Thủy quân Lục chiến Mỹ đã chụp ảnh sau khi thảm sát 24 người ở Iraq nhưng quân đội Mỹ trong nhiều năm cố gắng không công khai những hình ảnh đó.
Tạp chí The New Yorker vừa chọn đăng một số hình ảnh kinh hoàng về vụ lính Mỹ thảm sát thường dân ở Iraq vào năm 2005, sau nhiều năm nỗ lực buộc quân đội Mỹ phải cung cấp những hình ảnh trên.
Từ một vụ đánh bom
Sự việc xảy ra vào sáng 19.11.2005 khi một toán lính thủy đánh bộ Mỹ đi trên 4 chiếc xe Humvee qua thị trấn Haditha ở Iraq thì bị vấp mìn. Vụ việc khiến binh sĩ Miguel Terrazas thiệt mạng và 2 người bị thương.
Phản ứng của nhóm này sau đó đã dẫn đến một trong những cuộc điều tra tội ác chiến tranh lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Trong nhiều giờ tiếp theo, Thủy quân Lục chiến Mỹ đã giết chết 24 người gồm cả nam, phụ, lão, ấu. Gần địa điểm xảy ra vụ nổ, họ đã bắn 5 người đàn ông đang lái xe đến một trường đại học ở Baghdad.
Họ đã vào 3 ngôi nhà gần đó và giết chết gần như tất cả mọi người bên trong. Nạn nhân nhỏ tuổi nhất là một bé gái 3 tuổi. Nạn nhân lớn tuổi nhất là một người đàn ông 76 tuổi. Sau đó, Thủy quân Lục chiến tuyên bố rằng họ đang chiến đấu với quân nổi dậy vào ngày hôm đó, dù những người chết đều là thường dân.
Sau khi vụ thảm sát kết thúc, 2 lính thủy đánh bộ khác đã ghi lại hậu quả. Hạ sĩ Ryan Briones mang theo máy ảnh kỹ thuật số Olympus. Hạ sĩ Andrew Wright mang theo bút dạ Sharpie màu đỏ.
Hai binh sĩ đi từ địa điểm này đến địa điểm khác, đánh dấu các thi thể bằng số và sau đó chụp ảnh. Những lính thủy đánh bộ khác, bao gồm một người làm việc trong ngành tình báo, cũng chụp ảnh hiện trường. Khi hoàn thành, họ đã tạo ra một bộ sưu tập ảnh sẽ là bằng chứng mạnh mẽ nhất chống lại những người lính thủy đánh bộ đồng đội của họ.
Quân đội Mỹ phản ứng ra sao?
Vụ giết người được biết đến với tên gọi là vụ thảm sát Haditha. Bốn lính thủy đánh bộ bị buộc tội giết người, nhưng những cáo buộc sau đó bị hủy bỏ.
Tướng James Mattis, người sau này trở thành bộ trưởng quốc phòng, đã viết một lá thư cho một trong những lính thủy đánh bộ, bác bỏ các cáo buộc và tuyên bố anh ta vô tội.
Đến năm 2012, khi vụ án cuối cùng kết thúc bằng một thỏa thuận nhận tội mà không có án tù, chiến tranh Iraq kết thúc và những câu chuyện liên quan hiếm khi nhận được nhiều sự chú ý.
Tác động của một tội ác chiến tranh thường liên quan trực tiếp đến nỗi kinh hoàng khi những hình ảnh được mọi người biết đến. Việc ngược đãi tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib (Baghdad, Iraq) trở thành một vụ bê bối quốc tế khi những bức ảnh ghê rợn được công bố.
Tuy nhiên, vụ giết người Haditha chưa có khoảnh khắc tương tự. Một số hình ảnh mà thủy quân lục chiến chụp đã lọt ra ngoài, nhưng hầu hết chưa bao giờ được công bố.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2014, tướng Michael Hagee, người chỉ huy thủy quân lục chiến vào thời điểm xảy ra vụ giết người Haditha, đã khoe khoang về việc giữ bí mật những bức ảnh.
“Báo chí không bao giờ có được các ảnh đó, không như trường hợp Abu Ghraib… Những bức ảnh đó ngày nay vẫn chưa được nhìn thấy. Và vì vậy, tôi khá tự hào về điều đó”, ông Hagee nói.
T.P