng chứng là ngày 30/8, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, đã tự tin khẳng định rằng: Moscow “không lo ngại” về lệnh bắt của ICC và mọi vấn đề có thể liên quan đến chuyến thăm Mông Cổ của Tổng thống Putin đã được “giải quyết riêng” trước đó.

Thêm một cái lý nữa mà dù không nói ra, nhưng dư luận thừa biết, nó được Moscow vin vào để tẩy chay lệnh bắt ông Putin của ICC – đó là Nga (và cả Ukraine) không tham gia Quy chế Rome, nên ICC (cũng như Ukraine) hô hoán bắt bớ ông Putin chỉ ví như trò cười. Trò cười thì sao có thể lấy làm dọa dẫm nhà lãnh đạo một cường quốc như ông Putin kia chứ?

Dầu vậy, lý lẽ của Kremlin chưa phải đã thuyết phục được tất cả. Những người vẫn nghĩ tới một kết cục “không có hậu” cho kế hoạch về chuyến công du của ông Putin căn cứ vào hai lý do.

Thứ nhất, Ulan Bator khó chối bỏ trách nhiệm của một quốc gia thành viên – điều đó là sự thật. Nếu chỉ vì Nga là đối tác chiến lược toàn diện của Ulan Bator (kể từ năm 2019 khi ông Putin thăm Mông Cổ), thì việc làm mất đi hình ảnh của một quốc gia “thượng tôn pháp luật” vẫn là điều khiến Ulan Bator phải cân nhắc.

Thứ hai, trước kế hoạch chuyến thăm Mông Cổ lần này của ông Putin, không ít người nhớ lại, tháng 3 năm 2023, ông Putin đã có kế hoạch thăm Nam Phi để dự hội nghị thượng đỉnh BRICS. Nam Phi, từ chỗ ăn nói một cách thận trọng: “Với tư cách là chính phủ, chúng tôi nhận thức được nghĩa vụ pháp lý của mình. Tuy nhiên, trong thời gian từ nay đến thượng đỉnh, chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với các bên liên quan khác nhau”.Vậy mà tới tháng 7, kết quả “trao đổi” được đích thân tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo, là: Nam Phi không thể tuân lệnh của ICC; Việc bắt giữ cũng sẽ làm suy yếu sứ mệnh do Nam Phi lãnh đạo nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine và đóng cửa giải pháp hòa bình”.

Thậm chí, cũng ông Cyril Ramaphosa còn lôi lời đe dọa của Kremlin: “Nga đã nói rõ rằng việc bắt giữ tổng thống đương nhiệm của nước này sẽ là lời tuyên chiến” để giải thích cho việc không thể thực thi lệnh bắt; đồng thời, nhà lãnh đạo này cho biết, đang nỗ lực tìm kiếm một sự miễn trừ theo các quy tắc của ICC nhằm đáp ứng cho mục tiêu xử lý hài hòa sự xung đột mà chính phủ nước này đang trong thế kẹt…

Ngỡ với lời từ chối coi như thẳng thừng đó, ông Putin sẽ đàng hoàng, đĩnh đạc hiện diện ở diễn đàn hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 8 cũng năm trước sự cay cú của ICC. Vậy mà không. Chỉ vài ngày sau, Nam Phi cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) vào tháng 8 (nhưng có bài phát biểu theo hình thức trực tuyến), kết thúc mọi sự đồn đoán về một câu chuyện nhạy cảm kéo dài tới vài tháng.

Thông báo về sự vắng mặt trực tiếp của ông Putin nhẹ tênh vậy thôi, nhưng giới phân tích quốc tế hiểu rằng: để xử lý được vấn đề, chắc chắn, hai bên, nhất là tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, đã phải vô cùng nỗ lực trước sức ép từ ICC và các phe phái đối lập trong nước.

Vẫn biết Nam Phi khác, Mông Cổ khác, nếu so sánh sẽ khập khễnh. Nhưng từ chuyến công du tới Nam Phi bị hủy vào lúc cuối của ông Putin, bài học rút ra là: thời thế hiện nay, trong bang giao quốc tế, những chuyện bất ngờ đều có thể xảy ra.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới