Đúng như cam kết của Tổng thống Marcos sau khi nhậm chức, cùng với việc chủ động tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ và thúc đấy hợp tác an ninh, quốc phòng với các đồng minh của Mỹ như Úc, Nhật Bản, Pháp, Canada, Đức…, chính quyền của Tổng thống Marcos coi trọng việc hợp tác với các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Việt Nam… nhằm đối phó với các hành vi cưỡng bức hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 1/2024, Tổng thống Marcos đã trao đổi với các nhà lãnh đạo Việt Nam về việc tăng cường hợp tác trên biển. Tuyên bố báo chí chung được đưa ra sau chuyến thăm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông; kêu gọi việc kiềm chế các hành động gây phức tạp hoặc làm leo thang các tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực, và tránh các hành động đơn phương có thể thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Dưới sự chứng kiến của Tổng thống Marcos và Chủ tịch nước Việt Nam, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về phòng ngừa và quản lý sự cố tại Biển Đông và Bản ghi nhớ về hợp tác biển. Trong nửa năm qua, hai bên đã nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Philippines-Việt Nam và triển khai các hợp tác trên biển, nhất là giữa các lực lượng thực thi phấp luật trên biển.
Thực hiện thoả thuận nói trên, tàu CSB 8002 với 80 thành viên của Cảnh sát biển Việt Nam đã cập cảng Manila hôm 5/8, thực hiện chuyến thăm và tiến hành diễn tập chung với tàu Tuần duyên Philippines. Thông báo của Cảnh sát biển Việt Nam nhấn mạnh đây là dịp “để lực lượng chức năng hai nước nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển… góp phần duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn trên vùng biển có liên quan và trong khu vực”.
Cuộc diễn tập diễn ra tại Vịnh Manila hôm 9/8, trên bờ biển phía tây của miền bắc Philippines hướng ra Biển Đông. Tàu CSB 8002 của Cảnh sát biển Việt Nam tiến hành các bài tập huấn luyện với tàu tuần tra BRP Gabriela Silang dài 83m của Philippines, tập trung vào tìm kiếm và cứu hộ cũng như phòng chống cháy nổ trên biển và an toàn hàng hải. Đây là lần đầu tiên cơ quan thực thi pháp luật trên biển hai nước tiến hành diễn tập chung ở Biển Đông. Trong quá trình thao dượt, thủy thủ trên tàu CSB 8002 và Gabriela Silang đã cùng phun vòi rồng vào một con tàu Philippines thứ hai để mô phỏng việc giải cứu một chiếc thuyền đang cháy trên Biển Đông. Sau đó, một máy bay trực thăng của Philippines thả những hình nộm màu cam xuống biển và hai con tàu cùng thả những chiếc thuyền cao su nhỏ nhấp nhô trên những con sóng cao cả mét để vớt các nạn nhân giả định. Mặc dù thời gian cuộc diễn tập ngắn và các hoạt động chủ yếu là cứu hộ, cứu nạn, song nó đánh dấu một mốc mới trong hợp tác trên biển giữa Manila và Hà Nội.
Phó Đô đốc Arnaldo M Lim, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến thuật và Hợp tác quốc tế, Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG), cho rằng chuyến thăm của tàu CSB 8002 là một dấu mốc quan trọng trong việc tăng cường hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển hai nước, hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường biển an toàn, ổn định và hợp tác ở khu vực. Người phát ngôn của Lực lượng Tuần duyên Philippines, Chuẩn đô đốc Armand Balilo nhấn mạnh: “Đây là một mô hình tốt, một cách tốt để hạ nhiệt tình hình”. “Điều này cho thấy ngay cả những bên yêu sách đối địch cũng có cơ hội vun đắp mối quan hệ”.
Trong khi đó, Đại tá Hoàng Quốc Đạt, Trưởng đoàn Cảnh sát biển Việt Nam, phát biểu rằng chuyến thăm cảng Manila là cách để tăng cường “mối quan hệ hợp tác cùng có lợi” của hai nước. “Điều này sẽ thúc đẩy và nâng cao hiệu quả chia sẻ thông tin và phối hợp trong thực thi pháp luật trên biển, theo luật pháp quốc tế”, góp phần “duy trì và bảo vệ an ninh và an toàn hàng hải của khu vực”.
Ở chiều ngược lại, Tư lệnh Hải quân Philippines, Phó đô đốc Toribio Dulinayan Adaci Jr. thăm Việt Nam từ ngày 6 đến 8/8/2024. Phó đô đốc, Tư lện Hải quân Việt Nam Trần Thanh Nghiêm tiếp đón Phó đô đốc Toribio Dulinayan Adaci Jr. tại Hải Phòng hôm 7/8. Tại buổi làm việc, Tư lệnh Hải quân hai nước nhất trí sẽ triển khai hợp tác trong các lĩnh vực như cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển, giao lưu, tham vấn hải quân các cấp….
Cũng trong ngày 7/8, Phó đô đốc Toribio Dulinayan Adaci Jr. cũng đã được Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, tiếp tại Hà Nội. Tại buổi tiếp, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình bày tỏ mong hải quân hai nước mở rộng hợp tác về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa đường biển, tăng cường thông tin liên lạc trực tiếp, thường xuyên cập nhật tình hình, kịp thời xử lý hiệu quả các vụ việc phát sinh trên biển, xử lý nhân đạo với các ngư dân vi phạm vùng biển của nhau…. Về phần mình, Tư lệnh Hải quân Philippines nhấn mạnh “rất coi trọng quan hệ hợp tác với Hải quân Nhân dân Việt Nam”.
Tối 09/08/2024, Lực lượng Tuần duyên Philippines, thông báo sẽ cử một trong những tàu của họ đến Việt Nam vào cuối năm nay để thúc đẩy hợp tác hàng hải giữa hai nước, sau khi lần đầu tiên thao dượt chung với Cảnh sát biển Việt Nam được tổ chức thành công.
Bên cạnh những động thái kể trên, hai bên còn tích cực triển khai các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa các đơn vị đang đóng trên các cấu trúc thuộc quần đào Trường sa. Ngày 10/7/2024, hải quân hai nước Việt nam và Philippines đã tiến hành Chương trình Giao lưu Hữu nghị lần thứ 7 tại đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa ở Biển Đông nhằm tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa quân đội và hải quân hai phía Việt Nam – Philippines theo Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác song phương và chia sẽ thông tin ký hồi tháng 10 năm 2011 giữa Hải quân Việt Nam và Hải quân Philippines và Quy chế Giao lưu Hữu nghị tại hai đảo Song Tử Tây, Song Tử Đông ký vào tháng 3 năm 2012 giữa hai bên.
Giới chuyên gia cho rằng những hoạt động liên tiếp giữa hải quân, cũng như giữa Lực lượng Tuần duyên Philippines và Cảnh sát biển Việt Nam thời gian qua là nhằm triển khai các thoả thuận giữa Tổng thống Marcos và lãnh đạo cấp cao hai nước trong chuyến thăm hồi đầu năm. Ngoài ra, hai bên đã đưa ra những tín hiệu tích cực về việc tiến hành đàm phán phân định vùng biển giữa hai nước.
Khi Philippines đệ trình hồ sơ Ranh giới thềm lục địa mở rộng lên Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc trung tuần tháng 6/2024, Việt Nam đã tỏ ý sẵn sàng đàm phán với Philippines về phân định ranh giới thềm lục địa mở rộng giữa hai nước ở Biển Đông. Đáp lại việc Việt Nam đệ trình hồ sơ Ranh giới thềm lục địa mở rộng ở giữa Biển Đông tháng 7/2024, chính quyền Manila kêu gọi Hà Nội tiến hành đàm phán phân định vùng biển chồng lấn giữa hai nước ở Biển Đông.
Giới chuyên gia phân tích sự hung hăng của Bắc Kinh ngày càng gia tăng chính là lý do khiến Manila và Hà Nội đẩy mạnh hợp tác trên biển và cùng đưa ra những tín hiệu tích cực về đàm phán phân định vùng biển. Việt Nam và Philippines là hai nước có tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc ở Biển Đông và cũng là nạn nhân chính từ sự gây hấn, bắt nạt cưỡng ép của Bắc Kinh. Về cơ bản, Manila và Hà Nội có cùng quan điểm trên việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông là dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Hầu hết các học giả, chuyên gia quốc tế (trừ Trung Quốc) đều cho rằng việc Philippines và Việt Nam tăng cường hợp tác trên biển là điều tích cực và nếu hai bên tiến hành đàm phán phân định vùng biển sẽ là một biện pháp tốt để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và có thể trở thành mô hình cho việc giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông.
Sau khi tàu CSB 8002 của Cánh sát biển Việt Nam cập cảng Manila, Chuẩn đô đốc Armand Balilo khẳng định rằng các cuộc tập huấn lịch sử giữa hai lực lượng cảnh sát biển không nhằm vào Trung Quốc, mặt khác nhấn mạnh các cuộc tập huấn như vậy tạo ra hình mẫu tốt cho các đội bảo vệ bờ biển của các nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông khác có thể tìm kiếm cách thức hợp tác bất chấp các tuyên bố chủ quyền chồng chéo.
Đề đốc Algier Ricafrente, Phó tham mưu trưởng Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) phụ trách các vấn đề quốc tế, cho rằng các cuộc huấn luyện chung “là điều cần thiết vì hai quốc gia cần phải hợp lực và giải quyết các sự cố trong tương lai”. Tổng giám đốc điều hành của công ty tư vấn Amador Research Services tại Manila, Julio Amador, cho rằng cuộc diễn tập giữa hai quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng chéo xảy ra nhờ hai bên “có thiện chí” khi họ không từ bỏ yêu sách của mình nhưng lại tìm cách hợp tác. Ông Julio Amador nhấn mạnh: “Tôi muốn thấy điều này mở rộng, bao gồm các quốc gia thành viên ASEAN khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Bắc Kinh sẽ kiếm cớ để cảm thấy ‘bị xúc phạm’ vì điều này”.
Nhà phân tích địa chính trị Don McLain Gill từ trường Đại học De La Salle ở Manila nhận định: “Cuộc tập huấn chung giữa Lực lượng Tuần duyên Philippines và Cảnh sát biển Việt Nam cho thấy một bước phát triển quan trọng trong hợp tác giữa các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Kể từ khi Hà Nội bày tỏ mong muốn đàm phán với Manila về các tuyên bố chồng chéo, động lực đằng sau quan hệ song phương tiếp tục phát triển”. “Cả hai nước đã chứng minh rằng mặc dù có các tuyên bố mâu thuẫn nhau, họ vẫn có thể tạo ra một môi trường thuận lợi cho hợp tác an ninh hàng hải nhằm đóng góp vào hòa bình và ổn định của vùng biển khu vực trước mối quan ngại chung về sự bành trướng của Trung Quốc”.
Ông Don McLain Gill nhận xét: “Mặc dù, Hà Nội và Manila có những phương pháp khác nhau trong việc đối phó Trung Quốc, nhưng mức độ tin cậy ngày càng tăng giữa hai nước đã giúp thúc đẩy mức độ hợp tác của họ. Cuộc tập trận này là một sự thể hiện chưa từng có về hợp tác và tin cậy giữa hai nước có tuyên bố chủ quyền chồng chéo ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng khiêu khích Việt Nam bằng cách mở rộng tầm ảnh hưởng vào Vịnh Bắc Bộ và thông qua dự án kênh đào của họ. Vì vậy, Việt Nam cũng nhận ra cần hợp tác với các nước láng giềng để giải quyết thách thức từ Trung Quốc”.
Nhà phân tích Don McLain Gill cho rằng sự kiện này có thể khuyến khích các nước khác có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông hành động tương tự, chẳng hạn như Malaysia hoặc Indonesia. ông Gill nhấn mạnh: “Hà Nội và Jakarta đã dứt điểm thành công tranh chấp biên giới biển vào năm 2022 sau nhiều năm đàm phán. Do đó, nếu Philippines và Việt Nam có thể duy trì và tăng cường đà này, đồng thời lưu ý đến các vấn đề quốc gia nhạy cảm, một thỏa thuận như vậy giữa các nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông có thể trở thành hiện thực trong dài hạn”. Đánh giá về phản ứng của Trung Quốc trước việc tăng cường hợp tác trên biển giữa Philippines và Việt Nam, ông Don McLain Gill nhận định: “Trung Quốc sẽ không nhìn nhận điều này một cách tích cực vì lợi ích của họ là có một Đông Nam Á bị chia rẽ khi họ tìm cách tối đa hóa quyền lực của mình trong khu vực”. Trên thực tế, với chính sách “chia để trị” Bắc Kinh luôn tìm cách ngăn cản hợp tác trên biển giữa các nước nhỏ ven Biển Đông. Sau khi thông tin về cuộc diễn tập chung giữa Philippines và Việt Nam được công bố, Trung Quốc đã cho máy bay uy hiếp đe doạ cả Việt Nam lẫn Philippines. Bắc Kinh cũng đã nhanh chóng lên tiếng phản đối việc Manila và Hà Nội đệ trình hồ sơ Ranh giới thềm lục địa mở rộng lên Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc. Điều này càng cho thấy rõ mưu đồ thôn tính Biển Đông của Bắc Kinh và các nước nhỏ ven Biển Đông cần tăng cường hợp tác, phối hợp với nhau để đối phó với sự hung hãn của Trung Quốc.