Wednesday, November 13, 2024
Trang chủQuân sựTruyền thông Ấn Độ hết lời khen ngợi tên lửa P-800 Onyx...

Truyền thông Ấn Độ hết lời khen ngợi tên lửa P-800 Onyx của Nga

Được xem là “tổ tiên” của tên lửa BrahMos, màn thể hiện của P-800 trên chiến trường Ukraine càng khiến giới lãnh đạo Ấn Độ thêm tin tưởng vào dòng tên lửa này.

Tổ hợp tên lửa P-800 Onyx.


Một số tờ báo lớn của Ấn Độ nhận xét, “tổ tiên” của tên lửa BrahMos mà Ấn Độ đang sử dụng, có khả năng chiến đấu cao và tỏ ra rất hiệu quả trên chiến trường Ukraine. Loại vũ khí đang nhắc đến chính là tên lửa chống hạm siêu âm P-800 Onyx. Tên lửa này đã được Nga sử dụng để tấn công nhiều mục tiêu trong lãnh thổ Ukraine thời gian gần đây.

Tờ báo Navbharat Times nhấn mạnh, “khả năng đánh chặn thành công của phòng không Ukraine đối với Onyx chỉ là 5,7%. Hiện tại chỉ có 2 loại tên lửa ít bị bắn hạ hơn Onyx đó là Kh-22 (0,55%) và Iskander-M (4,31%)”. Tờ Navbharat Times dẫn lời ông Vijaynder K. Thakur – cựu phi công và nhà phân tích quân sự của Ấn Độ.

Các nhận xét đánh giá trên được ông Thakur trích dẫn số liệu thống kê từ Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine công bố gần đây. Tuy nhiên “độ tin cậy” về số liệu do phía Ukraine đưa ra cũng không hoàn toàn chính xác.

Ví dụ, các báo cáo của Ukraine đã liệt kê tỷ lệ các tên lửa khác của Nga bị hệ thống phòng không nước này bắn hạ thành công như tên lửa hành trình Iskander-K là 1/3 (khoảng 37,62%), tên lửa hành trình Kalibr là 1/2 (khoảng 49,55 %) và tên lửa đạn đạo siêu thanh “Dagger” Kinzhal là 1/4 (khoảng 25/23%).

Tuy nhiên, những số liệu Ukraine đưa ra rất có thể đã được thổi phồng, bởi trong xung đột các bên tham chiến đều có xu hướng phóng đại thắng lợi của mình, nhằm gây đòn tâm lý cho đối phương và cổ vũ tinh thần chiến đấu cho binh sĩ. Một số chuyên gia phân tích, những con số được giới chức Ukraine đưa ra nhằm “thuyết phục” các đồng minh phương Tây tiếp tục viện trợ thêm vũ khí cho họ.

Mặc dù vậy nhưng giới truyền thông Ukraine cũng không bác bỏ thực tế rằng tên lửa P-800 Onyx của Nga đã đạt được nhiều kết quả trên chiến trường.

Tên lửa P-800 Onyx

P-800 Onyx là tên lửa hành trình chống hạm/tấn công đất liền siêu thanh, được phát triển bởi Công ty NPO Mashinostroyeniya Mashinostroeniya. Tổng cục Tên lửa và Pháo binh của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga gọi loại tên lửa này là 3M55, NATO định danh là SS-N-26 “Strobile”.

Được phát triển từ năm 1983 đến năm 1990 và thử nghiệm thành công trên tàu Project 1234.7. Năm 2002, tên lửa P-800 Onyx chính thức được biên chế cho Hải quân Nga, dự kiến sẽ thay thế cho tên lửa chống hạm P-270 Moskit và P-700 Granit.

Tên lửa Onyx ban đầu được phát triển như một vũ khí chống hạm, nhưng gần đây nó đã được sử dụng rộng rãi để tấn công và tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất. Onyx có khả năng bắn trúng mục tiêu trong điều kiện hỏa lực phòng không mạnh và các biện pháp đối phó điện tử của đối phương.

Tên lửa được điều khiển trong quá trình bay nhờ lực nâng khí động học. Tầng đẩy nhiên liệu rắn được gắn ở sau buồng đốt của động cơ phản lực và được tách ra bởi khí nén sau khi đốt hết nhiên liệu.

Ngày 23/3/2022, một tháng sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo quân đội Nga đã phóng tên lửa P-800 Oniks từ hệ thống tên lửa ven biển Bastion vào một kho chứa lớn ở Ukraine, gần cảng Odessa ở biển Đen. Theo Bộ Quốc phòng Nga, vũ khí và đạn dược được cất giữ trong tòa nhà đã bị phá huỷ. Một số nguồn tin cho rằng tên lửa Onyx cũng đã được Nga sử dụng ở Donbass.

“Tuy nhiên không giống như các tên lửa khác mà Nga sử dụng để tấn công Ukraine, tên lửa P-800 Onyx không được phóng thường xuyên”, tờ báo EurAsian Times của Ấn Độ cho biết thêm.

Tờ báo này cũng nhắc lại lời của người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine, Đại tá Yury Ignat vào năm 2023 rằng, chính tên lửa P-800 Onyx đã gây ra một số vấn đề nghiêm trọng cho hệ thống phòng không Ukraine,

Ông Ignat giải thích lý do thất bại của phòng không Ukraine trong việc đánh chặn tên lửa này là do tên lửa bay với tốc độ quá nhanh, lên tới 3000 km/giờ và nó có khả năng hạ thấp độ cao còn 10-15 mét trước khi tiếp cận mục tiêu. Vì vậy mà các hệ thống phòng không không có thời gian để xử lý.

Tên lửa BrahMos

Tên lửa BrahMos của Ấn Độ (trên thực tế là sản phẩm do Nga và Ấn Độ hợp tác phát triển) là một phiên bản phái sinh của Onyx. Đặc biệt, phiên bản mới nhất với tầm bắn mở rộng có thể tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách lên tới 450 km (trong khi phạm vi cũ trước đó là 290 km).

BrahMos đang được trang bị cho cả ba nhánh của Lực lượng Vũ trang Ấn Độ. Năm nay, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã ký một hợp đồng bổ sung với tập đoàn BrahMos Aerospace để cung cấp những tên lửa siêu thanh này cho Hải quân Ấn Độ.

Ngoài ra, Ấn Độ đang tích cực thúc đẩy xuất khẩu tên lửa BrahMos. Mặc dù thỏa thuận đầu tiên với Philippines chỉ được ký kết gần đây, nhưng với khả năng cao loại vũ khí này sẽ được bán cho Brazil. Một số quốc gia khác như Malaysia, Indonesia, Cuba và Việt Nam cũng đang cân nhắc mua loại tên lửa này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới