“Các băng đảng Trung Quốc đã dạy tôi cách làm cho hồ sơ của mình trông đáng tin cậy, thu hút người theo dõi và đăng bài thường xuyên. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, tôi bắt đầu xác định nạn nhân của mình thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook , Instagram và Line”, Narin (20 tuổi) đến từ miền bắc Thái Lan cho biết.
Đây không chỉ là một sự việc hiếm hoi mà là một phần của xu hướng đáng lo ngại đang diễn ra gần đây. Thái Lan dẫn đầu châu Á về các cuộc gọi và tin nhắn văn bản lừa đảo, với con số đáng kinh ngạc là 78,8 triệu vụ việc được báo cáo kể từ năm ngoái, theo Văn phòng Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia của nước này.
Hiện nay, các băng đảng này, thường do những kẻ chủ mưu người Trung Quốc cầm đầu, đang mở rộng hoạt động sang Mỹ và dường như đang dụ dỗ thêm nhiều người Mỹ tham gia.
Vào năm 2023, chính quyền Mỹ đã đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về mối nguy hiểm ngày càng tăng khi ngày càng nhiều người Mỹ bị buôn bán vào các tổ chức lừa đảo ở Đông Nam Á.
Mức độ nghiêm trọng của tình hình đã đạt đỉnh điểm vào tháng 12/2023, khi Bộ Tư pháp Mỹ công bố cáo trạng đối với 4 cá nhân có trụ sở tại Mỹ. Những cá nhân này bị cáo buộc rửa hơn 80 triệu USD tiền lợi nhuận từ các hoạt động lừa đảo.
Để cảnh báo những người khác, Narin (một cựu “lừa đảo”) đã kể với Newsweek về hành trình của mình vào thế giới ngầm đen tối của tội phạm mạng.
Tại Thái Lan, người đàn ông này đã đi từ Chiang Mai đến Chiang Rai trước khi vượt biên giới vào Tachileik, Myanmar. Từ đó, anh ta được đưa đến Laukkai, một thành phố biên giới Myanmar nổi tiếng với các vụ lừa đảo qua tổng đài.
Được bạn bè của bạn bè tuyển dụng, Narin tin tưởng họ vì đang trong tình trạng tuyệt vọng vì tiền. Nhưng khi đến Myanmar, anh nhanh chóng nhận ra bản chất thực sự của hoạt động này. Lo sợ cho sự an toàn của mình, Narin cảm thấy bị mắc kẹt và không thể rời đi.
Lừa đảo tình cảm
Vai trò của Narin trong vụ lừa đảo này là xác định nạn nhân trực tuyến và xúi giục họ chuyển tiền, sau đó chuyển qua mạng lưới của hoạt động này. Narin thường giả làm nhân viên của Shopee hoặc Lazada, những gã khổng lồ thương mại điện tử của Đông Nam Á, để lừa đảo mục tiêu của mình.
Chiến thuật này là một phần trong những gì mà cảnh sát Thái Lan mô tả là “lừa đảo tình cảm”, trong đó tội phạm sử dụng danh tính giả trực tuyến để chiếm được tình cảm của nạn nhân trước khi lợi dụng họ về mặt tài chính.
Trợ lý Cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan, Trung tướng Thatchai Pitaneelaboot, cho hay: “Họ cố gắng khiến bạn cảm thấy như thể bạn đang phải lòng họ. Họ sử dụng những hình ảnh hấp dẫn và nói những điều để xây dựng lòng tin của bạn. Cuối cùng, họ mời bạn đầu tư vào một thứ gì đó”.
Những vụ lừa đảo đầu tư này nhằm mục đích thuyết phục mọi người đầu tư vào nhiều chương trình khác nhau. Narin cho biết nạn nhân chính của những vụ lừa đảo như vậy là những người trên 30 tuổi. Những vụ lừa đảo khác thường nhắm vào phụ nữ, đặc biệt là những người thường xuyên mua sắm trực tuyến và những người trẻ tuổi từ 20 đến 25 tuổi.
“Trong khi các nạn nhân trẻ tuổi có khả năng phục hồi tốt hơn về mặt tài chính, các nạn nhân lớn tuổi thường phải đối mặt với những tổn thất tàn khốc có thể gây nguy hiểm tới an ninh và sức khỏe của họ”, ông Jessada Burinsuchat, một chuyên gia an ninh mạng, nói với Newsweek.
Một người phụ nữ 60 tuổi tên Buggan chính là một nạn nhân điển hình. Sau khi gặp kẻ lừa đảo trên Facebook vào năm 2018, bà Buggan đã bị lôi kéo vào một câu chuyện bịa đặt về một dự án đường ống dẫn dầu béo bở ở Malaysia. Kẻ lừa đảo hứa sẽ trả cho bà 1 triệu USD nếu bà trả khoản thuế chuyển nhượng xuyên biên giới là 5,5 triệu baht (163.642 USD). Một đồng phạm, đóng giả là đại diện của Ngân hàng Thế giới Thái Lan, đã tác động khiến cho trò lừa đảo này trở nên đáng tin cậy hơn.
Tin tưởng vào kế hoạch tinh vi này, bà Buggan đã chuyển tiền vào tháng 12/2019. Kẻ lừa đảo vẫn giữ liên lạc thêm một tháng nữa trước khi biến mất, và phải đến tháng 1/2020, người phụ nữ này mới nhận ra sự thật và trình báo vụ việc.
Những “bậc thầy” Trung Quốc
Để ứng phó với vấn đề ngày càng gia tăng, chính quyền Thái Lan và Campuchia đã tăng cường nỗ lực trấn áp các tổ chức lừa đảo qua tổng đài. Tuần trước, ông Pitaneelaboot, phó giám đốc Lực lượng đặc nhiệm an ninh mạng của cảnh sát Thái Lan, đã tham gia vào một hoạt động chung với các quan chức Campuchia.
Ông Pitaneelaboot đã dành ba năm để chống lại tội phạm mạng, giám sát các hoạt động liên quan đến mạng trên khắp Thái Lan.
Chia sẻ với Newsweek, ông Pitaneelaboot cho hay: “Số lượng tội phạm mạng đang gia tăng vì việc lấy tiền từ người khác dễ dàng và an toàn hơn so với tội phạm đường phố. Sự lan rộng của các mạng xã hội là một yếu tố khác khiến mọi người dễ dàng lừa đảo người khác hơn”.
Những hoạt động tội phạm này, thường do những kẻ chủ mưu người Trung Quốc phối hợp với đồng phạm người Thái Lan chỉ đạo, ngày càng có xu hướng dịch chuyển sang các nước láng giềng như Campuchia để trốn tránh luật pháp Thái Lan.
“Có một lỗ hổng trong việc thực thi pháp luật vì những kẻ lừa đảo ở lại một quốc gia khác dọc biên giới. Không dễ để đưa chúng trở về Thái Lan để trừng phạt”, ông Pitaneelaboot cho biết.
Chính quyền Thái Lan đang nhắm vào các tín hiệu điện thoại mà các băng nhóm này sử dụng để liên lạc với nạn nhân ở Thái Lan, tập trung vào việc phá vỡ các kết nối do các nhà khai thác mạng viễn thông và di động cung cấp, cũng như các công ty tư nhân tại Thái Lan cung cấp dịch vụ internet.
Họ cũng đang xem xét kỹ lưỡng các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook và Google, đặc biệt nếu các nền tảng này kiếm tiền thông qua quảng cáo từ các doanh nghiệp tội phạm.
“Chúng tôi cũng có thể thực thi luật đối với họ”, ông Pitaneelaboot nói, ám chỉ đến kế hoạch bắt giữ các nhà điều hành và điều tra các ngân hàng tạo điều kiện cho các giao dịch gian lận.
Tính đến thời điểm hiện tại, chính quyền Thái Lan đã ban hành 165 lệnh bắt giữ đối với các thành viên băng đảng ở Campuchia. “Chúng tôi hiện đang chờ quyết định của tòa án và hy vọng rằng tòa án Campuchia sẽ sớm ban hành lệnh bắt giữ”, ông Pitaneelaboot cho biết.
Sau khi được giải cứu và trở về Thái Lan, Narin đã không được xem là nạn nhân của nạn buôn người, điều này cho thấy chính quyền đã coi anh là người cố ý tham gia vào vụ lừa đảo ngay từ đầu.
Ông Taiyawat Vivatkiat, một viên chức điều tra tại Cục Di trú, cho hay: “Những kẻ lừa đảo rất am hiểu về pháp lý và thường lợi dụng luật buôn người để trốn tránh cáo buộc gian lận. Do đó, quá trình xác định nạn nhân phải được tiến hành tỉ mỉ để bảo vệ nạn nhân thực sự và lọc ra những kẻ lừa đảo cố gắng lợi dụng luật pháp.”
T.P