Sunday, January 26, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiSông Đà - con sông năng lượng của Việt Nam

Sông Đà – con sông năng lượng của Việt Nam

Nếu như sông Hồng là dòng sông mẹ của Đồng bằng Bắc Bộ thì sông Đà, dòng sông với hàng trăm ghềnh thác hiểm trở bậc nhất Việt Nam, là dòng sông mẹ của vùng Tây Bắc. Đây không chỉ là dòng sông tạo ra nguồn năng lượng bất tận, nó còn là linh hồn, là bản sắc văn hóa, là nơi chứa đựng những huyền thoại tại mỗi địa điểm mà nó chảy qua.

Nhà máy Thủy điện Lai Châu

Dòng sông xuyên biên giới

Sông Đà (hay Đà Giang) trong tiếng Anh và tiếng Pháp được dịch là “Sông Đen”. Cái tên này không bắt nguồn từ tiếng Việt. Cụ thể, trong khoảng thế kỷ XIX, Việt Nam dần trở thành thuộc địa của Pháp. Chính quyền thực dân đã mở nhiều cuộc thám hiểm trên toàn cõi Đông Dương. Năm 1879, trong chuyến thám hiểm để vẽ bản đồ Bắc kỳ, tức khu vực Bắc Bộ ngày nay, Jean Dupuis có thể đã căn cứ vào màu nước để đặt tên cho những con sông. Vì vậy, khi thấy sông Hồng, ông ta đã gọi nó là “Sông Đỏ”, còn khi thấy sông Đà thì gọi là “Sông Đen”.

Đà Giang có tổng chiều dài là 927 km, có tài liệu ghi là 983 km hoặc là 910 km. Thượng nguồn của nó nằm ở Trung Quốc. Cụ thể, sông Đà bắt nguồn từ vùng núi Ngụy Sơn cao 2.440 m ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, với tên gọi là Lý Tiên Giang. Sau đó, nó chảy trên đất Vân Nam theo hướng Tây Bắc – Đông Nam với chiều dài khoảng gần 400 km, rồi chảy vào Việt Nam. Trên đất Trung Quốc, sông Đà hay Lý Tiên Giang có diện tích lưu vực là 19.366 km². Do địa bàn con sông chảy qua là khu vực đồi núi có độ cao lớn, Lý Tiên Giang được đánh giá là con sông có nhiều tiềm năng về thủy điện.

Theo các báo cáo về quy hoạch thủy điện của Trung Quốc trên dòng chính Lý Tiên Giang, sông này có tổng công suất dự trữ trên lý thuyết là 1.817 MW, và đang được Trung Quốc uổng mạnh khai thác. Hàng loạt hồ chứa mới được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2007 đến nay. Trên thượng nguồn sông Đà và các nhánh của nó, phía Đại Lục đã và đang xây dựng khoảng 11 công trình thủy điện. Tìm trên Google Map, có thể thấy rõ 9 công trình ở các vị trí này. Các hồ chứa ở khu vực này thường có chiều cao đập từ 60m – 140m; tổng dung tích các hồ sẽ dao động ở mức 2.5 tỷ m³ (tức là gấp hơn 2 lần dung tích của hồ thủy điện Lai Châu). Tất cả các công trình này đều không có nhiệm vụ phòng lũ cho vùng hạ du, mà chỉ để phục vụ tưới tiêu và thủy điện. Trong đó, Cách Lan Tan là hồ chứa lớn nhất, với dung tích 409 triệu m³. Đây cũng là công trình chứa nước cung cấp cho nhà máy thủy điện Cách Lan Tan có công suất khoảng 450 MW.

Phần thuộc Việt Nam

Khi dòng sông này chảy vào lãnh thổ Việt Nam, thường được tính là phần trung lưu và hạ lưu, với chiều dài 543 km, diện tích lưu vực khoảng 33.366 km². Trong đó, phần trung lưu của con sông được tính từ khi nó bắt đầu chảy vào Việt Nam tại Cột mốc 17 trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Tiếp đó, con sông chảy qua khu vực Cột mốc 18 trên đất Mù Cả, huyện Mường Tè, rồi chảy qua khu vực Kẻng Mỏ thuộc xã Ca Lăng. Dù đoạn sông này chỉ dài khoảng 7 km, nhưng nó lại đóng vai trò là “đường phân thủy” giữa huyện tự trị dân tộc Di-Cáp Nê Giang Thành với huyện Mường Tè thuộc tỉnh Lai Châu của Việt Nam. Tại đây, con sông cùng với những khối núi của vùng Tây Bắc đã kiến tạo nên thác Kẻng Mỏ. Địa danh này được tạm dịch là “thác Rơi chảo”. Sở dĩ nó có cái tên này là do con sông hung dữ nhất Đông Dương chảy siết trên lưu vực có độ dốc cao, nên từ đó tạo ra rất nhiều ghềnh thác. Người đi bè xuôi thác ngày xưa đặt những cái tên khủng khiếp cho từng con thác để miêu tả sự hung hiểm của nó, chẳng hạn như Kẻng Cớn (có nghĩa là đá lăn), hay Kẻng Mỏ là bè lật dựng đứng lên khiến cái chảo nấu ăn, là vật rất quý của người đi bè, đã buộc vào bè rồi mà lại còn rơi mất.

Từ đây, đoạn trung lưu của sông Đà chủ yếu chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, chảy giữa hai khối kiến tạo đá vôi là Hoàng Liên Sơn và Pu Đen Đinh. Nơi đây có địa hình rất hiểm trở. Về mùa cạn, lòng sông chỉ rộng từ 40m – 60 m. Do địa bàn này chủ yếu là đồi núi cao nên lòng sông có độ dốc trung bình rất lớn, nhiều thác ghềnh, nên có nhiều tiềm năng phát triển thủy điện. Sau đó, sông Đà tiếp tục chảy xuống khu vực trung du. Tại đây, độ dốc trung bình của nó giảm xuống dù dòng chảy vẫn có nhiều ghềnh thác. Tuy nhiên, trên đoạn sông này, thuyền bè có thể xuôi ngược thuận lợi, nhất là đoạn từ Tạ Bú, một xã thuộc huyện Mường La, tỉnh Sơn La, về hạ lưu.

Hạ lưu sông Đà thường được tính từ hồ thủy điện Hòa Bình về đến ngã ba Hồng Đà. Ở đoạn này, lòng sông Đà được mở rộng, có điểm rộng tới 200 m. Lưu ý, ngã ba Hồng Đà và ngã ba Bạch Hạc là hai địa điểm khác nhau. Trong đó, ngã ba Hồng Đà là nơi hợp lưu của sông Hồng và sông Đà, hiện nay thuộc xã Hồng Đà, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Sau khi sông Đà và sông Hồng hợp lưu, dòng sông đỏ sẽ tiếp tục xuôi một khoảng khá xa đến phường Bạch Hạc, thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tại đây, sông Hồng lại hợp lưu với sông Lô và tạo thành là ngã ba Bạch Hạc. Về lưu lượng nước và dòng chảy của sông Đà ở Việt Nam, do lượng mưa trung bình hàng năm của cả lưu vực tương đối lớn, khoảng 1.900 mm. vì vậy, dòng chảy hàng năm của sông Đà rất dồi dào.

Mùa mưa, lượng nước chiếm khoảng 75% tổng lượng nước cả năm; còn trong mùa khô lượng nước giảm mạnh chỉ còn khoảng 20%. Do có lượng nước dồi dào, cùng với đó là địa hình theo dạng bậc thang, nên sông Đà được mệnh danh là “con sông năng lượng của Việt Nam”.

Trên lãnh thổ Việt Nam, sông Đà là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, nó cung cấp khoảng 50% tổng lưu lượng dòng chảy cho dòng sông mẹ của Đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, chính Đà Giang cũng là nguyên nhân gây ra những trận lũ lụt lớn ở vùng hạ lưu, trong đó trận lụt Đồng bằng sông Hồng năm 1971 (hay đại hồng thủy 1971), được coi là trận lũ lụt lớn nhất trong vòng 250 năm qua ở miền Bắc Việt Nam và trong 100 năm qua ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Trận lụt lịch sử này đã khiến khoảng 2.7 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó 594 người thiệt mạng. Lúc này, do lo sợ cây cầu Long Biên, huyết mạch trên địa bàn thủ đô, bị nước lũ cuốn trôi, ngành giao thông của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phải đưa một đoàn tàu chất nặng đá hộc nằm yên trấn giữ mặt cầu.

Theo các ước tính, tổng thiệt hại của trận lụt này lên đến con số 70 triệu đồng vào năm 1971, tức là tương đương khoảng 13.802 tỷ đồng theo thời giá năm 2023.

Cách “trị thủy” dòng sông Đà

Ngay từ những năm 1930 của thế kỷ trước, một dự án thám sát thu thập dữ liệu khoa học để phục vụ cho việc xây dựng nhà máy thủy điện trên dòng chính của sông Đà đã được tiến hành. Dự án này do kỹ sư J. Fomaget, giám đốc Sở Địa chất Đông Dương chủ trì, trong đó, đoạn sông từ tỉnh lỵ Hòa Bình đến Chợ Bờ (khu vực thủy điện Hòa Bình hiện nay) được chọn làm địa điểm khảo sát. Những dữ liệu từ hàng trăm mũi khoan cho thấy, dòng sông này tồn tại những vỉa đá quậy mà kỹ thuật xây dựng thủy điện những năm đó chưa thể khắc phục được.

Sau đó, đến năm 1942, Sở Thủy Lợi Đông Dương đã mời giáo sư Hoffet, một chuyên gia lừng danh về địa chất ở châu Âu đến để tiến hành một dự án nghiên cứu toàn diện hơn về sông Đà. Tuy nhiên, ngày 9/3/1945, người Nhật đã tiến hành đảo chính người Pháp. Binh lính Nhật đã bắt giáo sư Hoffet cùng top kỹ thuật viên khoan thăm dò tại Chợ Bờ. Phải tới hơn 20 năm sau (tức khoảng năm 1965), người ta tìm thấy hài cốt ông tại một khu rừng thuộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

Sau năm 1954, khi miền Bắc được giải phóng, nhu cầu về năng lượng phục vụ mục tiêu phát triển quốc kế dân sinh đang ngày càng cấp bách. Điều này đã buộc Việt Nam phải tiến hành những bước đi nhằm phát triển điện năng, trong đó có việc ưu tiên phát triển thủy điện. Từ đây, vấn đề trị thủy sông Đà tiếp tục được đặt ra. Việc khuất phục thành công con sông đen có thể vừa nhằm triệt tiêu một mối đe dọa từ thiên nhiên, vừa có được một nguồn năng lượng lớn phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước và cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, do Việt Nam vẫn chưa thống nhất, cùng với đó là những cuộc không kích của Mỹ diễn ra liên miên nên việc trị thủy sông Đà đã được gác lại cho đến sau năm 1975.

Trên bậc thang thủy điện của sông Đà, bao gồm cả các nhánh, hiện nay có khoảng hơn 50 nhà máy thủy điện lớn nhỏ, với tổng công suất trên 7.500 MW. Trong đó có 7 nhà máy có công suất trên 100 MW, đó là: nhà máy thủy điện Pắc Ma ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (công suất 140 MW); nhà máy thủy điện Nậm Chiến 1 ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La (công suất 200 MW); nhà máy thủy điện Bản Chát ở huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu (công suất 220 MW); nhà máy thủy điện Huội Quảng ở huyện Than Uyên và huyện Mường La, tỉnh Sơn La (công suất 520 MW); nhà máy thủy điện Lai Châu ở huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu (công suất 1.200 MW); nhà máy thủy điện Hòa Bình ở thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình (công suất 1.920 MW); nhà máy thủy điện Sơn La ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La (công suất 2.400 MW).

Thủy điện Hòa Bình

Công trình đầu tiên được xây dựng trên dòng sông này chính là thủy điện Hòa Bình. Ngày 6/1/1979, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được khởi công xây dựng. Công trình này do Liên Xô (CCCP) hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn vận hành. Theo quyết định quyết toán vốn đầu tư ký vào năm 2007, nó có vốn đầu tư gần 1.905 tỷ đồng.

Do nằm gần khu vực thường xuyên xảy ra địa chấn, cho nên để chống động đất và thấm nứt, các phòng chức năng và các tổ máy phát điện được đặt sâu trong lòng đất cách cửa xả lũ vài trăm mét. Đập dâng nước của nhà máy thủy điện có chiều dài là 734 m và chiều cao là 128 m. Để xây dựng đập, các công nhân phải tiến hành ngăn sông hai lần: lần thứ nhất vào ngày 12/1/1983 và lần thứ hai vào ngày 9/1/1986.

Sau 9 năm xây dựng, đúng 14:10 ngày 24/12/1988, tổ máy đầu tiên của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã phát điện lên hệ thống, báo hiệu một thời khắc lịch sử của đất nước và của ngành điện lực Việt Nam. Đến ngày 4/4/1994, tổ máy cuối cùng là tổ máy thứ 8, cũng chính thức phát điện và hòa vào lưới điện quốc gia. Sau khi chính thức đi vào hoạt động, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã trở thành nhà máy có công suất lớn nhất Đông Nam Á trong thế kỷ XX, với 8 tổ máy có tổng công suất là 1.920 MW và sản lượng hàng năm là 8.1 tỷ kWh.

Hồ thủy điện Hòa Bình

Cùng với việc xây dựng nhà máy thủy điện là sự hình thành của hồ nước cùng tên, Hồ Thủy điện Hòa Bình, có dung tích lên tới 9.45 tỷ m³ và có diện tích mặt nước là 80 km², là hồ nước lớn nhất ở Việt Nam. Không chỉ cung cấp nước cho nhà máy thủy điện, hồ Hòa Bình còn đóng vai trò cắt lũ hiệu quả cho khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, cải thiện giao thông đường thủy trên sông Đà, sông Hồng và tăng cường nguồn nước phục vụ nhu cầu dân sinh và các hoạt động sản xuất khác.

Hiện nay, dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng cũng đang được gấp rút tiến hành với mục tiêu quan trọng nhất là tăng cường công suất hoạt động cho hệ thống, sau đó là tận dụng nguồn nước thừa trong mùa lũ để phát điện. Dự án này sẽ xây dựng thêm 2 tổ máy mới có tổng công suất đạt 480 MW, nâng công suất của toàn bộ nhà máy ngang bằng với Thủy điện Sơn La. Công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, với số tiền hơn 9.220 tỷ đồng và đã được khởi công vào ngày 10/1/2021.

Nhà máy Thủy điện Sơn La

Công trình lớn nhất trên bậc thang thủy điện Sông Đà chính là Nhà máy Thủy điện Sơn La. Đây cũng là một công trình nằm trên dòng sông Đà hùng vĩ. Nó thuộc thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Hiện tại, đây đang là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với 6 tổ máy có tổng công suất lên tới 2.400 MW và sản lượng hàng năm là 9.4 tỷ kWh.

Nhờ khả năng vận hành linh hoạt, ngoài việc cung cấp sản lượng điện lớn cho hệ thống điện lưới quốc gia, nhà máy này còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tần số và điện áp để cân bằng hệ thống điện, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỉ trọng nhiều như hiện nay. Trong những năm qua, Thủy điện Sơn La đã giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phối hợp với các hồ thủy điện trên lưu vực sông Đà để thực hiện điều tiết liên hồ chứa và đảm bảo chống lũ cho vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Hồ Thủy điện Sơn La có dung tích khoảng 9.26 tỷ m³ nước và diện tích mặt nước là 224 km². Đây cũng là hồ nước lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau hồ Thủy điện Hòa Bình. Ban đầu, dự án Thủy điện Sơn La gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn do mực nước thiết kế cao, lại nằm trong khu vực có thể có động đất, cũng như lo ngại các tác động về môi trường sinh thái và an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, vào ngày 29/6/2001, dự án đã được Quốc hội thông qua và bắt đầu xây dựng từ tháng 12/2005, đến tháng 12/2012 thì hoàn thành và sớm hơn kế hoạch 3 năm.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh Sơn La về việc đề nghị mở rộng và nâng công suất Nhà máy Thủy điện Sơn La từ 2.400 MW lên 3.200 MW và nghiên cứu phát triển điện mặt trời, nhất là điện mặt trời trên mặt hồ, cùng với điện gió trên địa bàn tỉnh Sơn La. Hy vọng dự án này sẽ sớm được triển khai để góp phần giảm nguy cơ thiếu điện ở các tỉnh miền Bắc như hiện nay.

Công trình Thủy điện Lai Châu

Công trình thứ ba trên bậc thang thủy điện Sông Đà là dự án Thủy điện Lai Châu. Công trình này còn có tên gọi khác là Thủy điện Nậm Nhùn. Đây chính là công trình trọng điểm của quốc gia được xây dựng ở bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà tại thị trấn Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Nhà máy có 3 tổ máy với tổng công suất là 1.200 MW và sản lượng điện mỗi năm đạt 4.67 tỷ kWh. Nó được khởi công xây dựng vào ngày 5/1/2011 và khánh thành vào tháng 12/2016, sớm hơn 1 năm so với tiến độ Quốc hội đề ra, với tổng mức đầu tư sơ bộ ước tính hơn 35.700 tỷ đồng.

Đây cũng là công trình hoàn toàn do các kỹ sư và các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và thực hiện từ khâu khảo sát thiết kế đến thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị. Dung tích toàn bộ hồ chứa ở đây là 1.2 tỷ m³, tạo nên một hồ nước khổng lồ giữa thiên nhiên bạt ngàn. Dọc hai bên bờ là những vách đá dựng đứng rêu phong theo thời gian và những hang động vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ.

Nhà máy Thủy điện Huội Quảng

Nhà máy Thủy điện Huội Quảng gồm hồ thủy điện Huội Quảng được xây dựng trên dòng chính sông Nậm Mu thuộc địa phận xã Khoen On, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Nhà máy Thủy điện Huội Quảng đặt ngầm trong núi thuộc địa phận xã Chiềng Lao, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Là công trình thủy điện ngầm lớn thứ ba của Việt Nam, sau Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và Nhà máy Thủy điện Ialy. Đây cũng, là nhà máy thủy điện đầu tiên thuộc loại này do người Việt Nam tự thiết kế, quản lý, giám sát và thi công xây dựng. Công trình chính thức khởi công xây dựng ngày 8/1/2006. Đến ngày 19/6/2016, tổ máy số 2 của công trình này đã hòa vào lưới điện quốc gia, với công suất lắp đặt của nhà máy là 520 MW và công suất đảm bảo là 129.2 MW.

Từ khi các nhà máy thủy điện được xây dựng cho đến nay, dòng sông Đen của núi rừng Tây Bắc đã cung cấp gần 30 tỷ kWh điện mỗi năm cho Việt Nam. Với ba hồ chứa lớn là Hồ Thủy điện Hòa Bình, Hồ Thủy điện Sơn La Hồ Thủy điện Lai Châu tổng dung tích là 19.91 tỷ m³ nước, bên cạnh việc tích nước và đóng góp cho việc tưới tiêu trong nông nghiệp, còn đóng vai trò quan trọng trong việc cắt hàng trăm cơn lũ nhằm đảm bảo cho đồng bằng sông Hồng, trong đó có thủ đô Hà Nội, được an toàn.

Tại sao sông Đà lại trơ đáy?

Mặc dù là một con sông có lưu lượng nước khá dồi dào, thế nhưng trong năm 2023 vừa qua, chúng ta đã bất ngờ chứng kiến những hình ảnh về sông Đà trơ đáy.

Tại sao từ một con sông có lượng nước dồi dào lại biến thành sông cạn trơ đáy như vậy?

Nguyên nhân đầu tiên thường được nghĩ đến chính là 11 con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Đà giữ nước, nên ở khu vực trung và hạ nguồn của Việt Nam bị cạn. Liệu đây có phải là nguyên nhân chính?

Trước đây, Việt Nam không có thông tin đầy đủ về quy mô cụ thể, cùng với chế độ vận hành của các hồ chứa do phía Trung Quốc không cung cấp. Thế nhưng, qua nhiều lần đề nghị và thương thảo từ năm 2001 cho đến nay, phía Trung Quốc đã đồng ý cung cấp số liệu quan trắc mực nước ở một số địa điểm. Cụ thể, trên sông Đà, Đại Lục đã đồng ý cung cấp hai trạm là Trung Ái Kiều và Thổ Khả Hà. Trong đó, trạm Trung Ái Kiều ở thượng nguồn ít bị ảnh hưởng bởi sự điều tiết của hồ chứa, còn trạm Thổ Khả Hà nằm ở vị trí cuối cùng của bậc thang và chỉ cách biên giới Việt Nam khoảng 4 km nên chịu nhiều ảnh hưởng hơn. Cụ thể, lưu lượng qua Trung Ái Kiều trên sông Đà từ năm 2001 – 2007 có sự thay đổi đồng bộ theo thời gian và còn giữ được quy luật tự nhiên. Còn Thổ Khả Hà từ năm 2008 đến nay, quá trình tích nước đã bị tác động rất mạnh của chế độ điều tiết hồ chứa và xuất hiện những vùng xả bất thường.

Nhiều chuyên gia cho rằng, kể từ năm 2008 cho đến nay, các hồ chứa của Trung Quốc đã có tác động rõ rệt đến chế độ dòng chảy của sông Đà ở Việt Nam. Theo phân tích của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, các hồ chứa của Đại Lục sẽ tích nước từ giữa tháng 6 đến tháng 7. Với chế độ tích nước như vậy, các hồ chứa này sẽ đầy rất sớm. Đến thời kỳ lũ chính, các hồ nước này sẽ xả với lưu lượng bằng hoặc lớn hơn lưu lượng nước của hồ chứa.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo an toàn cho hồ chứa của Trung Quốc, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ xả với lưu lượng lớn hơn và thay đổi đột ngột. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho các hồ chứa trên sông Đà của Việt Nam nếu không có thông báo hay sự chuẩn bị cụ thể nào.

Về mùa khô, do không có các tài liệu quan trắc cũng như chưa có những đánh giá cụ thể về vấn đề có hay không việc các hồ chứa ở thượng nguồn sông Đà của Trung Quốc chuyển nước sang lưu vực khác hoặc sử dụng cho nhiệm vụ cấp nước của họ. Nhưng theo nhiều đánh giá, từ năm 2008 đến nay, dòng chảy mùa khô của sông Đà ở Việt Nam đã có dấu hiệu bị tác động mạnh mẽ bởi chế độ điều tiết của các hồ chứa Trung Quốc, đặc biệt là sự thay đổi trong ngày.

Tuy nhiên, có một nguyên nhân khác khuất phục hơn: đó chính là biến đổi khí hậu. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đầu mùa mưa lũ năm 2023, sông Đà chỉ xuất hiện lũ nhỏ nên nguồn nước trên lưu vực sông trong khoảng 7 tháng đầu năm thiếu hụt từ 30% – 80% so với năm 2022. Chính điều này đã khiến cho mực nước trên các hồ thủy điện như Sơn La và Lai Châu đều ở mực nước chết và cạn trơ đáy. Cụ thể, hồ chứa của nhà máy thủy điện Sơn La đã tụt xuống mức thấp hơn 40 m so với mực nước bình thường cho phép là 215 m tính từ mặt nước biển. Điều này đã dẫn đến việc nhà máy thủy điện Sơn La phải vận hành dưới mực nước chết.

Cách thủy điện Sơn La chừng khoảng 300 km về phía thượng lưu chính là nhà máy thủy điện Lai Châu. Trong thời gian cao điểm nắng nóng, gần như nhà máy này đã không hoạt động. Mực nước của hồ chứa đã xuống dưới mực nước chết. Khi này, chỉ có nhà máy thủy điện Hòa Bình là còn có nước để duy trì phát điện.

Như vậy, nguyên nhân chính khiến sông Đà trơ đáy là do biến đổi khí hậu gây ra. Theo nhiều nguồn tin, chính các hồ chứa bên phía Trung Quốc cũng không tích đủ nước để vận hành các nhà máy điện của họ.

Những tiềm năng khác mà sông Đà mang lại

Bên cạnh tiềm năng về thủy điện, tiềm năng du lịch của sông Đà cũng được đánh giá rất cao. Đã có rất nhiều tour du thuyền dọc các dòng sông của Việt Nam và hầu hết đều khá thành công. Nhưng đối với sông Đà, đặc biệt là dọc theo lòng hồ, nơi có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ, dường như tuyến du lịch trên sông lại chưa được du khách chú ý. Nhưng để có một chuyến dạo chơi trên lòng hồ sông Đà bằng thuyền là điều không mấy dễ dàng. Bởi vì thuyền chở khách mặc dù có sẵn, nhưng không đủ nhiều và thường xuyên để có thể hình thành hẳn một tuyến du lịch.

Nếu muốn đi thuyền trên sông Đà, bạn phải tập hợp được một nhóm có ít nhất từ 10 – 15 người mới có thể thuê một chiếc tàu khách lênh đênh dọc trên lòng hồ hoặc ghé qua các bản và các xóm người dân tộc Mường hoặc Dao. Có khi chỉ là ăn bữa trưa, nhưng cũng có thể là nghỉ đêm, ngắm hoàng hôn xuống dần sau rặng núi ven hồ, cùng với đó là thưởng thức những món ăn đặc trưng của người dân nơi đây và quên đi hết những bộn bề bụi bặm của thành phố phía sau lưng.

Hồ Hòa Bình hình thành sau khi đắp đập ngăn sông Đà, xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Hồ này nằm trong địa giới của thành phố Hòa Bình và bốn huyện khác là Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc và Mai Châu. Cảnh quan của hồ Hòa Bình với hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ được bao phủ bởi thảm thực vật tự nhiên, đã tạo nên khung cảnh bốn mùa xanh tươi, khí hậu mát mẻ, đặc biệt là nước hồ lúc nào cũng xanh trong, khiến cho nơi này trở thành một trong những thắng cảnh hấp dẫn của Hòa Bình.

Hồ thủy điện Sơn La, hồ nước lớn thứ hai của Việt Nam, sau hồ thủy điện Hòa Bình. Nơi đây có địa hình karster nên được nhiều người ví như là vịnh Hạ Long của Tây Bắc. Đó là tài nguyên quan trọng để khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, như du lịch tham quan, du lịch sinh thái, du lịch thể thao dưới nước…

Bên cạnh đó, hiện nay lòng hồ sông Đà còn được đánh giá là một trong những nơi có tiềm năng phát triển nghề nuôi cá lồng. Những năm qua, nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Hòa Bình đã có bước phát triển rõ rệt với khoảng 5.000 lồng cá, cho sản lượng khoảng 7.000 tấn một năm, mang lại thu nhập ổn định cho khoảng 2.000 hộ dân trong vùng, và đóng góp tỷ trọng khá cao trong tăng trưởng ngành nông nghiệp của địa phương.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới