Thursday, September 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Tằm thực” không tái xuất

“Tằm thực” không tái xuất

Có tới 203 tàu thuộc Lực lượng Hải cảnh, Lực lượng Dân quân biển Trung Quốc (CMM), và tàu chiến Trung Quốc bị phát hiện ở biển Tây Philippines từ ngày 27.8-2.9/2024.

Tàu Trung Quốc tập trung tại đá Ba Đầu trong quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) tháng 12/2023.

“Biển Tây Philippines” là tên gọi do Manila đưa ra, chính thức sử dụng từ tháng 9/2012 trong bản đồ chính phủ; các hình thức liên lạc và tài liệu khác. Tất nhiên, tên đó được sử dụng cả hồ sơ vụ kiện Biển Đông đình đám ra tòa Trọng tài (PCA), thành lập theo Phụ lục VII Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 của nước này đối với Bắc Kinh năm 2013, sau khi kiểm soát bãi cạn Scaborough thuộc về Trung Quốc.

Con số 203 tàu nêu trên do Hải quân Philippines công bố, đưa trên Philippine Daily Inquirer – một tờ báo lớn của Philippines – ngày 3/9 vừa qua. Nếu số liệu này chính xác, nó cao hơn nhiều so với con số mà Manila phát hiện trước đó, cũng được đăng trên Philippine Daily Inquirer: 163 tàu trong thời gian từ ngày 20-26/8.

Liên quan sự gia tăng trên, theo giới quan sát, không thể không “dính” với những diễn biến căng thẳng mới đây giữa lực lượng Hải cảnh Trung Quốc với các tàu của Philippines bao gồm tàu tiếp tế hậu cần và tàu cá, tại khu vực bãi cạn Sabin (mà ngoài Trung Quốc và Philippines, Việt Nam cũng khẳng định chủ quyền). Được biết, ở Sabin, lượng tàu Trung Quốc đã tăng từ 53 trong thời gian từ ngày 20-26/8 lên 71 ngày 2/9.

Đầu tháng 9, Manila cáo buộc: ngày 31/8 tàu Hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện những động thái nguy hiểm, dẫn đến thiệt hại tài sản cho tàu Philippines tại khu vực bãi cạn này. Vì những căng thẳng có chiều hướng gia tăng đó, một số nhà quan sát thậm chí còn nhận định: Sabin đã và đang trở thành một điểm nóng mới trên Biển Đông, tiếp theo hai điểm nóng Scaborough và Cỏ Mây.

Tình huống mới với hàng trăm tàu Trung Quốc dồn tụ về vùng biển Tây Philippines khiến nhiều người bắt đầu lo ngại khi nhớ lại và liên hệ với những gì đã diễn ra tại khu vực đá Ba Đầu trước đây.

Tháng 3/2021, hàng trăm tàu Trung Quốc xuất hiện ở đá Ba Đầu (thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Philippines cũng yêu sách chủ quyền). Tháng 6/2022, hàng trăm tàu cá một lần nữa tập kết tại đây với lý do “tránh bão”. Một năm sau, tháng 12/2023, tình trạng trên tái diễn tại Ba Đầu, bất chấp Việt Nam (và cả Philippines) cùng phản đối.

Phân tích tính chất động thái này, các chuyên gia quốc tế gọi đó là “tằm thực”. “Tằm thực”, hay còn gọi là tằm ăn lá dâu/gặm nhấm dần, là cách để hiện thực hóa yêu sách “đường 9 đoạn” nhằm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Để đạt mục tiêu, Trung Quốc sử dụng chiến thuật “vùng xám”: sử dụng lực lượng vũ trang không chính quy để cưỡng ép, bắt nạt, quấy rối, gây căng thẳng nhưng không tới mức tạo ra xung đột vũ trang.

Thành phần chính trong lực lượng đó là những đội tàu cá trá hình bao gồm nhiều trăm chiếc. Đó là những tàu lớn, chịu được sóng gió lớn, trang bị hiện đại, kể cả các vũ khí hỏa lực mạnh, khi cần thiết có thể phối hợp với các tàu hải cảnh bao vây, tấn công, tự vệ…Trá hình “tàu cá” nên việc đánh cá là phụ. Việc chính của chúng là gây hấn, đâm húc tàu cá của ngư dân các nước đang hành nghề trên ngư trường truyền thống. Thậm chí, chúng còn sẵn sàng đâm cả các tàu tuần duyên của các nước duyên hải Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia…, rồi hô hoán lên đển vu vạ rằng mình là nạn nhân.

Sự lỳ lợm và ngang ngược của các đội tàu cá đông đảo của Trung Quốc từng khiến không chỉ ngư dân hoang mang, rời bỏ ngư trường, mà còn khiến lực lượng tuần duyên các nước trên, nếu không cảnh giác, có thể sập bẫy khiêu khích của Trung Quốc để nước này có cớ gây sự…

So với các tình huống từng xảy ra trên, lần tập kết tại biển Tây Philippines mới đây nghiêm trọng hơn nhiều. Nghiêm trọng vì số lượng tàu Trung Quốc “đông như quân Nguyên” đã đành; quan trọng hơn, số 203 tàu trên của Bắc Kinh đều thuộc lực lượng Hải cảnh, lực lượng Dân quân biển (CMM), và tàu chiến.

Nói cách khác, đây gần như hoàn toàn là các tàu quân sự, có thể sẵn sàng phối hợp với nhau một cách đồng bộ trong các cuộc đối đầu.

Một khi đã huy động, kéo đàn kéo đống tới ngần ấy tàu quân sự, Bắc Kinh hẳn đã có một “tư duy mới”. “Tư duy mới” phản ảnh việc Trung Quốc đang từ bỏ dần âm mưu “tằm thực” gặm nhấm Biển Đông một cách từ từ, để chuyển sang sẵn sàng xung đột với bất cứ quốc gia nào ngăn cản họ thực hiện các hành vi ngang ngược trên Biển Đông?

Điều trớ trêu là Trung Quốc triển khai động thái mới mẻ này chỉ 2 tháng sau khi cả Bắc Kinh và Manila loan báo đã đạt được nhất trí giảm căng thẳng ở Biển Đông, sau chuỗi căng thẳng đày kịch tính tại khu vực bãi cạn Cỏ Mây.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới