Thursday, September 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ cực kỳ “hào phóng” với TQ

Mỹ cực kỳ “hào phóng” với TQ

Kể từ năm 2010, Bộ Quốc phòng Mỹ, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và các cơ quan chính phủ khác đã tài trợ các nghiên cứu mang lại hơn 1.000 bằng sáng chế cho các nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan (trái) gặp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào ngày 29.8.2024


Dữ liệu từ Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cho thấy các bằng sáng chế trên bao gồm cả lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ sinh học và chất bán dẫn. Vào tháng này, USPTO đã cung cấp dữ liệu trên cho Ủy ban đặc biệt của Hạ viện Mỹ về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Tính từ năm 2010 đến quý 1/2024, USPTO đã cấp 1.020 bằng sáng chế cho Trung Quốc. Trong số này, có 197 bằng sáng chế về dược phẩm và 154 bằng về công nghệ sinh học – cả 2 đều là ngành chiến lược của cả Trung Quốc và Mỹ.

Các bằng sáng chế được tài trợ chi phí từ nhiều cơ quan chính phủ Mỹ. Trong đó, 4 bằng sáng chế đến từ hỗ trợ tài chính của NASA, 92 từ tài trợ của Lầu Năm Góc, 175 từ tiền của Bộ Năng lượng Mỹ và 356 từ Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ.

“Thật đáng báo động khi tiền nộp thuế của người dân Mỹ đã vô tình tài trợ cho hơn 1.000 bằng sáng chế cho các tổ chức Trung Quốc, trong đó Bộ Quốc phòng Mỹ chiếm gần 100 bằng trong tổng số sáng chế này”, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về Trung Quốc John Moolenaar cho biết trong một email gửi Reuters.

USPTO, NASA, các bộ và tổ chức của Mỹ liên quan chưa phản hồi thông tin trên.

Theo Reuters, thực trạng trên có thể nằm trong khuôn khổ Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ vào năm 1979 mang tính bước ngoặt giữa Mỹ và Trung Quốc, một giao kèo mà nhiều người cho rằng bất cân xứng. Thỏa thuận hợp tác này từng bị chỉ trích từ các nhà lập pháp Mỹ do lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh và cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ.

Trong khi đó, những người ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận cho rằng việc chấm dứt thỏa thuận sẽ kìm hãm sự hợp tác về học thuật và thương mại của Washington, đồng thời ngăn cản Mỹ tìm hiểu về những tiến bộ kỹ thuật của Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ vẫn đang trao đổi với Trung Quốc về thỏa thuận này. “Mỹ vẫn cam kết thúc đẩy và bảo vệ lợi ích của nước này trong khoa học và công nghệ”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Lưu Bằng Vũ nói rằng khoa học và công nghệ là một “ngành kinh doanh mở”, đồng thời bày tỏ hy vọng một số quan chức ở Mỹ sẽ từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh.

Theo Reuters, các bằng sáng chế do USPTO cung cấp chỉ chiếm một phần nhỏ trong số các bằng sáng chế toàn cầu của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia nộp đơn xin cấp bằng sáng chế hàng đầu thế giới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới