Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiÂm mưu của những kẻ kích động khôi phục “Đế quốc Khmer”

Âm mưu của những kẻ kích động khôi phục “Đế quốc Khmer”

Việt Nam và Campuchia là có mối quan hệ khá phức tạp từ quá khứ cho tới hiện tại. Có lúc là đồng minh, có lúc là kẻ thù, và nay là đối tác. Người Campuchia thường không mấy thiện cảm với Việt Nam, từ những thành phần đối lập như Sam Rainsy cho tới cả những người dân thường… Điểm chung của những nhóm này là kích động tâm lý “bài Việt Nam” và đòi “khôi phục đế quốc Khmer”. Vậy, đế quốc Khmer là gì? Tại sao các thế lực chống đối lại dùng nó để chống Việt Nam?

Đền thờ Angkor Wat là một trong những di sản của đế quốc Khmer.

Trở lại bức tranh phong kiến từ hàng ngàn năm trước để hiểu rõ hơn vấn đề hiện nay, Đế quốc Khmer thời kỳ phát triển đến cực thịnh, bao gồm phần lãnh thổ hiện nay thuộc Campuchia, miền Nam Việt Nam, Lào và cả Thái Lan. Hiện nay, tài liệu lịch sử về quốc gia này vẫn còn nhiều điều chưa thống nhất. Các vết tích cho thấy, đế quốc Khmer ra đời vào năm 802 sau Công Nguyên, vua Jayavarman II tự xưng là Chakravartin (vua của thiên hạ). Đế quốc này đã kết thúc với sự sụp đổ của Angkor vào thế kỷ thứ XV. Sự sụp đổ này được cho là bởi thiên tai, bệnh dịch và sự yếu kém trong quản lý của các vị vua, đặc biệt nhất là sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nước xung quanh như Đại Việt hay vương quốc Ayutthaya.

Cội nguồn của chủ nghĩa bài Việt Nam từ các thế lực đối lập tại Campuchia, sự hình thành và sụp đổ của một đế chế là điều hết sức bình thường trong tiến trình lịch sử của nhân loại, có thịnh ắt có suy. Thế nhưng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người ta sẽ luôn nhớ về một thời vàng son của mình. Người Mông Cổ ngày nay vẫn tự hào khi nói về thời kỳ của Thành Cát Tư Hãn. Người Thổ Nhĩ Kỳ luôn tự hào khi nói về sự hùng mạnh và vĩ đại một thời của Ottoman. Thế nhưng, nếu như mọi thứ chỉ dừng lại ở hai chữ “tự hào” mà thôi đã không có vấn đề gì. Với Campuchia, cụm từ “đế quốc Khmer” phức tạp hơn rất nhiều.

Sau sự sụp đổ của đế quốc Khmer, khu vực Campuchia ngày nay nằm dưới sự ảnh hưởng của các quốc gia xung quanh, khi là Xiêm, lúc là Đại Việt. Đặc biệt là khi các Chúa Nguyễn tuốt gươm mở cõi tiến xuống phía Nam và rồi sau này vùng đất này bị sáp nhập vào Đại Việt dưới cái tên là Trấn Tây Thành dưới thời của vua Minh Mạng.

Với một lịch sử như vậy, không tránh khỏi những cuộc chiến và mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn lịch sử. Nửa sau thế kỷ XIX, bán đảo Đông Dương nằm dưới gót giày của thực dân Pháp. Người Pháp đã thực hành chính sách “chia để trị” và kích động chủ nghĩa dân tộc tại mỗi quốc gia trên bán đảo Đông Dương nhằm chia cắt và dập tắt mọi phong trào đấu tranh giành độc lập tại đây. Sang đến thế kỷ thứ XX, ba nước Đông Dương đã từng có những mối quan hệ đầy phức tạp, từ chỗ từng là đồng minh của nhau chống lại thực dân đế quốc rồi trở thành kẻ thù. Thế nhưng chỉ có một điều không thay đổi, đó là những chữ “đế quốc Khmer” vẫn luôn được các lãnh đạo ở đây sử dụng để lôi kéo sự ủng hộ của dân chúng, làm nền tảng cho sự cầm quyền của mình.

Bắt đầu từ Sihanouk, dù trung lập và cho phép Quân Giải phóng Việt Nam hoạt động trên đất của mình, thế nhưng mọi đảng cánh tả có xu hướng thân Hà Nội như Pra Chenon đều bị ông ta thẳng tay đàn áp. Sihanouk cũng từng thù địch với cả chính quyền của anh em Ngô Đình Diệm. Nói chung, chỉ cần là Việt Nam, không phân biệt cộng sản hay tư bản, ông ta đều không vừa mắt. Đến thời của Lon Nol và sau này là Khmer Đỏ, cũng đều chủ trương gây thù địch với các nước xung quanh từng một phần là lãnh thổ của đế quốc Khmer.

Thời điểm chưa giành được chính quyền và còn phải dựa vào sự giúp đỡ của Việt Nam cũng như Liên Xô, Khmer Đỏ lấy danh nghĩa phò tá Sihanouk và khôi phục đế quốc Khmer để mị dân, tìm kiếm sự ủng hộ trong dân chúng. Điều này được thể hiện ngay trong hồi ký của Sihanouk. Người dân Campuchia ủng hộ Pol Pot do được rót những lời lẽ mị dân. Ông ta hứa hẹn sẽ đánh chiếm Việt Nam để khôi phục một đế quốc Khmer xa xưa bao gồm toàn bộ Đông Dương, đến cả Thái Lan và Miến Điện. Điều này đã khiến cho người dân Campuchia ủng hộ, hơn là chấp nhận một người lãnh đạo như Sihanouk, một con người quá thực tế, không thể hứa hẹn với họ cái điều không thể làm được như vậy.

Chính vì dùng đế quốc Khmer để mị dân, cho nên ngay sau khi giành được chính quyền, Khmer Đỏ đã gây hấn với các nước láng giềng là Việt Nam và Thái Lan. Khmer Đỏ muốn lấy lại các lãnh thổ thuộc đế chế Angkor xưa đã bị các quốc gia láng giềng thôn tính. Hành động này bắt nguồn từ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, được khơi dậy từ thời Pháp thuộc, từng được cả Sihanouk và Lon Nol ủng hộ. Sihanouk, Lon Nol và sau này là Pol Pot đều xem các nước lân cận là kẻ thù truyền kiếp vì đã tiêu diệt đế quốc Khmer của ông ta, xâm chiếm đất đai của Campuchia.

Các cuộc xung đột lẻ tẻ trên biên giới Thái Lan và Campuchia diễn ra do tranh chấp các vùng lãnh thổ nhỏ dọc biên giới tại các tỉnh Trat, Aranyaprathet, Poipet và Surin bắt đầu từ tháng 4/1975 và gia tăng mạnh trong tháng 11. Ngoài tranh chấp dọc biên giới, các cuộc xung đột này còn có nguồn gốc do các lực lượng Khmer Serei chống Khmer Đỏ sử dụng lãnh thổ Thái Lan làm căn cứ xuất phát tấn công Khmer Đỏ. Đáp lại, Khmer Đỏ cũng hỗ trợ lực lượng cộng sản Thái Lan thiết lập “Angka Siam” chống đối chính quyền Thái Lan và huấn luyện lực lượng này từ các tỉnh Si Sa Ket, Buri Ram, và tỉnh Surin trên biên giới Thái.

Với Việt Nam, Khmer Đỏ đã thực hiện những cuộc thanh trừng khốc liệt nhắm vào toàn bộ những thành viên thân Việt Nam trong Đảng của ông ta. Ước tính 200 cán bộ thân Việt Nam đã bị thảm sát tại nhà tù S21, chỉ còn một số thủ lĩnh sống sót chạy được sang Việt Nam như Heng Samrin và một nhân vật cực kỳ quan trọng với Campuchia sau này, cựu Thủ tướng Hun Sen. Với dân chúng, có hai loại người bị thanh trừng: Một là, những người dân từng giúp đỡ Việt Nam hoặc thân Việt Nam, đa phần đều bị tàn sát hoặc phải chạy trốn. Ước tính trong năm 1976, đã có tới 15.000 người dân Campuchia chạy thoát được sang Việt Nam. Đến năm 1978, con số này đã lên tới 40.000 người. Hai là, họ sẽ thanh trừng những người có học thức, rồi thi hành chính sách ngu dân. Theo nghị quyết tháng 10/1975 của Khmer Đỏ, họ đã đề rõ: “Đường lối di dân của chúng ta là quan trọng nhất sau ngày 17/4/1975. Làm việc này, chúng ta sẽ thủ tiêu được mọi lực lượng chống đối, làm chủ đất nước 100%”. Như vậy, kể từ năm 1975 trở đi, chúng đã thanh trừng xã hội với khẩu hiệu “giữ mày cũng không có lợi, giết mày cũng chẳng thiệt gì”, khiến cho cả xã hội Campuchia khi đó coi những nước như Lào, Việt Nam hay Thái Lan là những kẻ thù không đội trời chung. Điều này nguy hiểm tới mức, cho đến tận năm 1990, Khmer Đỏ vẫn lôi kéo được nhiều thành phần cầm súng lên để chiến đấu cho mình.

Có thể thấy được việc Khmer Đỏ chủ trương gây hấn với các nước xung quanh là một con đường tất yếu liên quan tới sự sống còn của những người đứng đầu khi đó, cho nên chúng đã làm vậy. Thế nhưng, chính sự điên cuồng và ảo vọng tới mức mù quáng của Khmer Đỏ cũng đã dẫn tới sự sụp đổ của chúng. Sau khi đã cơ bản thanh trừng được những thành phần thân Việt Nam, chúng bắt đầu tiến hành những hoạt động lớn hơn.

Trước cuộc tổng phản công ngày 23/12/1978 của quân Việt Nam, Khmer Đỏ đã từng hai lần dùng lực lượng chính quy tấn công sâu vào trong lãnh thổ Việt Nam. Trong cuộc tấn công của Khmer Đỏ vào tháng 9/1977, 9 sư đoàn chủ lực của Khmer Đỏ đã cùng lực lượng địa phương của họ mở cuộc tấn công đánh sang các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp, rồi tiến lên hướng Tây Ninh. Để trả mối thù này, ngày 31/12/1977, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tập trung 8 sư đoàn mở đợt phản công lớn, đánh thiệt hại nặng 5 sư đoàn quân Khmer Đỏ, rồi đánh sâu vào 20 – 30 km trong đất Campuchia, chiếm luôn cả Neak Luong rồi mới rút lui.

Ngày 5/1/1978, Việt Nam đã tiến quân tới sát Phnom Penh, chỉ cách có 50 km. Cuộc tấn công này được xem là lời cảnh cáo Khmer Đỏ. Thế nhưng, việc Việt Nam tấn công xong và rút lui không phải vì Việt Nam không có đủ khả năng hay là ngại Trung Quốc, mà là do những tính toán của Hà Nội khi đó. Cho tới thời điểm này, Việt Nam vẫn tin rằng, ban lãnh đạo của Khmer Đỏ đang chia thành 2 phái là thân Việt Nam và chống Việt Nam, cũng chưa rõ rằng phái nào sẽ thắng thế.

Chính phủ Việt Nam một mặt đề nghị giảng hòa, đồng thời đề nghị thiết lập một khu phi quân sự dọc theo biên giới hai nước có chiều rộng là 10 km, ăn sâu vào lãnh thổ mỗi bên 5 km. Một đội giám sát quốc tế do hai nước cử ra sẽ tuần tiễu trong khu vực phi quân sự đó để đảm bảo hòa bình lâu dài giữa hai nước. Mặt khác, báo cáo sự việc này lên Liên Hợp Quốc và đề nghị can thiệp làm trung gian hòa giải. Vậy nhưng, tất cả mọi nỗ lực đó đều đã vô ích khi Trung Quốc không chịu đứng ra hòa giải, còn các nước khác cũng chỉ biết nêu hai chữ “quan ngại” mà chẳng ai quan tâm.

Ấy thế mà khi Việt Nam nổ súng tấn công, lập tức một hội nghị được lập ra, gần như là cả thế giới vây vào hòng bóp chết Việt Nam. Suốt mấy tháng liền, Đài Hà Nội liên tục nhắc lại đề nghị này, nhưng các thủ lĩnh Khmer Đỏ thông qua Pol Pot đã bác bỏ mọi đề nghị của Việt Nam. Có lẽ, chính vì thiện chí hòa bình của Việt Nam trong suốt mấy năm như vậy, nó lại khiến cho tập đoàn Pol Pot củng cố thêm cái nhận định ngông cuồng của chúng rằng, Việt Nam không dám tấn công sâu vào Campuchia.

Chính vì vậy, chúng lại càng chủ trương gây hấn và gây hấn mạnh hơn nữa. Đỉnh điểm là việc đưa ra nghị quyết tháng 2/1978. Vậy nhưng, các lãnh đạo Việt Nam sau 3 lần bị gây hấn, cũng như nhận lời mời của Mặt trận Cứu Quốc Campuchia, đã quyết định tiến hành Tổng phản công vào cuối năm 1978. Nếu Việt Nam không tổng phản công thì chính là đã làm theo chủ trương của chúng và khiến chúng tiếp tục tin vào cái ảo tưởng ngông cuồng về khôi phục đế quốc Khmer.

Đến thập niên 90, khi Liên Hợp Quốc kéo vào và cắt ra không chính thức gần 1/4 Campuchia cho Khmer Đỏ, nó lại nhen nhóm lên ngọn lửa chiến tranh dai dẳng mà Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Đoàn kết Cứu Quốc Campuchia đã cố dập tắt, kéo dài thêm sự đau khổ ở đây thêm 10 năm nữa. Tới năm 1998, Khmer Đỏ khi này mới chính thức chấm dứt sự tồn tại của mình, sau khi những thủ lĩnh cuối cùng đã ra đầu hàng. Thế nhưng, với chủ trương hòa giải dân tộc, chính quyền Campuchia đã nương tay và vẫn để cho những tên đao phủ từ thời Khmer Đỏ được nhởn nhơ ngoài xã hội và tiếp tục lan truyền cái ảo tưởng đế chế Khmer năm nào.

Cho tới 10 năm trở lại đây, cụm từ này lại tiếp tục xuất hiện nhiều hơn trên mạng xã hội, đỉnh điểm là sự thành lập của Đảng Cứu Quốc Campuchia, viết tắt là CNRP, với thủ lĩnh là Sam Rainsy. Khoảng thời gian năm 2013 – 2014, ông ta đã kêu gọi những người Campuchia tại các vùng biên giới gần Việt Nam thực hiện những cuộc vượt biên, thay đổi dấu mốc chủ quyền biên giới và liên tục kêu gọi bài Việt Nam.

Ông ta còn đưa ra một câu nói “Cây thốt nốt mọc đến đâu đất xưa của người Campuchia trải đến đó”, mục đích là để kích động hận thù dân tộc, kiếm phiếu bầu với lời hứa huyễn hoặc là sẽ đòi lại vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long từ tay Việt Nam. Chiêu trò này giống hệt với những gì mà Pol Pot đã làm năm xưa, có chăng chỉ khác là thay vì dùng từ “đế quốc Khmer”, ông ta dùng từ “đất xưa của người Campuchia”. Chung quy lại, nó vẫn giống nhau và đều kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Campuchia và bài xích Việt Nam.

Rất tiếc theo ước tính, có tới 3 triệu dân Campuchia ủng hộ Sam Rainsy, tức là có ít nhất 1/5 dân số Campuchia hiện nay xem Việt Nam là kẻ thù. Như vậy, chỉ với cụm từ “đế quốc Khmer”, nó đã tạo ra cả một thời kỳ tăm tối cho Campuchia và để lại những hệ lụy cho tới tận ngày hôm nay. Qua đây, một lần nữa chúng ta thấy cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1979 là một cuộc chiến tranh bắt buộc. Việt Nam phải đánh. Phải đánh để những kẻ ảo tưởng đó biết rằng “sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Trong tình hình hiện nay, khi Campuchia đang có nhiều chuyển biến, chính phủ nước này có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, gây nhiều khó khăn cho Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, khách quan mà đánh giá, Đảng của Hun Sen vẫn có thiện cảm với Việt Nam, nhất so với nhiều đảng đối lập khác. Cha con Hun Sen cũng là hiểu rõ ai đã cứu họ và thấy rõ được sức mạnh chính nghĩa của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới