Thursday, November 14, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐại gia Việt nắm giữ tỷ USD tiền mặt, sẵn sàng đổ...

Đại gia Việt nắm giữ tỷ USD tiền mặt, sẵn sàng đổ vào các dự án khủng

Nhiều doanh nghiệp của đại gia Việt nắm giữ một lượng tiền mặt rất lớn, lên tới cả tỷ USD. Dòng tiền lớn sẵn sàng rót vào thực hiện những dự án tham vọng.

Ông Trần Đình Long.


Giữ tỷ USD tiền mặt

Tính tới cuối quý II/2024, trong khi nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đối mặt với gánh nặng nợ trái phiếu rất lớn đáo hạn vào cuối năm nay thì nhiều “ông lớn” ghi nhận số dư tiền mặt gửi ngân hàng lên đến vài chục nghìn tỷ đồng.

Theo số liệu báo cáo tài chính quý II/2024 của Tổng công ty Khí Việt Nam – PV Gas (mã GAS), doanh nghiệp ngành dầu khí có tới gần 44.000 tỷ đồng (1,7 tỷ USD) tiền mặt, tăng 8% so với đầu năm. Với lượng tiền mặt khủng này, PV Gas được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có nhiều tiền nhất trên thị trường chứng khoán, lớn hơn vốn hóa của một số doanh nghiệp đầu ngành khác.

Về tình hoạt động kinh doanh trong quý II, GAS đạt doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Mặc dù giá vốn bán hàng trong kỳ tăng gần 4.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước nhưng lãi gộp của GAS vẫn đạt hơn 5.700 tỷ đồng, tăng hơn 32%.

Kết thúc quý II, lợi nhuận sau thuế của GAS đạt 3.416 tỷ đồng, tăng 220 tỷ đồng so với lãi sau thuế cùng kỳ năm trước là 3.196 tỷ đồng (tương đương tăng 6,8%).

Mặc dù kết quả kinh doanh quý II khả quan hơn so với cùng kỳ, nhưng do lợi nhuận sau thuế quý I giảm 25% nên kết thúc hai quý đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế của GAS đạt gần 6.000 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2023.

Kết thúc quý II, tổng tài sản của GAS đạt hơn 95.000 tỷ đồng. Như vậy, lượng tiền mặt của GAS chiếm tới 46,3%.

Một doanh nghiệp khác trong ngành dầu khí là CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã: BSR) cũng ghi nhận lượng tiền mặt rất lớn, với gần 40.000 tỷ đồng (1,57 tỷ USD) trong quý II. Trong đó, tiền và tương đương tiền 26.142 tỷ đồng; khoản đầu tư đến ngày đáo hạn 13.822 tỷ đồng.

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) của tỷ phú Trần Đình Long dù ghi nhận lượng tiền mặt giảm mạnh trong quý II song khoản tiền và tương đương tiền cùng với khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn vẫn đạt hơn 28.300 tỷ đồng (1,1 tỷ USD), giảm đáng kể so với con số 34.000 tỷ đồng hồi đầu năm.

Trong quý này, hoạt động kinh doanh của Hòa Phát tăng mạnh; trong đó, doanh thu đạt 39.555 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ giá vốn bán hàng, lãi gộp của Hòa Phát đạt 5.247 tỷ đồng, tăng 64% so với năm ngoái.

Trừ các khoản chi phí khác, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát đạt 3.319 tỷ đồng trong quý II, tăng 127% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Hòa Phát đạt hơn 71.000 tỷ đồng, tăng 25,3% và lợi nhuận sau thuế đạt 6.188 tỷ đồng, tăng 238% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngoài ra, trên thị trường chứng khoán cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp có lượng tiền mặt lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo đó, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC) của đại gia Đào Hữu Huyền ghi nhận tại báo cáo tài chính quý II/2024 có lượng tiền mặt lên đến hơn 10.200 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm.

Trong đó, khoản tiền và tương đương tiền 474 tỷ đồng, giảm mạnh so với 1.060 tỷ đồng hồi đầu năm. Khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn lại tăng khá mạnh, đạt 9.765 tỷ đồng, tăng 423 tỷ đồng so với đầu năm.

Một trong những đại gia luôn nắm giữ lượng tiền lớn không thể không kể đến là Tập đoàn Bảo Việt. Báo cáo hợp nhất bán niên năm 2024 của doanh nghiệp ghi nhận lượng tiền mặt đạt hơn 97.255 tỷ đồng, giảm hơn 6.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền đạt gần 5.992 tỷ đồng; khoản đầu tư đến ngày đáo hạn đạt hơn 91.263 tỷ đồng.

Thực hiện tham vọng của tỷ phú Việt

Việc doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền mặt hàng chục nghìn tỷ đồng sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội mở rộng doanh nghiệp, thực hiện tham vọng lớn với các dự án hàng tỷ USD.

Mặc dù đứng đầu ngành thép trong nước, nhưng Hòa Phát vẫn thực hiện tham vọng mở rộng quy mô, hứa hẹn đưa tập đoàn có doanh thu và lợi nhuận lên hàng tỷ USD.

Trong đó, dự án Dung Quất 2 ở Quảng Ngãi đang thực hiện có quy mô trên 280ha, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) và 1 triệu tấn thép đặc biệt. Tổng vốn đầu tư của dự án là 85.000 tỷ đồng (gần 3,5 tỷ USD).

Dự án Dung Quất 2 là tham vọng lớn của tỷ phú Trần Đình Long, được người đứng đầu Hòa Phát ví như “quả đấm thép” của tập đoàn. Kỳ vọng khi đi vào hoạt động, dự án sẽ giúp doanh thu của tập đoàn tăng thêm 80.000-100.000 tỷ đồng/năm.

Chưa dừng lại ở đó, tỷ phú Trần Đình Long cho biết, sẽ tiếp tục đổ thêm hàng tỷ USD vào các siêu dự án khác ở Phú Yên như: Cảng Bãi Gốc (dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng); dự án Đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm (khoảng 13.300 tỷ đồng); dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại KCN Hòa Tâm (khoảng 86.000 tỷ đồng).

Đối với đại gia hóa chất Đào Hữu Huyền, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC) do ông làm chủ tịch có hơn 10.000 tỷ đồng tiền mặt cũng đang tham vọng mở rộng quy mô doanh nghiệp lên hàng tỷ USD.

Một trong những dự án để Đức Giang đạt được tham vọng này là việc đầu tư vào dự án Tổ hợp Nhôm – Alumin ở tỉnh Đắk Nông, với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 57.000 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD), công suất 2 triệu tấn Alumin và 300.000 tấn nhôm thỏi. Thời gian thực hiện dự án kéo dài 5 năm.

Tại ĐHCĐ hồi tháng 3, vị chủ tịch Hóa chất Đức Giang cho rằng, dự án này có thể đem lại doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Chủ tịch Đào Hữu Huyền cũng thừa nhận, việc sở hữu lượng tiền mặt lớn sẽ giúp Đức Giang có nhiều lợi thế để đề xuất dự án ở các tỉnh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới