Wednesday, December 25, 2024
Trang chủPháp luật biểnVăn bản pháp lý quốc tếTác động tới Biển Đông từ thỏa thuận quốc phòng giữa Úc...

Tác động tới Biển Đông từ thỏa thuận quốc phòng giữa Úc – Indonesia

Tổng thống đắc cử Indonesia, Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto đã tới thăm Úc trước khi nhậm chức 2 tháng. Thủ tướng Úc Anthony Albanese đã tiếp đón người đồng cấp sắp tới của mình tại một cuộc họp cùng với các bộ trưởng cấp cao của Úc tại Tòa nhà Quốc hội hôm 20/8/2024.

Hai bên chính thức công bố việc ký kết một thoả thuận quốc phòng mới giữa Canberra và Jakarta. Thủ tướng Úc Anthony Albanese nhấn mạnh: “Hiệp định lịch sử này sẽ là một phần căn bản trong các hợp tác giữa hai nước chúng ta trong lĩnh vực an ninh”, trong khi đó ông Subianto bày tỏ thoả thuận quốc phòng mới “sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên”.

Thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới giữa Úc và Indonesia đã được hai bên đàm phán từ tháng 2/2024 và được hoàn thiện trong chuyến thăm Canberra của Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto. Đúng theo kế hoạch, trong chuyến thăm Indonesia của Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles một tuần sau đó, ngày 29/8, Indonesia và Úc đã ký thỏa thuận quốc phòng mới, cam kết hợp tác chặt chẽ hơn để ứng phó với các mối đe dọa an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thoả thuận bao gồm các điều khoản về tổ chức các cuộc tập trận chung và triển khai lực lượng tới mỗi nước. 

Như vậy, thoả thuận quốc phòng mới sẽ chứng kiến ​​Indonesia mở cửa các căn cứ quân sự của mình cho lực lượng Phòng vệ Úc, đồng thời tinh giản hoạt động huấn luyện quân sự của Indonesia tại Úc. Nội dung chi tiết của thoả thuận quốc phòng không được công bố, nhưng được cho là sẽ cung cấp khuôn khổ cho việc tiếp cận có đi có lại các cơ sở quân sự của hai quốc gia, và bao gồm các cam kết về đào tạo, tuần tra chung trên biển, gìn giữ hòa bình và các hoạt động nhân đạo.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với ông Richard Marles, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto mô tả Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Úc-Indonesia là một “cột mốc lịch sử”. Ông Subianto nêu rõ hai nước thực hiện thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau ứng phó các mối đe dọa an ninh cũng như thúc đẩy hòa bình và ổn định bền vững ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ông Prabowo Subianto cũng nhấn mạnh rằng thỏa thuận này không phải là một hiệp ước quân sự hay liên minh quân sự, đồng thời cho biết ông hy vọng sẽ tạo dựng mối quan hệ bền chặt hơn với Úc trong tương lai.

Về phần mình, ông Richard Marles cho biết đây là thỏa thuận quốc phòng quan trọng nhất giữa hai nước và là một thỏa thuận “ở tầm hiệp ước”. Theo ông, với thỏa thuận này, Úc và Indonesia sẽ có được khả năng tương tác lớn hơn nhiều giữa các lực lượng phòng thủ của hai nước. Hai nước dự kiến tiến hành một cuộc tập trận chung ở Đông Java vào tháng 11 tới, với sự tham gia của gần 2.000 quân nhân. Ông Marles cho biết cuộc tập trận bao gồm các nội dung diễn tập trên không, trên bộ, trên biển và không gian mạng. Đây sẽ là cuộc tập trận lớn nhất mà Úc thực hiện ở nước ngoài trong năm nay.

Trước đó các giới chức Úc và Indonesia đã đưa ra nhiều đánh giá về thoả thuận quốc phòng mới này. Úc và Indonesia chia sẻ đường biên giới trên biển dài nhất thế giới. Hai bên đã hợp tác trên nhiều lĩnh vực như an ninh trên biển, chống nạn buôn người và nạn buôn lậu ma túy. Bà Curie Maharani, chuyên gia về quốc phòng Đại học Binus, ở Jakarta, nhận định: “Chắc chắn đây là thỏa thuận hoàn chỉnh nhất về lĩnh vực quốc phòng mà Indonesia từng ký kết cho đến nay”.

Chính phủ của Thủ tướng Albanese ca ngợi thỏa thuận ở mức hiệp ước này là một thỏa thuận “vô cùng quan trọng” sẽ trở thành nền tảng mới cơ bản trong an ninh của quốc gia và an ninh của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung. Thủ tướng Anthony Albanese, cho biết thỏa thuận này là một bước đột phá trong mối quan hệ song phương của hai quốc gia. Ông Anthony Albanese nhấn mạnh: “Hiệp ước lịch sử này sẽ củng cố sự hợp tác quốc phòng mạnh mẽ của chúng ta bằng cách tăng cường đối thoại, tăng cường khả năng tương tác và tăng cường các thỏa thuận thực tế”; đồng thời coi “đây sẽ là nền tảng quan trọng để hai nước chúng ta hỗ trợ an ninh của nhau, điều này rất quan trọng đối với cả hai nước, cũng như đối với sự ổn định của khu vực mà chúng ta cùng chia sẻ”.

Ông Prabowo – Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, người sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào tháng 10/2024 – mô tả hiệp ước này là “thỏa thuận láng giềng tốt”, đồng thời kêu gọi Úc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế của Indonesia và cuộc chiến chống ma túy của nước này. Ông Prabowo cho biết trong khi ông quyết tâm duy trì vị thế không liên kết của đất nước mình, ông muốn củng cố mối quan hệ của Indonesia với các đối tác chủ chốt. Ông Prabowo nhấn mạnh: “Tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng chúng tôi muốn có mối quan hệ tốt nhất với tất cả các cường quốc, nhưng đặc biệt là với các nước láng giềng của chúng tôi”.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles nhấn mạnh rằng từ giờ trở đi, quan hệ chung của Úc và Indonesia sẽ được xác định bởi niềm tin chiến lược sâu sắc này. Ngoài ra, hiệp định cũng phản ánh cam kết của Úc trong việc duy trì ổn định khu vực, đặc biệt trong bối cảnh các thỏa thuận quốc phòng khác như AUKUS đã được ký kết. Ông Richard Marles nhấn mạnh: “Tôi đã tuyên bố rằng tôi muốn củng cố chính sách láng giềng tốt. Về mặt này, tôi rất nhận thức rõ và tôi rất hiểu tầm quan trọng của mối quan hệ Úc-Indonesia với tư cách là … những nước láng giềng, và tôi muốn tiếp tục sự hợp tác và phối hợp này”.

Giới chuyên gia nhận định sau chuyến thăm tới Canbera của Tổng thống đắc cử Indonesia, Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto, nhất là sau khi ký kết thoả thuận hợp tác quốc phòng mới, Úc và Indonesia sẽ tăng cường các cuộc tập trận quân sự chung lên mức chưa từng có và thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải theo một thỏa thuận quốc phòng mới mang tính lịch sử nhằm chống lại các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc.

Chính trị gia Peter Dutton, người đã từng giữ nhiều chức vụ Bộ trưởng trong chính phủ Úc, kể cả Bộ trưởng Quốc phòng (năm 2021-2022), tán thành hiệp ước này là một sự phát triển “rất quan trọng” làm nổi bật “tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta (Úc và Indonesia)”. Giám đốc chương trình an ninh quốc tế của Viện Lowy Sam Roggeveen cho biết mặc dù Indonesia không liên kết với phương Tây để chống lại Trung Quốc, nhưng thỏa thuận này đã mang đến cho Úc cơ hội vô song để giúp Indonesia đứng vững hơn trong khu vực rộng lớn hơn.

Giới chuyên gia nhận định Hiệp ước quốc phong mới giữa Úc-Indonesia sẽ có tác động tích cực tới cục diện Biển Đông, cụ thể là:

Thứ nhất, thoả thuận hợp tác quốc phòng mới giữa Úc và Indonesia là nền tảng để hai bên đẩy mạnh hợp tác an ninh quốc phòng trên biển, qua đó Úc có thể can dự sâu hơn vào Biển Đông. Từ năm 2007, Canberra và Manila đã ký thoả thuận quốc phòng về lực lượng thăm viếng song phương (SOVFA), tháng 5/2024, Thủ tướng Úc đã ký với Tổng thống Philippines Marcos nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lươc và quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Úc và Philippines được nâng lên một cấp độ mới. Đây là cơ sở để Úc cùng với Philippines tiến hành tuần tra, tập trận song phương và đa phương với các đồng minh ở Biển Đông, trở thành nhân tố kiềm chế Trung Quốc.

Thoả thuận hợp tác quốc phòng giữa Úc và Indonesia được ký kết hôm 29/8 được giới chuyên gia coi là một mốc mới quan trọng trong việc tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai quốc gia láng giềng lớn trong khu vực. Indonesia là một nước lớn trong ASEAN và có vai trò quan trọng đối với duy trì hoà bình ổn định, tự do và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Mặc dù không phải là bên liên quan trực tiếp tới tranh chấp Biển Đông, nhưng việc Trung Quốc thúc đẩy yêu sách “đường 9 đoạn” đã lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna. Thoả thuận hợp tác quốc phòng hôm 29/8 sẽ tạo điều kiện cho Úc can dự sâu hơn vào Biển Đông qua Indonesia như đã họ làm qua Philippines. Một số chuyên gia còn dự báo thoả thuận hợp tác quốc phòng mới có thể tạo cơ sở cho Úc và Indonesia diễn tập, tuần tra chung ở Biển Đông.

Thứ hai, việc Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto thăm Úc và ngay sau đó ký thoả thuận hợp tác quốc phòng mới với người đồng cấp Úc trước khi nhậm chức vào tháng 10 tới cho thấy xu hướng chính sách của chính quyền Jakarta trong những năm tới là một chính sách thực dụng, lấy việc tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng với những nước láng giềng xung quanh để đối phó với các thách thức ở khu vực, kể cả ở Biển Đông. Bắc Kinh không dễ để triển khai các hành động xâm lấn nhằm vào vùng biển của Indonesia ở Nam Biển Đông trong những năm tới.

Việc mở rộng hợp tác an ninh quốc phòng bao gồm các hoạt động tập trận chung, triển khai lực lượng trên lãnh thổ của nhau hay tuần tra chung trên biển giữa Úc và Indonesia – hai nước chia sẻ đường biên giới hàng hải dài nhất thế giới – chứng minh một điều dù hai nước có đường biên giới trên biển lớn bao nhiêu đều có thể giải quyết thoả đáng các vấn đề liên quan để chia sẻ các lợi ích chung trên biển. Úc và Indonesia đã có sự hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực như an ninh, chống buôn người và ma túy. Việc ký kết thoả thuận hợp tác quốc phòng này nhằm củng cố thêm sự tin cậy chiến lược giữa hai nước láng giềng. Đây cũng có thể là mô hình đề các nước ASEAN có tranh chấp trên biển có thể mở rộng hợp tác với nhau. Bắc Kinh cũng cần noi theo những gì Úc và Indonesia đã làm để giảm căng thẳng, duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông.

Thứ ba, việc tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Úc và Indonesia không ảnh hưởng đến chính sách trung lập, không liên kết của Jakarta và đây có thể là cách để các nước ven Biển Đông mở rộng hợp tác an ninh quốc phòng với các nước ngoài khu vực để nâng cao năng lực phòng thủ quốc gia và năng lực thực thi pháp luật trên biển như Indonesia đã làm. Trong chuyến thăm Úc và khi ký thoả thuận hợp tác quốc phòng mới với người đồng cấp Úc, Bộ trưởng Quốc phòng – Tổng thống đắc cử của Indonesia – Prabowo Subianto khẳng định rằng Indonesia sẽ duy trì chính sách không liên kết và giữ mối quan hệ tốt với các bên và  thoả thuận quốc phòng mới này sẽ không ảnh hưởng đến cam kết của Indonesia về việc duy trì sự cân bằng trong quan hệ quốc tế. Đây là điều mà các nước ven Biển Đông khác cần nghiên cứu, học tập nhằm tạo thế trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông. Nhà phân tích quốc phòng Euan Graham của Viện Chính sách Chiến lược Úc cho biết thỏa thuận quốc phòng mới này có khả năng thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới và ủng hộ thái độ thực dụng hơn đối với AUKUS của Indonesia, quốc gia đã bày tỏ lo ngại về tham vọng tàu ngầm hạt nhân của Úc. Mặt khác, ông Euan Graham cũng cho biết: “Quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto về mối quan hệ với Úc chủ yếu là quan hệ láng giềng với láng giềng, chứ không phải là đối tác trong việc hỗ trợ trật tự khu vực”. Điều này có thể hạn chế việc mở rộng hợp tác an ninh quốc phòng giữa Canberra và Jakarta bởi Indonesia không công khai chia sẻ nhận thức của Úc về mối đe dọa do Trung Quốc gây ra. Nhà phân tích Euan Graham bày tỏ: “Tôi nghi ngờ rằng… Canberra sẽ phải tìm kiếm ở nơi khác trong khu vực để có được loại quyền tiếp cận chiến lược đáng tin cậy mà họ cần trong bối cảnh an ninh đang xấu đi”. Bất luận thế nào thì thoả thuận quốc phòng mới giữa Úc và Indonesia là có lợi cho việc duy trì cục diện dựa trên pháp luật, bảo đảm tự do an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông và là tích cực đối với các nước ven Biển Đông chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới