Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnKịch bản TQ phong tỏa Đài Loan

Kịch bản TQ phong tỏa Đài Loan

Theo CSIS, một cuộc phong tỏa với Đài Loan (Trung Quốc) nhằm cắt đứt hòn đảo này khỏi phần còn lại của thế giới sẽ là một nỗ lực rất mạo hiểm và không đảm bảo thành công.

Những người lính trên một phương tiện vận chuyển đổ bộ tham gia một cuộc tập trận phòng thủ trên sông như một phần của cuộc tập trận quân sự Han Kuang thường niên, tại sông Tamsui ở Tân Bắc, Đài Loan (Trung Quốc).


Tờ Business Insider đưa tin, các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington vào tuần trước đã công bố một nghiên cứu về ba kịch bản mà Trung Quốc Đại lục có thể phong tỏa đảo Đài Loan, các lựa chọn tiềm năng được hoạch định để cô lập hòn đảo và đập tan ý đồ kháng cự trên đảo mà không cần mạo hiểm tiến hành một chiến dịch tấn công đổ bộ.

Nghiên cứu cũng đánh giá khả năng tình hình leo thang thành một cuộc tấn công hoặc một cuộc xung đột rộng lớn hơn mà Mỹ và các đồng minh của họ tham gia.

Theo Business Insider, nghiên cứu này dựa trên học thuyết quân sự Trung Quốc, các cuộc tập trận trên sa bàn và các đánh giá của chuyên gia để hỗ trợ cho những suy luận của CSIS, đồng thời lưu ý rằng ba kịch bản phong tỏa được đưa ra không phải là những lựa chọn duy nhất để Đại lục kiểm soát Đài Loan.

Theo nghiên cứu của CSIS, các nhà hoạch định quân sự và nhiều quan chức, chuyên gia khác nhau của Trung Quốc đã thảo luận về việc cô lập, hoặc tiến xa hơn một bước là phong tỏa Đài Loan như một lựa chọn để Trung Quốc thống nhất hòn đảo này. Tuy nhiên, phong tỏa là một hoạt động có rủi ro cao, làm tăng khả năng xảy ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn, kéo dài hơn vì đây là một hành động chiến tranh.

CSIS cho biết, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều lo ngại rằng Trung Quốc Đại lục sẽ theo đuổi các biện pháp phi hòa bình để thống nhất.

Xu hướng này đã được Bộ Quốc phòng Mỹ ghi nhận đầy đủ trong báo cáo năm 2023 về quân đội Trung Quốc rằng một năm trước đó đã chứng kiến áp lực “gia tăng” từ Bắc Kinh đối với Đài Loan, bao gồm cả những gì họ xác định là “các hành động khiêu khích và gây bất ổn gia tăng trong và xung quanh Eo biển Đài Loan”, cũng như các biện pháp cứng rắn đáng kể về chính trị, kinh tế và quân sự.

Căng thẳng giữa hai bờ eo biển đã gia tăng vào tháng 1/2024 khi Đài Loan bầu ra nhà lãnh đạo mới Lai Ching-te, nhân vật không được Bắc Kinh tán thành.

Đại lục coi ông Lai là một nhân vật ủng hộ Đài Loan ly khai và theo đuổi một loạt các hành động nhằm trừng phạt hòn đảo, bao gồm các hành động quân sự xung quanh các đảo dễ bị tổn thương nhất của Đài Loan, và các cuộc tập trận lớn hơn cho thấy Quân Giải phóng nhân dân (PLA) có thể dễ dàng bao vây Đài Loan và có khả năng thực hiện một cuộc phong tỏa như thế nào.

3 kịch bản tiềm năng của CSIS
Kịch bản đầu tiên: Phong tỏa toàn diện

Theo CSIS, đây là lựa chọn khắc nghiệt nhất và rất phù hợp với học thuyết quân sự của Trung Quốc.

Một hoạt động phức tạp, có thể bắt đầu bằng việc Đại lục tuyên bố triển khai các cuộc tập trận bắn đạn thật xung quanh Đài Loan, sau đó nhanh chóng trở thành các hoạt động quân sự quy mô lớn nhằm vào hòn đảo này.

Theo CSIS, Trung Quốc có thể lựa chọn tấn công hàng trăm mục tiêu quân sự, chính quyền và cơ sở hạ tầng tại Đài Loan, đồng thời cắt đứt quyền truy cập internet và thông tin liên lạc của hòn đảo. Đại lục sẽ bí mật đặt mìn tại các cảng lớn của Đài Loan, thiết lập vùng cấm bay trên đó và đóng cửa toàn bộ Eo biển Đài Loan.

CSIS nhận định, kịch bản này dễ khiến tình hình leo thang vì các cuộc tấn công quân sự có nguy cơ gây ra phản ứng bằng vũ lực; và một trong những thách thức lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt là mối đe dọa can thiệp quân sự từ Mỹ và các đồng minh.

Kịch bản thứ hai: Phong tỏa bằng mìn

Cũng tương tự kịch bản đầu tiên nhưng tập trung vào việc đặt mìn trên biển xung quanh các cảng của Đài Loan để đe dọa hoạt động vận chuyển quân sự và thương mại của hòn đảo này.

Trong kịch bản này, các chuyên gia CSIS lưu ý rằng, Trung Quốc có thể tiến hành các cuộc tấn công mạng làm tê liệt các hệ thống liên lạc quân sự và dân sự, cũng như quyền truy cập internet, thay vì phối hợp với các cuộc tấn công quân sự.

Tuy nhiên, một số hệ thống phòng thủ của Đài Loan vẫn sẽ hoạt động, bảo toàn năng lực chống trả, có khả năng nhắm mục tiêu vào lực lượng không quân Trung Quốc bằng hệ thống phòng không của mình. Giống như kịch bản đầu tiên, tình hình có nguy cơ leo thang hơn nữa.

Tuy nhiên, kịch bản thứ hai đặt Mỹ và các đồng minh của họ vào vùng xám nhiều hơn so với kịch bản đầu tiên, vì một cuộc phong tỏa có kiểm soát từng phần ít có khả năng gây ra sự phẫn nộ quốc tế và sự can thiệp quân sự tương tự, các chuyên gia CSIS viết.

Kịch bản thứ ba: Phong tỏa hạn chế

Đây là một biến thể của kịch bản thứ hai nhưng không bao gồm đặt mìn trên biển. Theo CSIS, bằng cách tránh đặt mìn và tấn công quân sự, Bắc Kinh có thể kiểm soát được mức độ leo thang của tình hình và có thể duy trì thái độ kiềm chế hơn trên trường quốc tế; điều này có thể làm dấy lên câu hỏi về việc liệu sự can thiệp của Mỹ có thực sự cần thiết hay không.

Trong kịch bản này, Đại lục có thể sẽ chủ yếu dựa vào sự hiện diện của lực lượng được hải quân và không quân Trung Quốc hậu thuẫn. Lựa chọn này ít rủi ro hơn, nhưng vẫn có khả năng khiến tình hình leo thang.

Đối với Đài Loan, cả ba kịch bản trên đều là những thách thức nghiêm trọng. Kinh tế của hòn đảo này phụ thuộc rất nhiều vào thương mại. Báo cáo mới của CSIS lưu ý rằng kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu của Đài Loan lần lượt chiếm 61 và 69% GDP vào năm 2022. CSIS tin rằng Đài Loan chỉ đủ năng lượng và lương thực dự trữ để tự duy trì trong vài tháng.

Không rõ liệu Đài Loan có thể chống lại các hoạt động quân sự quy mô lớn từ Đại lục hay không, đặc biệt là nếu Mỹ và các đồng minh không hỗ trợ. Và trong tình huống đó, cũng không rõ hòn đảo sẽ kháng cự được bao lâu, nghiên cứu của CSIS viết.

Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh, vẫn còn rất nhiều điều chưa sáng tỏ.

Theo CSIS, “thành công hay thất bại của một cuộc phong tỏa từ Trung Quốc Đại lục phụ thuộc vào nhiều yếu tố”, bao gồm “khả năng phục hồi và ý chí tự vệ của Đài Loan cũng như mức độ can thiệp của Washington và các đồng minh”. CSIS cho biết những yếu tố này rất quan trọng.

Những cân nhắc khác là PLA được chuẩn bị tốt như thế nào, Bắc Kinh kiểm soát lực lượng tiền tuyến của mình ra sao và quản lý leo thang tình hình ở mức nào.

Các chuyên gia của CSIS cho biết, những yếu tố này “không chỉ quan trọng đối với một cuộc phong tỏa thành công mà còn đảm bảo rằng cuộc phong tỏa không vô tình leo thang thành một cuộc chiếm đóng hoặc chiến tranh”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới