Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLiên minh châu Âu có quyền chỉ trích không?

Liên minh châu Âu có quyền chỉ trích không?

Lại có sự cãi vã về các vụ việc căng thẳng trên Biển Đông. Nhưng không phải là giữa các quốc gia có tranh chấp, mà lần này một bên là Trung Quốc còn bên kia là Liên minh châu Âu (EU).

Chẳng là sau một thời gian Trung Quốc chấp thuận Philippines được tiếp tế cho binh sĩ đồn trú trên chiếc tàu nát BRP Sierra Madre mắc cạn ở bãi Cỏ Mây, tưởng yên hàn đã trở lại, thế nhưng ngay lập tức sóng gió đã nổi lên ở khu vực bãi cạn Sa Bin. Nơi đây liên tục xảy ra các vụ va chạm giữa Hải cảnh Trung Quốc và các dân binh, binh sĩ quân đội Philippines.

Bãi Sa Bin là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam (hiện Philippines đang chiếm giữ). Rạn san hô này cách Philippines 140 km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc tới 1.200 km. Sa Bin cũng là đối tượng tranh chấp giữa Đài Loan, Philippines và Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện tại bãi Sa Bin, thông qua việc cho tàu tuần tra và đặt một ụ nổi ở đây.

Hôm 1/9, một ngày sau vụ va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu Philippines gần bãi Sa Bin, Liên minh châu Âu đã lên án Bắc Kinh. EU cho rằng, hải cảnh Trung Quốc đã đi quá xa chức năng của mình. Cụ thể, đã có những “hành động nguy hiểm” đối với hoạt động hàng hải hợp pháp của Philippines trong khu vực.

Bà Nabila Massrali, người phát ngôn của Lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell, khẳng định: Những hành động của hải cảnh Trung Quốc “gây nguy hiểm cho sự an toàn của những người hoạt động trên biển và vi phạm tự do hàng hải mà mọi quốc gia đều có quyền, chiếu theo luật pháp quốc tế”. Đây là việc làm nối dài các hành động bất hợp pháp, leo thang, dọa nạt, xâm phạm những nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Nó đe dọa hòa bình và ổn định ở trong vùng”. Vì thế, EU sẵn sàng “ủng hộ các đối tác thực thi quyền hợp pháp của họ trong khu vực và ngoài khu vực”.

Bị ông “khách trọ Biển Đông” sờ gáy, Bắc Kinh lập tức đáp trả. Trung Quốc yêu cầu, EU không nên “can thiệp thô bạo”, cần “khách quan và công bằng” khi nói về các vấn đề Biển Đông, một khu vực nhạy cảm, có tiềm năng kinh tế lớn, đang có nhiều tranh chấp căng thẳng, kéo dài.

Trong một tuyên bố hôm 2/9, phái bộ Trung Quốc tại EU kêu gọi khối 27 nước thành viên nên thận trọng, không được “cả vú lấp miệng em”, vì “Liên hiệp châu Âu không phải là một bên trong vấn đề Biển Đông và không có quyền chỉ trích vấn đề này”. Bắc Kinh khẳng định sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền của mình ở Biển Đông, bởi vì Manila đã công bố “hai đoạn phim sai sự thật, vu cáo Trung Quốc”. Trong phim có hình ảnh một tàu tuần duyên Trung Quốc đâm vào một trong những tàu của Philippines ở bãi cạn Sa Bin.

Dịp này, người phát ngôn bộ Ngoại giao Mao Ninh tái khẳng định tuyên bố trước đó của Bắc Kinh về việc tàu Philippines đã “cố tình đâm vào tàu Trung Quốc”, và Philippines đã “cử tàu tuần duyên nán lại bãi Xianbin (tên gọi theo tiếng Trung Quốc) trong một thời gian dài và tìm cách chiếm đóng vĩnh viễn bãi cạn này”.

Không ai chịu lùi một bước, hai bên đều cho rằng mình là nạn nhân. Thật ra thì Trung Quốc là nước lớn nhưng ở thế yếu hơn. Tại sao Sa Bin cách đảo Hải Nam hàng nghìn cây số lại có thể thuộc về lãnh thổ Trung Quốc? Đúng là nước chảy ngược! Đây là hành động vô lối chứng tỏ rằng Bắc Kinh vẫn kiên trì thực hiện chiến lược “vùng xám” (grey zone) trên Biển Đông. Những hành động gây hấn của họ có chủ đích rõ ràng, nhằm âm mưu độc chiếm Biển Đông. Gọi một cách mơ hồ là “vùng xám”, thật sự đó là những hành động gây căng thẳng nhưng dưới mức chiến tranh, để các nước khác không có cớ can thiệp quân sự chính thức.

Sau khi Bắc Kinh đáp trả tuyên bố của EU, dư luận thế giới đã có nhiều bài phân tích cho rằng, Bắc Kinh phản pháo EU là cãi theo kiểu cho “gà trống đẻ trứng”. EU hoàn toàn có quyền và có trách nhiệm lên tiếng, đồng tình hay bác bỏ những hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Trong thế giới ngày nay, vấn đề bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia đóng vai trò rất quan trọng. Bình đẳng để thiết lập, xây dựng, cũng như duy trì một trật tự quốc tế trong quan hệ giữa các quốc gia.

Hiến chương Liên hợp quốc đã nêu: “Liên hợp quốc được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của tất cả thành viên”. Bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia là nguyên tắc cơ bản và hoàn toàn phù hợp với hệ thống các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế.

Ngoài các cơ chế đã được quy định tại Công ước, các quốc gia khi có những tranh chấp liên quan đến chủ quyền trên biển đều có thể đưa vụ việc ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Với tư cách là cơ quan lãnh đạo chính trị thường trực của Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Khi có những tranh chấp quốc tế xảy ra có nguy cơ đe doạ hoà bình và an ninh quốc tế, Hội đồng Bảo an có thể yêu cầu các bên giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc hoặc kiến nghị một biện pháp cụ thể.

Từ khía cạnh pháp lý vừa nêu có thể khẳng định, EU đã làm đúng luật pháp quốc tế. Đặc biệt Pháp là một trong 27 quốc gia Khối Liên minh châu Âu và là một trong 5 quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (4 thành viên khác là Trung Quốc, Nga, Anh và Hoa Kỳ. Tất cả 5 quốc gia này đều là quốc gia vũ khí hạt nhân.

Là thành viên của Hội đồng Bảo an, Trung Quốc thừa hiểu Liên hợp quốc là một tổ chức liên chính phủ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia. Vậy thì cơ cớ gì Pháp và các quốc gia thành viên Liên hợp quốc không được “can thiệp” vào vấn đề hòa bình trên Biển Đông?

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới