Monday, January 13, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiDính 'đòn kép' của Mỹ: Dòng tiền Nga - Trung ngày càng...

Dính ‘đòn kép’ của Mỹ: Dòng tiền Nga – Trung ngày càng nhức nhối

Một số công ty Nga đang phải đối mặt với tình trạng chậm trễ và chi phí thanh toán tăng cao với các đối tác thương mại tại Trung Quốc, khiến các giao dịch trị giá hàng chục tỷ nhân dân tệ bị đình trệ, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin Nga có hiểu biết trực tiếp về vấn đề này cho hay.

Các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đang đóng cửa “hàng loạt” các giao dịch với Nga và hàng tỷ nhân dân tệ đang bị giữ lại.


Rào cản thanh toán ngày càng nhức nhối
Các công ty và quan chức Nga trong vài tháng qua đã chỉ ra sự chậm trễ trong các giao dịch với Trung Quốc sau khi các ngân hàng của nước này thắt chặt việc tuân thủ quy định do lo ngại các đòn trừng phạt thứ cấp của Mỹ. Các nguồn tin cho biết vấn đề đã trở nên trầm trọng hơn trong tháng này.

Một nguồn tin thân cận với chính phủ Nga nói với Reuters rằng các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đang đóng cửa “hàng loạt” các giao dịch với Nga và hàng tỷ nhân dân tệ đang bị giữ lại.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, chiếm 1/3 thương mại nước ngoài của Nga vào năm ngoái và cung cấp các mặt hàng như thiết bị công nghiệp quan trọng và hàng tiêu dùng giúp Nga vượt qua lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trung Quốc cũng cung cấp một thị trường béo bở cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Nga mà Trung Quốc phụ thuộc, từ dầu khí đến các sản phẩm nông nghiệp.

Sau khi Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 6 đe dọa trừng phạt thứ cấp đối với các ngân hàng ở Trung Quốc và các quốc gia khác vì giao dịch với Nga, các ngân hàng Trung Quốc bắt đầu có lập trường rất nghiêm ngặt về các giao dịch, một nguồn tin tại một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Nga cho biết. Nền tảng này bán nhiều loại hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Vào thời điểm đó, mọi khoản thanh toán xuyên biên giới với Trung Quốc đều dừng lại. Chúng tôi đã tìm ra giải pháp, nhưng phải mất khoảng ba tuần, đây là một khoảng thời gian rất dài, khối lượng thương mại đã giảm mạnh trong thời gian đó”, nguồn tin cho biết.

Người này cho biết một giải pháp khả thi là mua vàng, chuyển đến Hồng Kông và bán ở đó, sau đó gửi tiền mặt vào một tài khoản ngân hàng địa phương.

Một số doanh nghiệp Nga cũng đã sử dụng chuỗi trung gian ở các nước thứ ba để xử lý các giao dịch của họ. Kết quả là, chi phí xử lý các giao dịch đã tăng lên tới 6%, từ mức gần bằng 0 trước đây.

“Đối với nhiều công ty nhỏ, điều này có nghĩa là đóng cửa hoàn toàn”, một nguồn tin khác thân cận với chính phủ cho biết.

Điện Kremlin thừa nhận vấn đề này nhưng khẳng định rằng việc hợp tác kinh tế rất quan trọng đối với cả hai nước và sẽ tìm ra giải pháp.

“Với khối lượng công việc như vậy và trong một môi trường không thân thiện như vậy, không thể tránh khỏi một số tình huống rắc rối”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết trong một tuyên bố với Reuters.

“Tuy nhiên, tinh thần đối tác thực sự trong mối quan hệ của chúng tôi cho phép chúng tôi thảo luận và giải quyết các vấn đề hiện tại một cách xây dựng”, ông nói thêm.

Cản trở nguồn vốn đầu tư
Theo số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu của Nga từ Trung Quốc đã giảm hơn 1% xuống còn 62 tỷ USD trong giai đoạn tháng 1-7/2024 do vấn đề thanh toán.

Ngân hàng Trung ương Nga dự báo tổng lượng hàng nhập khẩu của nước này từ khắp nơi trên thế giới sẽ giảm tới 3% trong năm nay.

“Nhập khẩu sẽ giảm vào năm 2024 do các rào cản trừng phạt liên quan đến thanh toán và hậu cần được tăng cường”, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, mặc dù dự đoán rằng tình hình sẽ cải thiện trong trung hạn, theo dự thảo hướng dẫn chính sách tiền tệ được công bố vào ngày 29/8.

Sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 5, một số ngân hàng địa phương Trung Quốc không có hoạt động kinh doanh toàn cầu đã vào cuộc để xử lý các khoản thanh toán song phương. Họ sẽ nằm ngoài tầm với của những người thực thi lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tuy nhiên, các nguồn tin chỉ ra rằng các ngân hàng này thường có hệ thống công nghệ thông tin lỗi thời và thiếu nhân viên có đủ kỹ năng cần thiết.

Nguồn tin từ ngân hàng cho biết những người chuyển phát nhanh xuyên biên giới đã vận chuyển các giấy tờ chuyển tiền qua biên giới Nga-Trung để các nhân viên ngân hàng Trung Quốc đóng dấu và ký tên trực tiếp.

Ông Kirill Babaev, người đứng đầu Viện Trung Quốc tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết: “Cho đến khi các vấn đề về thanh toán được giải quyết ở cấp nhà nước, chúng ta không thể mong đợi dòng vốn đầu tư mạnh mẽ từ Trung Quốc”.

Nghiên cứu do ông Babaev công bố trong tháng này nêu bật những rủi ro đối với ngành công nghiệp của Nga.

“Trong tình hình hiện nay, các vấn đề thanh toán với các ngân hàng Trung Quốc càng làm trầm trọng thêm thách thức này vì hiện tại không có nhà cung cấp lớn nào khác về nhiều loại thiết bị công nghiệp ngoài Trung Quốc”, nghiên cứu nêu rõ.

Không ảnh hưởng tới các lĩnh vực chiến lược
Tuy nhiên, các giao dịch với Trung Quốc không phải là mối quan tâm lớn đối với giới lãnh đạo cấp cao của Nga, vì các khoản thanh toán trong các lĩnh vực ưu tiên vẫn đang diễn ra suôn sẻ và cả hai bên đều có ý chí chính trị, một nguồn tin ngân hàng nói với Reuters.

Các nguồn tin cho biết, các thỏa thuận song phương dành cho các công ty lớn, chẳng hạn như các công ty xuất khẩu hàng hóa của Nga và các công ty xuất khẩu công nghệ quan trọng của Trung Quốc, vẫn hoạt động tốt, trong khi các công ty nhỏ hơn kinh doanh hàng tiêu dùng lại gặp phải nhiều vấn đề.

Một nguồn tin khác thân cận với chính phủ Nga cho biết với Reuters rằng các nhà xuất khẩu của Nga không gặp khó khăn trong việc nhận thanh toán cho các mặt hàng mà Trung Quốc nhập khẩu, chẳng hạn như dầu hoặc ngũ cốc.

Theo số liệu hải quan chính thức của Trung Quốc, thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc tăng 1,6% lên 137 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024, sau khi đạt mức cao kỷ lục 240 tỷ USD vào năm 2023.

“Hoạt động thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Nga phù hợp với các quy tắc của WTO và nguyên tắc thị trường, không nhằm vào bên thứ ba và không chịu sự can thiệp hoặc ép buộc của bên thứ ba”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định.

“Chúng tôi kiên quyết phản đối mọi lệnh trừng phạt đơn phương bất hợp pháp và ‘quyền tài phán dài hạn’ và sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh thêm.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới