Ông Vương Nghi Lâm, cựu Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, vừa bị bắt và truy tố vì tình nghi nhận hối lộ sau khi nghỉ hưu 4 năm.
Bị điều tra, truy tố sau khi nghỉ hưu 4 năm
Theo Tân Hoa xã , “Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc cho biết vụ án Vương Nghi Lâm bị nghi ngờ nhận hối lộ của đã được Ủy ban Giám sát Quốc gia kết thúc điều tra và chuyển sang cơ quan kiểm sát để xem xét và truy tố. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc đã ra quyết định bắt giữ Vương Nghi Lâm vì nghi ngờ nhận hối lộ theo quy định của pháp luật. Vụ án đang trong quá trình xử lý thêm”.
Thông tin của Tân Hoa xã chính thức xác nhận phần nào tin đồn lan truyền về việc ông Vương Nghi Lâm bị bắt và các nhân viên điều tra phát hiện hầm bí mật rất lớn dưới nền nhà ông ta và thu giữ một số lượng tiền mặt lên tới 900 tỉ NDT.’
Thông tin công khai cho thấy Vương Nghi Lâm sinh tháng 9/1956. Sau khi tốt nghiệp Học viện Dầu khí Hoa Đông năm 1982, ông đã làm việc ở Tân Cương nhiều năm trong lĩnh vực hệ thống năng lượng, đã lần lượt giữ chức vụ Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch Viện Nghiên cứu Thăm dò và Phát triển của Cục Quản lý Dầu khí Tân Cương; Phó Giám đốc kiêm Trưởng phòng Địa chất thăm dò và Phó Bí thư, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Cục Quản lý Dầu khí Tân Cương thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (PetroChina, hay CNPC). Từ tháng 12/2003, ông là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc.
Năm 2011, Vương Nghi Lâm rời PetroChina và gia nhập Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) với tư cách là Chủ tịch kiêm Bí thư đảng ủy CNOOC. Tháng 11/2012, tại Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, Vương Nghi Lâm được bầu làm Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.
Tháng 5/2015, Vương Nghi Lâm được điều động trở lại PetroChina và giữ chức Bí thư, Chủ tịch Tập đoàn cho đến khi nghỉ hưu vào đầu năm 2020. Ông cũng được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Chính Hiệp toàn quốc khóa 13 từ tháng 1/2018.
Tháng 2/2024, Vương Nghi Lâm bị điều tra sau khi nghỉ hưu 4 năm. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban Giám sát Nhà nước ngày 2/2/2024 đã thông báo Vương Nghi Lâm bị nghi ngờ vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng và phải bị xem xét kỷ luật và điều tra giám sát. Ngày 31/7/2024 Vương Nghi Lâm đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương viết: “Vương Nghi Lâm từ lâu đã làm bạn với những kẻ lừa đảo chính trị và bị chúng lợi dụng; chống lại sự kiểm tra của tổ chức, phớt lờ tinh thần 8 điều quy định của trung ương, nhiều lần nhận lời sắp xếp đi lại của các chủ doanh nghiệp tư nhân và nhận quà trái quy định; vi phạm nguyên tắc tổ chức, không giải thích trung thực các vấn đề khi tổ chức gặp gỡ nói chuyện; trục lợi cho người khác trong quá trình tuyển dụng nhân viên, điều chuyển vị trí; đánh mất giới hạn liêm chính, dung túng, cho phép người thân lợi dụng ảnh hưởng quyền lực, chức vụ của mình để trục lợi; không quản lý giáo dục vợ con; sử dụng quyền lực công như công cụ để trục lợi cá nhân, tham gia giao dịch quyền tiền và lợi dụng sự tiện lợi của chức vụ để mưu lợi trong các việc điều chỉnh vị trí của người khác, nhận thầu dự án, hoạt động kinh doanh…và nhận số tiền, tài sản cực lớn một cách bất hợp pháp”.
Tranh cãi về số tiền tham nhũng kỷ lục
Gần đây trên mạng xã hội lan truyền đoạn phim quay cảnh các nhân viên công tác Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khám xét tầng hầm nhà của cựu Chủ tịch PetroChina Vương Nghi Lâm, thu giữ số tiền, tài sản được cho là do tham nhũng, nhận hối lộ lên tới 900 tỉ NDT (126 tỉ USD); phải dùng đến 10 xe tải chở suốt một tuần để vận chuyển tất cả các vật có giá trị.
Theo tin tức chính thức, số tiền hối lộ cụ thể mà Vương Nghi Lâm đã nhận hiện vẫn chưa được tiết lộ và vụ việc vẫn đang được điều tra thêm.
Trang tin NetEasy ngày 3/9 đăng bài viết nhan đề “Tin Vương Nghi Lâm nhận hối lộ 900 tỉ NDT là không thể, tổng thu nhập một năm của cả tỉnh Quảng Đông cũng chỉ 700 tỉ NDT”.
Bài báo viết: “Có tin đồn rằng số tiền tham nhũng của Vương Nghi Lâm lên tới 900 tỉ Nhân dân tệ. Vương Nghi Lâm đã giữ các vị trí lãnh đạo khác nhau trong hệ thống PetroChina từ năm 1996 đến năm 2020. Có lúc là lãnh đạo chủ chốt, có lúc không. Số tiền hối lộ mà Vương Nghi Lâm nhận chắc chắn không hề nhỏ, nhưng nếu nói 900 tỉ NDT là quá phóng đại. Ông ta làm từ cấp cơ sở cho đến khi là Chủ tịch PetroChina trong 24 năm, nếu nhận tổng cộng 900 tỉ NDT tiền hối lộ thì số tiền nhận trung bình năm sẽ là 37,3 tỉ NDT/năm”.
T.P