Tuesday, January 21, 2025
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnĐể quản lý tốt các tranh chấp ở Biển Đông, ASEAN nên...

Để quản lý tốt các tranh chấp ở Biển Đông, ASEAN nên có thêm công cụ khác đi cùng với COC

Trong nhiều năm qua, tình hình Biển Đông liên tục phức tạp, căng thẳng, có những lúc đứng bên “bờ vực” xung đột quân sự và trở thành “điểm nóng” của khu vực và thế giới mà nguyên nhân chủ yếu là do Trung Quốc, một bên tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này luôn cậy thế nước lớn, áp đặt “chủ quyền” trên phần lớn diện tích Biển Đông theo yêu sách “đường chín khúc” phi lý gây ra.

Trước tình hình đó, để tránh xảy ra các vụ va chạm có thể dẫn đến xung đột vũ trang, năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”. Nhưng DOC chỉ là một tuyên bố chính trị, không có tính ràng buộc về pháp lý, phần lớn tùy thuộc vào thiện chí thi hành của các bên tham gia ký kết. Bởi thế nên, Trung Quốc ngày càng lấn lướt, liên tục vi phạm DOC nhằm thực hiện tham vọng “độc chiếm” Biển Đông, đe dọa chủ quyền biển của các nước trong khu vực. Mặc dù, ASEAN đã cố gắng tiến hành nhiều cuộc đàm phán với Trung Quốc nhằm đạt được một “Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)” có tính pháp lý cao, buộc tất cả bên đều phải tuân thủ. Tuy nhiên, do có quá nhiều khác biệt về lập trường, quan điểm, nhất là sự thiếu thiện chí từ phía Bắc Kinh, nên đến nay COC vẫn liên tục lỡ hẹn và chưa thể về đích.

Nhìn lại việc đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc, quá gian nan mà cũng quá xa vời do hai bên đối nghịch nhau về mục đích…

Ý tưởng về một COC đã có từ những năm 1990, khi mà trên Biển Đông thường xuyên xảy ra những căng thẳng, đụng độ, trong đó có những sự kiện như Trung Quốc chủ động khiêu khích và tấn công quân sự vào lực lượng của Việt Nam ở đảo Gạc Ma năm 1988, khiến 64 binh sỹ thiệt mạng. Tiếp đó, vào năm 1995, Trung Quốc lại tiếp tục sử dụng vũ lực đánh chiếm bãi Vành Khăn thuộc quyền kiểm soát của quân đội Philippines lúc đó. Trước những căng thẳng trên, Philippines là một trong những nước đã kêu gọi ASEAN phối hợp với Trung Quốc tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Tất cả các bên đã thống nhất ngồi lại với nhau đàm phán, nhưng rốt cuộc không đi đến đâu, COC vẫn chỉ là câu chuyện ‘trong mơ”. Để vớt vát tình hình, hy vọng làm giảm căng thẳng, các bên mới ký kết DOC tại Campuchia. Song trên thực tế, DOC hầu như không có tác dụng, các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông, nhất là hoạt động của Trung Quốc vẫn liên tục diễn ra.

Bắt đầu từ năm 2007 trở đi, vấn đề Biển Đông lại nóng lên. Đặc biệt là vào năm 2009, khi mà theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), một quốc gia ven biển được có một vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, thềm lục địa tối thiểu là 200 hải lý tính từ đường cơ sở, tối đa là 350 hải lý, nếu chứng minh được đó là sự kéo dài của thềm lục địa. Muốn vậy, quốc gia đó phải làm hồ sơ và trình lên Ủy ban về ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên hợp quốc trước ngày 15/09/2009 để được xem xét và công nhận. Vào thời gian đó, khi Việt Nam và Malaysia gửi công hàm và các hồ sơ về ranh giới thềm lục địa lên CLCS, thì ngay lập tức, Trung Quốc ra công hàm phản đối và công bố tấm bản đồ đường chín khúc” phi pháp kèm theo, thể hiện cái mà Bắc Kinh gọi là “chủ quyền” của họ trên Biển Đông ra toàn thế giới.

Từ đó trở đi, Trung Quốc liên tục có những hành động gây căng thẳng, vi phạm chủ quyền biển của các nước ven Biển Đông. Buộc các nước ASEAN cần nhanh chóng thúc đẩy, tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông có giá trị pháp lý hơn so với DOC. Đến năm 2012, bản dự thảo đầu tiên về COC do Indonesia khởi thảo đã được đưa ra và được hầu hết các nước ASEAN nhất trí, nhưng “nhân vật” quan trọng nhất là Trung Quốc lại không đồng ý. Chính vì vậy, kể từ năm 2012, đã có rất nhiều cuộc họp bàn thảo về COC, nhưng tất cả đều “dậm chân tại chỗ”. Mãi cho tới năm 2018, các nước mới đưa ra được cái gọi là sự “đồng ý ban đầu” về COC. Thế nhưng, do đại dịch Covid-19, các bên không thể gặp nhau được, nên vẫn chưa có bước tiến nào đáng kể nào trong đàm phán về COC. Sau khi hết đại dịch, mãi đến cuối năm 2022 đầu năm 2023, Trung Quốc mới chính thức bãi bỏ chính sách zero-Covid, mở đường cho các nhà đàm phán Trung Quốc có thể xuất ngoại, các cuộc họp bàn mới lại tiếp tục.

Năm 2022, Campuchia – quốc gia có mối liên hệ gần gũi với Trung Quốc, giữ chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN, đã đặt ra nhiều mục tiêu trong đàm phán COC nhưng kết quả lại bằng không. Còn nhớ, trước đó 10 năm, vào năm 2012, lần đầu tiên Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN đã không ra được thông cáo chung, do Campuchia với tư cách là nước chủ nhà, đã tìm cách ngăn cản các bên đưa ra bản tuyên bố chung với những điều khoản bất lợi cho Trung Quốc. Năm đó, cũng là năm xảy ra sự kiện bãi cạn Scarborough của Philippines bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Có thể nói, yếu tố quan trọng nhất khiến COC còn mờ mịt do Trung Quốc vẫn chưa “mặn mà” và thực tâm đàm phán. Họ muốn kéo dài thời gian để thực hiện các bước đi theo ý đồ của mình ở Biển Đông. Để khi COC có ra đời thì mọi việc trên biển “đã đâu vào đấy” theo ý họ.

Dù vậy, thời gian qua, ASEAN vẫn kiên trì công cuộc “vượt cạn” về đàm phán COC với Bắc Kinh, bởi như nhà nghiên cứu Gregory Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ, đã khẳng định, “đàm phán với Trung Quốc về COC vẫn là một kênh hữu ích để tác động đến Bắc Kinh”. Tuy nhiên, tiến trình này vẫn chồng chất bất đồng. Trước tiên là về mục đích: Các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là những nước có liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc như Việt Nam, Philippines, MalaysiaIndonesia, hay những nước không có quan hệ trực tiếp Biển Đông, nhưng gắn liền với biển, như Singapore đều muốn có một COC có thể kiềm chế, không cho phép Trung Quốc có những hành động leo thang ở Biển Đông. Trong khi đó, Bắc Kinh lại muốn có một COC có thể ngăn chặn hành động bồi đắp, quân sự hóa những thực thể mà các bên đang chiếm giữ ở Biển Đông. Họ không muốn các quốc gia tranh chấp khác làm những gì giống như họ đã làmNhà nghiên cứu Raymond Powell thuộc Đại học Stanford của Mỹ đánh giá: “Các quốc gia ASEAN có biển muốn có một COC hiệu lực mạnh để bảo vệ các quyền chủ quyền của họ theo UNCLOS 1982. Còn Trung Quốc chỉ muốn một COC yếu để làm xói mòn các quyền đó. Hai mục tiêu này chắc chắn không thể dung hòa”. Tiếp theo, có một quốc gia khác đóng vai trò rất quan trọng trong việc “kiềm chế” Trung Quốc ở Biển Đông, cho dù không trực tiếp liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này, đó là Mỹ. Vì lý do này, Trung Quốc rất không muốn Mỹ tham gia vào COC, mà muốn sử dụng COC như một công cụ để đẩy Mỹ ra ngoài khu vực. Nhưng nhiều nước, như Philippines chẳng hạn, đã tuyên bố thẳng thừng là không thể gạt Mỹ ra khỏi tiến trình đàm phán COC. Còn rất nhiều khác biệt nữa giữa các bên, chưa kể nội dung của COC cũng là một câu chuyện rất dài. 

Năm 2018, các cuộc đàm phán về COC đã đạt được một bước tiến khi Trung Quốc và ASEAN thông qua được văn bản Dự thảo đàm phán duy nhất về COC, nhưng đó lại là một tập hợp các quan điểm trái ngược nhau về các vấn đề gây tranh cãi, như tính pháp lý, phạm vi áp dụng, về cơ sở pháp lý quốc tế và về cơ chế giải quyết tranh chấp…

Trong quá trình đàm phán COC, trong ASEAN cũng chia thành nhóm, trong đó nhóm có lợi ích trực tiếp liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, gồm Indonesia, Việt Nam, Philippines và Malaysianhững quốc gia có vùng biển bị “đường chín khúc” của Trung Quốc “liếm vào”. Những nước này rất mong muốn sớm có một COC thực chất và hiệu quả, trong khi những nước còn lại, vì lợi ích riêng của mình nên nhìn chung không “thiết tha” lắm.

Đối với Việt Nam, quá trình đàm phán, Việt Nam luôn cho rằng, COC phải khắc phục được những khiếm khuyết của DOC, vì văn kiện này đã không ngăn cản được những hành động sai trái của Trung Quốc, khiến cho căng thẳng trên Biển Đông vẫn xảy ra. COC phải mang tính ràng buộc về pháp lý, nghĩa là nếu một trong các bên vi phạm, thì một trong các bên còn lại, hoặc tất cả các bên còn lại có thể mang sự vi phạm đó ra trước cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết. Một nội dung nữa mà Việt Nam đưa ra, có lẽ khác với một số nước khác, đó là COC phải bao gồm những khu vực tranh chấp khác, trong đó có cả Hoàng Sa vì khu vực này thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Sở dĩ Việt Nam đưa ra yêu cầu này là do: mặc dù có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Indonesia không liên quan trực tiếp đến tranh chấp chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, mà chỉ có vùng biển Bắc Natuna nằm trong “đường chín khúc” của Trung Quốc, còn Brunei, Malaysia thì chỉ có liên quan đến tranh chấp khu vực Trường Sa. Trong khi đó, Trung Quốc muốn đưa ra một COC chỉ dành cho Trường Sa, còn Hoàng Sa thì họ gạt sang một bên, hòng muốn gián tiếp nói rằng, “Hoàng Sa từ lâu đã là chủ quyền của Trung Quốc”. Còn Philippines thì đương nhiên muốn bao gồm cả khu vực Scarborough, nơi đang có tranh chấp giữa họ với Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam đã nhiều lần đề nghị nội dung của COC phải có điều khoản, các bên không được bồi đắp hoặc quân sự hóa các thực thể khác, đồng thời phải vận dụng tinh thần Phán quyết của PCA về Biển Đông năm 2016 vào COC. 

Do có quá nhiều khác biệt về quan điểm như trên, nên trong năm 2023, với tư cách là nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Indonesia đã cố gắng dàn xếp, thúc đẩy các cuộc đàm phán về COC. Thế nhưng, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Labuan Bajo/Indonesia từ 09 đến 11/05/2023 đã không đạt được một tiến bộ nào về hồ sơ này, ngoài lời cam kết là khối các nước Đông Nam Á sẽ nỗ lực để sớm kết thúc đàm phán về COC. Tại Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN – Trung Quốc về việc thực hiện DOC, được tổ chức ở Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh/Việt Nam ngày 17/05/2023, trưởng đoàn Việt Nam đã kêu gọi các bên “lời nói phải đi đôi với việc làm”, tức là phải thực hiện nghiêm túc mọi điều khoản của DOC. Dư luận cho rằng, tuyên bố này thể hiện sự bức xúc không chỉ của Việt Nam, mà còn của một số nước ASEAN khác về việc các tàu khảo sát, tàu hải cảnh của Trung Quốc liên tục sách nhiễu, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế hoặc quấy phá các hoạt động thăm dò dầu khí hợp pháp của Việt Nam và một số nước khác ở Biển Đông.  

…mới thấy nên chăng, Việt Nam và ASEAN cần có thêm một công cụ khác song song với COC để quản lý tốt hơn các tranh chấp ở Biển Đông

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56, cùng các hội nghị liên quan diễn ra ở Jakarta/Indonesia (tháng 7/2023), hai bước tiến quan trọng liên quan đến COC đã đạt được: Thứ nhất, lần đọc thứ hai của Dự thảo duy nhất văn kiện đàm phán COC đã được hoàn thành; thứ hai, một Bộ hướng dẫn thúc đẩy sớm ký kết COC đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao với Trung Quốc (10+1). Mặc dù các bước tiến này được Chủ tịch ASEAN năm 2023 là Indonesia, coi là “những thành quả quan trọng”, nhưng không cho biết bất cứ chi tiết nào về lộ trình hoàn tất COC và các nội dung mà các bên đã nhất trí.

Trong khi đó, thông tin từ báo chí cho biết, Bộ hướng dẫn thúc đẩy sớm ký kết COC đã kêu gọi Nhóm làm việc chung ASEAN – Trung Quốc cần thực hiện nghiêm túc DOC và hoàn thành đàm phán COC trong vòng ba năm. Bộ hướng dẫn cũng đề nghị Nhóm làm việc chung cần gặp nhau nhiều hơn và đi vào đàm phán những vấn đề “gai góc” nhất, bao gồm liệu COC có tính ràng buộc về pháp lý không, hay phạm vi địa lý của nó là gì. Vòng đọc thứ hai bao gồm phần mở đầu (đã hoàn thiện năm 2022) và một số tiêu chí, nguyên tắc cơ bản đã được 11 bên đàm phán đưa ra bàn thảo và đồng ý, trong đó có việc COC phải “phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982”. Trước đó, các cuộc đàm phán của ASEAN và Trung Quốc chỉ mới có tiêu chí COC phải “hiệu lực, thực chất”. Sự khác biệt chính giữa vòng đọc thứ hai và vòng đọc đầu tiên (tháng 7/2019) là hai bên đã đạt được thống nhất về câu chữ một vài đoạn trong số hàng chục đoạn trong dự thảo COC. Tuy nhiên, theo học giả Ian Storey – Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Chính phủ Singapore, những nội dung này chưa tạo ra thay đổi đáng kể nào đối với tiến trình đàm phán COC, bởi vì: 1/ Phần “gai góc” nhất là phạm vi địa lý của COC và các hành vi bị cấm, các nhà đàm phán vẫn chưa đụng đến. 2/ Trung Quốc được cho là sẽ không từ bỏ cơ hội đàm phán với ASEAN để đưa vào COC những nội dung có lợi cho mình nhằm thúc đẩy yêu sách “đường chín khúc” (nay là 10 khúc) vô lý. Chưa hết, ngoài “đường mười khúc”, nhiều nguồn tin còn tiết lộ rằng, Trung Quốc còn đưa ra một số yêu cầu trong hai vòng đọc COC vừa qua, đó là các nước ven Biển Đông phải ngừng hợp tác với các công ty năng lượng đến từ các nước ở ngoài khu vực tại vùng biển “tranh chấp”. ASEAN chắc chắn sẽ phản đối, nhất là các nước ven Biển Đông. Song, thật khó để hình dung Bắc Kinh sẽ từ bỏ yêu cầu này trong hoàn cảnh nào. 3/ Về vấn đề có nên đưa vào COC danh sách các hoạt động bị cấm, như cải tạo các thực thể, các hoạt động tại “vùng xám” và quân sự hóa các thực thể nhân tạo hay không? Đương nhiên, một số nước Đông Nam Á rất muốn  COC có một danh sách như vậy, nhưng Trung Quốc sẽ không muốn bởi như thế thì sẽ làm cho Bắc Kinh mất đi các công cụ thúc đẩy yêu sách “chủ quyền” phi lý trên Biển Đông.

Do quá trình đàm phán COC bị kéo dài và nhiều lần lỡ hẹn, hơn nữa từ những thông tin trên, có thể hiểu rằng việc thông qua Bộ hướng dẫn và lần đọc thứ hai chủ yếu vẫn là thỏa thuận giữa các bên liên quan về mặt quy trình hơn là một tiến bộ về mặt nội dung trong đàm phán. Vì thế gần đây, đã có một số học giả đề xuất: song song với tiến trình đàm phán COC, các quốc gia Đông Nam Á có thể xem xét, thúc đẩy ký kết một công cụ pháp lý khác, mở rộng hơn, nhằm quản lý toàn bộ các hoạt động trên biển của tất cả các bên liên quan, trong tất cả các vùng biển của khu vực Đông Nam Á. Tên gọi của công cụ này là “Bộ Quy tắc ứng xử cho các hoạt động trên biển ở Đông Nam Á”. Theo đó:

1/ Về phạm vi, Bộ quy tắc này không chỉ bó hẹp ở Biển Đông, mà mở rộng hơn ra các vùng biển khác trong khu vực. Bởi vì, cái mà đàm phán COC giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc hướng đến là nhằm đạt được một môi trường hòa bình, thân thiện và hòa hợp ở Biển Đông. Tuy nhiên, Biển Đông không phải là vùng biển duy nhất ở Đông Nam Á và Trung Quốc hiện giờ hoạt động không chỉ ở Biển Đông, mà còn mở rộng ra các vùng biển khác ở Đông Nam Á và thế giới. Bên cạnh đó, còn có nhiều nước khác ngoài khu vực nữa. Vì thế, nếu các quốc gia Đông Nam Á muốn duy trì hòa bình, ổn định, thân thiện và hòa hợp một cách toàn diện trên toàn bộ phạm vi các vùng biển của Đông Nam Á, thì có thể xem xét thúc đẩy xây dựng một văn kiện pháp lý áp dụng cho toàn bộ các vùng nước xung quanh khu vực và mở rộng hơn cho các quốc gia có nhu cầu sử dụng các vùng nước này cùng tham gia. Như vậy, phạm vi địa lý của “Bộ Quy tắc ứng xử cho các hoạt động trên biển ở Đông Nam Á” sẽ bao gồm toàn bộ các vùng biển thuộc quyền tài phán của các quốc gia Đông Nam Á, tức là không chỉ có Biển Đông, mà còn có cả Biển Philippine, Biển Sulu-Celebes, Biển Bandar, Biển Arafura, Biển Timor, Eo biển Malacca và Singapore và Biển Adaman. Thành viên tham gia “Bộ Quy tắc ứng xử cho các hoạt động trên biển ở Đông Nam Á” không chỉ có các quốc gia Đông Nam Á, mà còn có cả các quốc gia hiện đang hoạt động trong các vùng biển này, như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia có kế hoạch hoạt động ở đó. 

2/ Về nội dung, nhiều vấn đề đã được đưa vào trong quá trình đàm phán COC sẽ được tái khẳng định trong “Bộ Quy tắc ứng xử cho các hoạt động trên biển ở Đông Nam Á”, như: Cam kết tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, UNCLOS 1982, Hiệp định Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC); năm nguyên tắc chung sống hòa bình và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế khác được chấp nhận rộng rãi để quản lý quan hệ giữa các quốc gia với nhau; tôn trọng và cam kết với tự do hàng hải và tự do hàng không; cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế… Đây là những nội dung có giá trị phổ quát nên có thể được áp dụng cho tất cả các vùng biển, dù có tranh chấp hay không và cho tất cả các quốc gia. Một nội dung khác cần phải có trong Bộ Quy tắc này là một cơ chế có tính pháp lý cao nhằm đảm bảo sự tôn trọng của các nước đối với các điều khoản trong Bộ quy tắc.

3/ Về phương thức đàm phán và sự tham gia của các nước ngoài khu vực. “Bộ Quy tắc ứng xử cho các hoạt động trên biển ở Đông Nam Á” sẽ không thay thế COC, mà nó là một công cụ độc lập và song song với COC. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm từ việc đàm phán COC bị kéo dài quá lâu, các quốc gia Đông Nam Á không nên sử dụng phương thức đàm phán COC trong đàm phán văn kiện pháp lý mới này. Thay vào đó, nên sử dụng theo cách thông qua TAC năm 1967. Vào thời điểm đó, các quốc gia thành viên ASEAN đã đàm phán và ký kết Hiệp định này với nhau, sau đó mới mở rộng cho các quốc gia khác ngoài Đông Nam Á tham gia. Đến nay, TAC đã có 51 quốc gia thành viên. Bên cạnh đó, ký kết TAC là điều kiện tiên quyết để một quốc gia có thể trở thành đối tác đối thoại của ASEAN. Theo tinh thần đó, “Bộ Quy tắc ứng xử cho các hoạt động trên biển ở Đông Nam Á” cần phải được đàm phán trước hết là giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Một khi tất cả các thành viên ASEAN đã ký kết và Bộ Quy tắc chính thức có hiệu lực, thì lúc đó văn kiện này sẽ được mở rộng cho tất cả các quốc gia ngoài Đông Nam Á tham gia. Và những nước có tư cách thành viên của Bộ Quy tắc này mới được phép tham gia vào các diễn đàn liên quan đến các vấn đề trên biển của ASEAN, như Diễn đàn hàng hải ASEAN mở rộng chẳng hạn. Cách làm này có thể giúp các quốc gia Đông Nam Á ưu tiên các lợi ích của mình trước mà không phải tiến hành các cuộc đàm phán kéo dài lê thê đối với các nội dung phức tạp như trong văn kiện đàm phán COC.         Xây dựng một “Bộ Quy tắc ứng xử cho các hoạt động trên biển ở Đông Nam Á” là một đề xuất mới mẻ, nó xuất phát từ tình hình thực tế ở Biển Đông và quá trình đàm phán COC trong những năm qua. Nhưng có thể thấy rằng, “Bộ Quy tắc trên sẽ không chỉ giúp các quốc gia Đông Nam Á có thêm một công cụ để duy trì hòa bình và an ninh một cách toàn diện trong toàn bộ các vùng biển ở Đông Nam Á, mà còn giúp duy trì và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN, bảo đảm tính cởi mở, minh bạch, bao trùm dựa trên nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bảo đảm quản trị tốt, tôn trọng chủ quyền của ASEAN trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như đã được nêu trong “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” năm 2019. Đề xuất này đưa ra trong bối cảnh đàm phán COC đã kéo dài nhiều năm, quá khó khăn, thậm chí có lúc còn rất căng thẳng và nhiều tranh cãi, song vẫn chưa có hy vọng gì mang tính đột phá. Những mong từ ý tưởng này, có thể nảy sinh ra cho các bên một hướng đi mới trong đàm phán COC

         Hà Thạch

RELATED ARTICLES

Tin mới