Thursday, November 14, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnHai kịch bản hướng đi dự kiến của bão Yagi

Hai kịch bản hướng đi dự kiến của bão Yagi

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết cho biết sau khi vào Biển Đông, bão Yagi dần đổi hướng và đều ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.

Hướng di chuyển của bão Yagi


Tối 3/9, tại Trung tâm điều hành tác nghiệp Khí tượng thủy văn (KTTV), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã tham dự phiên họp trực tuyến về công tác dự báo cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi).

Tại cuộc họp các chuyên gia cho rằng cơn bão số 3 là một cơn bão mạnh, hoàn lưu bão rộng, phạm vi ảnh hưởng lớn, rất nguy hiểm bởi gió mạnh, sóng lớn, trước và trong bão cần lưu ý đề phòng nhiều hiện tượng dông lốc sét nguy hiểm có thể xảy ra.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị cơ quan KTTV cần chú ý những đặc thù của năm 2024, bám sát các đầu mối chỉ đạo, chỉ huy, công tác phòng chống thiên tai để dự báo phục vụ kịp thời, sát thực và hiệu quả .

Thứ trưởng yêu cầu, Tổng cục KTTV cần tiếp tục phát huy và nâng cao tinh thần làm việc tập trung cao độ trước những diễn biến và tác động nguy hiểm khó lường của cơn bão số 3 nhằm giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại do cơn bão có thể gây ra.

Nhận định khả năng tác động của bão số 3 tới nước ta, ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sau khi vào Biển Đông, bão Yagi dần đổi hướng di chuyển sang chủ đạo là hướng Tây, tốc độ di chuyển chậm lại và cường độ bão được nhận định là liên tục tăng cấp.

Cập nhật thông tin mới nhất cho thấy bão số 3 có thể đạt đến cường độ cấp 14, giật cấp 17 khi đi vào vùng biển ngoài khơi phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Chính vì vậy cấp độ rủi ro thiên tai (RRTT) do bão số 3 gây ra trên vùng biển này đã được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nâng lên cấp 4.

Ông Tuấn cũng đưa ra một số điểm đáng lưu ý về cơn bão này. Đó là, bão Yagi là một cơn bão rất mạnh, liên tục được tăng cấp khi vào Biển Đông. Tính từ lúc vào Biển Đông đến lúc đạt cường độ mạnh nhất, bão tăng 6 cấp (từ cấp 8 lên tới cấp 14).

Ông Tuấn cho rằng phạm vi gió mạnh cũng mở rộng nhanh theo mức độ tăng cấp của bão, thể hiện rõ nhất qua việc vùng ảnh hưởng của bão rất rộng. Bên cạnh đó, cần lưu ý mây dông mạnh xảy ra trước khi bão ảnh hưởng, vì trong mây dông thường đi kèm với lốc xoáy và gió giật mạnh.

Nhận định về việc bão số 3 có ảnh hưởng trực tiếp đất liền hay không, ông Tuấn cho biết cập nhật thông tin mới nhất cho thấy, bão số 3 sẽ di chuyển ổn định theo hướng Tây với tốc độ di chuyển trung bình 10-15km/h.

Theo ông Tuấn, từ chiều 6/9 trở đi có khả năng xảy ra 2 kịch bản.

Trong đó, kịch bản 1: Bão di chuyển như hiện tại thì khoảng đêm 6, ngày 7/9 sẽ đi vào vùng biển Vịnh Bắc Bộ, sau đó hướng di chuyển về phía đất liền các tỉnh Bắc Bộ.

Kịch bản 2: Bão có khả năng đổi hướng di chuyển đi vòng về phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) sau đó đi vào khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ và hướng về đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế.

Trong cả 2 kịch bản này, bão đều ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.

“Vì đây là một cơn bão rất mạnh nên khả năng gây gió mạnh sẽ bao phủ trên một khu vực rộng lớn dọc theo các tỉnh ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ theo 2 kịch bản đã nói ở trên.

Tùy thuộc và từng kịch bản di chuyển của bão số 3, trên đất liền các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ cũng có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng. Nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất ở mức cao đến rất cao”, ông Tuấn nhấn mạnh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới