Thursday, November 14, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ lại phải cho dạy thêm

TQ lại phải cho dạy thêm

Ngành dạy thêm ở Trung Quốc đang quay trở lại sau khi bị buộc phải đóng cửa theo chính sách “giảm kép” của chính phủ năm 2021.

Phụ huynh chờ đón con em tại một trung tâm gia sư ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.


Năm 2021, chính phủ Trung Quốc đưa ra chính sách giáo dục “giảm kép” nhằm giảm gánh nặng bài tập về nhà cho học sinh tiểu học và trung học, đồng thời đóng cửa các trung tâm dạy thêm ngoài giờ vì mục đích lợi nhuận.

Theo báo cáo của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố năm 2022, số lượng các đơn vị đào tạo học thuật ngoài giờ hay trung tâm gia sư giảm mạnh 96% từ 124.000 xuống còn 4.932 trên cả nước, đẩy ngành này gần như rơi vào trạng thái “đóng băng”.

Mùa hè năm nay, ngành gia sư của Trung Quốc đang âm thầm trở lại khi nhu cầu của phụ huynh vẫn rất lớn. Báo cáo tài chính của các tập đoàn giáo dục lớn tại Trung Quốc cho thấy nhiều số liệu được cải thiện.

Tập đoàn Giáo dục & Công nghệ New Oriental cho biết tính đến hết tháng 7, các trường học và trung tâm giáo dục của tập đoàn tăng 277 đơn vị và doanh thu tăng 50,3% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, số lượng tuyển sinh tăng 146% so với quý tài chính trước đó lên 875.000.

Các công ty giáo dục và đào tạo khác có vốn hóa thị trường cao, chẳng hạn như TAL Education Group, Xueda Education Group và Only Education Group, cũng báo cáo mức tăng trưởng hiệu suất từ ​​35% đến 50%.

Các lớp học thêm chưa bao giờ đóng

Tại thành phố Thượng Hải, trung tâm kinh tế hàng đầu Trung Quốc, các lớp học mùa hè gần như đều kín chỗ và các bậc phụ huynh thất vọng vì phải chờ đến khóa học mùa thu sắp tới.

Liu Xiaoyun, 32 tuổi, người điều hành một trung tâm đào tạo tiếng Anh ở Giang Tô, cho biết đã thuê thêm giáo viên trong hè này nhưng vẫn không thể đáp ứng lượng học sinh tăng gấp đôi.

Theo Liên hợp Tảo báo, nhiều khóa học thêm mùa hè này được gắn nhãn các khóa học phát triển kỹ năng mềm để che giấu mục đích dạy/học thêm. Ví dụ, khóa “tư duy logic” thay vì lớp học toán, “khoa học nhân văn” hoặc “nghệ thuật tự do” thay vì các lớp văn học, hay “khóa kể truyện” thay vì các lớp tiếng Anh.

Wang Bin, nhân viên bất động sản 34 tuổi có con trai đang học lớp 6, cho biết các bậc phụ huynh ở Thượng Hải không lạ lẫm với những “tên gọi hoa mỹ” như vậy của các trung tâm dạy thêm.

Không ít phụ huynh thẳng thắn thừa nhận, dù lệnh cấm dạy thêm đã được áp dụng từ ba năm trước, họ vẫn nghĩ ra nhiều cách khác nhau như cho con em đến nhà gia sư theo học nhóm nhỏ, hoặc tự lập nhóm trẻ rồi thuê gia sư riêng, dù phải trả nhiều tiền hơn so với các trung tâm.

Con trai của Wang Bin học tiếng Anh tại nhà riêng của một gia sư. Anh cho biết hầu hết những đứa trẻ trong nhóm đều học thêm ít nhất một đến hai môn.

Theo Wang, các lớp dạy/học thêm ở Thượng Hải “chưa bao giờ đóng cửa”, chỉ là hoạt động dưới tên gọi hoặc hình thức khác, hay chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến. Ngay cả khi phụ huynh không chủ động, giáo viên cũng sẽ gợi ý để phụ huynh sắp xếp việc cho con học thêm.

Về học phí, Wang trước đây chỉ phải trả 100 nhân dân tệ (350.000 đồng) cho một buổi học khi con gái theo học trung tâm, còn giờ đây anh phải trả 400 nhân dân tệ (1,4 triệu đồng) một buổi – gấp gần ba lần – để con theo học nhóm nhỏ.

Liên hợp Tảo báo đánh giá thị trường chung cho thấy, với các buổi học kéo dài hai giờ với nhóm tối đa 35 học viên, trung bình mỗi học viên có thể phải trả tới 250 nhân dân tệ (870.000 đồng). Với các nhóm tối đa 8 học viên, học phí có thể lên tới 440 nhân dân tệ (hơn 1,5 triệu đồng). Nhìn chung, lớp càng ít học sinh thì học phí càng cao.

Ngoài nhu cầu thị trường, môi trường chung của Trung Quốc cũng là một lý do khiến ngành dịch vụ gia sư tại đây đang ấm dần trở lại.

Chính sách có thực sự nới lỏng?

Liu Xiaoyun, quản lý một trung tâm gia sư ở Giang Tô, cùng nhiều người trong ngành cho biết việc dạy/học thêm sẽ được “nới lỏng vào tháng 7”.

Một tư vấn viên tại một trung tâm giáo dục ở Thượng Hải cũng nói rằng “chính phủ đang dần buông lỏng”.

Xiong Bingqi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21, thậm chí chỉ ra rằng một số cơ quan giáo dục địa phương sau khi tính đến các yêu tố như tình hình kinh tế, đã ngầm “bật đèn xanh” để đáp ứng nhu cầu cho con em học thêm của phụ huynh.

Xiong cho biết, miễn là phụ huynh không tố giác, không tranh chấp về việc hoàn trả học phí phát sinh hoặc phương tiện truyền thông không đưa tin, các cơ quan chức năng có thể sẽ “nhắm mắt làm ngơ”.

Ngày 3/8, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố một bộ “20 biện pháp” để thúc đẩy tiêu dùng dịch vụ tại Trung Quốc. Tiêu dùng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực chỉ định để cải thiện. Đào tạo nghề, đào tạo xã hội và các dịch vụ sau giờ học phi học thuật vì lợi ích công cộng được xác định là ưu tiên, nhưng không đề cập đến việc dạy thêm.

Phó giáo sư Fu Fangjian tại Đại học Quản lý Singapore (SMU) nhận định, chính sách “giảm kép” của Trung Quốc từ ba năm trước có thể đã được triển khai quá rộng rãi, dẫn đến nhiều vấn đề. Việc chính phủ nước này nới lỏng các hạn chế đối với hầu hết các khía cạnh của giáo dục trong bộ “20 biện pháp” có thể được coi là một sự điều chỉnh của chính sách “Một kích thước phù hợp với tất cả”.

Ông Fu chỉ ra rằng việc không đề cập đến giáo dục và đào tạo học thuật ngoài gờ trong bộ “20 biện pháp”, cho thấy Bắc Kinh không muốn vì mục tiêu tạo ra việc làm mà hy sinh ý định ban đầu là siết chặt dạy thêm vì sự công bằng trong giáo dục.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, dù chính phủ Trung Quốc không công khai đảo ngược chính sách “giảm kép”, nhưng nền kinh tế hiện tại đã tạo điều kiện cho ngành dạy thêm quay trở lại. Vấn đề lớn nhất mà kinh tế Trung Quốc hiện đang đối mặt là nhu cầu nội địa yếu và giáo dục hiện nay có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng.

Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang chịu áp lực phải đảm bảo tăng trưởng ổn định và duy trì tỷ lệ thất nghiệp thấp, vì vậy họ không còn động lực như ba năm trước để siết chặt ngành dạy thêm.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới