Thursday, January 23, 2025
Trang chủUncategorizedĐiểm nóng mới giữa TQ và Philippines ở Biển Đông

Điểm nóng mới giữa TQ và Philippines ở Biển Đông

Chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 8/2024 đã liên tiếp xảy ra 3 vụ va chạm giữa Trung Quốc và Philippines gần khu vực bãi cạn Sa Bin. Trước đó, từ hồi đầu tháng 5/2024 đã có “lời qua tiếng lại” giữa hai bên: Manila cáo buộc Trung Quốc đang có hoạt động xây dựng một hòn đảo nhân tạo sau khi phát hiện hàng đống san hô chết và bị nghiền nát, được đổ trên các bãi cát ở bãi cạn Sa Bin; ngay sau đó, Philippines cử một con tàu đến khu vực bãi cạn Sa Bin để xử lý vụ việc.

Đầu tháng 7, lực lượng tuần duyên Philippines (PCG) tố tàu hải cảnh lớn nhất của Trung Quốc neo đậu gần bãi cạn Sa Bin trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila ở Biển Đông. Phát ngôn viên PCG Jay Tarriela gọi con tàu dài gần 165m này là “con tàu quái vật” và khẳng định đây là hành động đe dọa từ phía hải cảnh Trung Quốc. Trong khi đó, hôm 12/7 Bộ Quốc phòng Trung Quốc kêu gọi phía Philippines ngay lập tức rút quân và các tàu thuyền đang đóng “trái phép” tại bãi cạn Sa Bin ở Biển Đông và còn yêu cầu Manila “ngừng đi sai hướng”. Những động thái này khiến dư luận lo ngại bãi cạn Sa Bin sẽ trở thành một điểm nóng mới ở Biển Đông giữa Bắc Kinh và Manila.

Bãi cạn Sa Bin (tên tiếng Anh là Sabina Shoal; Philippines gọi là Escoda; Trung Quốc gọi là Xianbin Jiao), nằm cách bờ biển phía tây của Philippines khoảng 75 hải lý (gần 140km) và cách Trung Quốc 630 hải lý (gần 1.170km). Bãi cạn Sa Bin là nơi tập trung của các tàu công vụ Philippines thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho binh sĩ Philippines đồn trú trên xác tàu chiến ở Bãi Cỏ Mây.

Với những tính toán riêng nhằm kiểm soát Bãi cạn Sa Bin, cả Philippines và Trung Quốc đều triển khai các tàu chấp pháp ở khu vực này. Vào ngày 19/8/2024, lần đầu tiên đã xảy ra một vụ va chạm giữa tàu của Trung Quốc và Philippines gần Bãi cạn Sa Bin. Lực lượng tuần duyên Philippines đã công bố các hình ảnh tố cáo tàu hải cảnh Trung Quốc 2 lần đâm vào tàu Philippines khiến các tàu này hư hỏng nặng. Trong khi đó, hải cảnh Trung Quốc tố cáo tàu Philippines đã “cố tình va chạm”.

Một đợt va chạm thứ hai đã diễn ra hôm 25/8, với việc cả hai bên một lần nữa đổ lỗi cho nhau. Phía Philippines cho biết tàu BRP Datu Sanday (của Cục Thủy sản và Tài nguyên nước của Philippines – BFAR), đã chạm trán với 8 tàu ​​Trung Quốc khi đang trên đường từ bãi cạn Hasa-Hasa đến bãi cạn Sabina. Cuộc đụng độ xảy ra cách bãi cạn Sa Bin khoảng 10 hải lý hôm nay, theo giờ địa phương. Phía Philippines cáo buộc Trung Quốc đã cố tình đâm vào tàu của Philippines, và phun vòi rồng vào tàu của Philippines khi tàu đang tiến gần đến bãi cạn Sabina. Trong khi đó, hải cảnh Trung Quốc cáo buộc tàu Philippines “đã phớt lờ những cảnh báo nghiêm túc liên tục và cố tình tiếp cận và đâm” vào tàu thực thi pháp luật của Trung Quốc, dẫn đến va chạm.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro, những động thái thù địch là một phần của “mô hình liên tục” của Bắc Kinh nhằm khẳng định tuyên bố và sự hiện diện của mình ở Biển Đông. Ông Teodoro nói: “Đó là một phản ứng mà chúng ta nên quen thuộc”; nhấn mạnh Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp quốc tế và lắng nghe lời kêu gọi của Philippines và các nước khác để kiềm chế hành động của mình. Phát biểu hôm 27/8, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro khẳng định Trung Quốc chính là quốc gia “gây xáo trộn nhiều nhất” cho hòa bình ở vùng Đông Nam Á; nhấn mạnh: “Chúng ta đang phải đấu tranh với một đối thủ mạnh hơn”; đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế “lên án mạnh mẽ Trung Quốc”. Đáp lại lời kiêu gọi của ông Teodoro, Mỹ và một số quốc gia khác bao gồm Anh, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, cũng như Liên minh châu Âu (EU), đã chỉ trích hành động của Trung Quốc.

Sau đó 5 ngày, một vụ va chạm khác giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu tuần duyên Philippines lại xảy ra tại Bãi cạn Sa Bin hôm 31/8. Người phát ngôn của lực lượng tuần duyên Philippines Jay Tarriela công bố những video về cuộc đối đầu tại một cuộc họp báo, nói rằng tàu 5205 của hải cảnh Trung Quốc “đã trực tiếp và cố tình đâm vào tàu Philippines”, làm hư hại tàu Teresa Magbanua dài 97 mét, một trong những tàu tuần tra lớn nhất của lực lượng tuần duyên Philippines, nhưng không có nhân viên nào bị thương. Trong khi đó, Người phát ngôn của hải cảnh Trung Quốc Lưu Đức Quân cáo buộc một tàu của Philippines “mắc cạn trái phép” tại bãi cạn Sa Binh, đã nhổ neo và “cố tình đâm” vào một tàu Trung Quốc; tuyên bố: “Hải cảnh Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để kiên quyết ngăn chặn mọi hành vi khiêu khích, quấy rối và xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải của đất nước”, đồng thời kêu gọi Philippines thoái lui ngay lập tức hoặc phải chịu hậu quả.

Đáp lại, ông Tarriela nói Manila sẽ không rút tàu của mình “bất chấp sự quấy rối, các hoạt động bắt nạt và hành động leo thang của hải cảnh Trung Quốc”. Đại sứ Mỹ tại Philippines MaryKay Carlson bày tỏ sự ủng hộ của Washington đối với Philippines, một đồng minh theo hiệp ước khi viết trên mạng xã hội X: “Mỹ lên án nhiều hành vi vi phạm luật pháp quốc tế nguy hiểm của Trung Quốc, bao gồm hành động cố ý đâm tàu hôm nay (31/8)”.

Một hôm sau vụ va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu Philippines gần bãi Sa Bin ở Biển Đông, Liên minh châu Âu đã lên án hải cảnh Trung Quốc có những “hành động nguy hiểm” đối với hoạt động hàng hải hợp pháp của Philippines trong khu vực. Trong thông cáo ngày 01/09/2024, bà Nabila Massrali, Người phát ngôn của lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell, cho rằng những hành động đó “gây nguy hiểm cho sự an toàn của những người hoạt động trên biển và vi phạm tự do hàng hải mà mọi quốc gia đều có quyền, chiếu theo luật pháp quốc tế”. Thông cáo nêu rõ: “Liên minh châu Âu cũng lên án mọi hành động bất hợp pháp, leo thang, dọa nạt, xâm phạm những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình và ổn định ở trong vùng”, sẵn sàng “ủng hộ các đối tác thực thi quyền hợp pháp của họ trong khu vực và ngoài khu vực”.

Đáp trả những chỉ trích của châu Âu, trong tuyên bố được đưa ra hôm 02/9, phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Âu cho biết “không hài lòng” với “những cáo buộc” của Bruxelles, kêu gọi khối 27 nước nên thận trọng trong lời nói và hành động về các vấn đề Biển Đông, vì “Liên minh châu Âu không phải là một bên trong vấn đề Biển Đông và không có quyền chỉ trích vấn đề này”. Trước đó, bộ Ngoại Giao Mỹ cũng ra thông cáo lên án hành động của Trung Quốc và ủng hộ Philippines.

Cũng trong ngày 02/09, Bắc Kinh khẳng định đang bảo vệ “các quyền” của mình ở Biển Đông. Trả lời báo giới, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tái khẳng định tuyên bố trước đó của Bắc Kinh rằng Philippines đã “cố tình đâm” vào tàu Trung Quốc, cáo buộc Philippines “cử tàu tuần duyên nán lại bãi Xianbin (tên Trung Quốc gọi Bãi cạn Sa Bin) trong một thời gian dài và cố gắng chiếm đóng vĩnh viễn bãi cạn này”.

Giới quan sát nhận định mặc dù giữa Philippines và Trung Quốc mới đạt được một “thoả thuận tạm thời” về giảm căng thẳng ở Biển Đông vào trung tuần tháng 7/2024, những diễn biến nhanh chóng ở khu vực Bãi cạn Sa Bin lại trở thành tâm điểm va chạm và tranh cãi giữa Manila và Bắc Kinh. Đây là dấu hiệu cho thấy căng thẳng ở Biển Đông tiếp tục leo thang trong thời gian tới.

Thứ nhất, Bãi cạn Sa Bin có một vị trí quan trọng trên tuyến hàng hải huyết mạch ở Biển Đông. Kiểm soát được bãi cạn này có thể khống chế toàn bộ tuyến hàng hải ở Biển Đông. Bắc Kinh có ý đồ kiểm soát Bãi cạn Sa Bin từ lâu, thậm chí đã mưu toan xây dựng công trình trên bãi cạn này khi các lực lượng tuần tra Philippines phát hiện phát hiện hàng đống san hô chết và bị nghiền nát, được đổ trên các bãi cát ở bãi cạn Sa Bin.

Cảnh giác trước các ý đồ xây dựng đảo nhân tạo ở Sa Bin của Trung Quốc, nhà chức trách Philippines đã đưa tàu Teresa Magbuana đến Bãi cạn Sa Bin vào tháng 4/2024 như một phần của sự hiện diện lâu dài mà Philippines có kế hoạch duy trì tại đây. Manila coi đây là chìa khóa trong nỗ lực thăm dò dầu khí tại biển Tây Philippines (Biển Đông). Trong khi đó, Trung Quốc coi sự hiện diện của con tàu Teresa Magbuana là bằng chứng cho thấy Philippines có ý định chiếm bãi cạn này.

Một bình luận gần đây của hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đã nhắc đến con tàu BRP Sierra Madre cũ nát từ thời Thế chiến II của Philippines bị mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây (tên tiếng Anh là Second Thomas Shoal, còn Trung Quốc là Rạn Nhân Ái – Ren’ai Jiao) vào năm 1999. Một số binh sĩ Philippines vẫn đồn trú ở đó và cần được tiếp tế thường xuyên. Trong nhiều năm, con tàu này là nguồn gốc của căng thẳng liên tục giữa hai nước. Việc Trung Quốc thường xuyên tìm cách ngăn chặn các nhiệm vụ tiếp tế của Manila, cho con tàu này, gây ra nhiều vụ va chạm giữa hải cảnh Trung Quốc và tuần duyên Philippines khiến căng thẳng leo thang. Bài bình luận viết: “25 năm sau, con tàu này vẫn ở đó. Rõ ràng, Philippines đang cố gắng lặp lại kịch bản này tại Bãi Sa Bin”, song “Trung Quốc sẽ không bao giờ bị Philippines lừa dối nữa”.

Giới phân tích nhận định việc Trung Quốc đưa nhiều tàu hải cảnh và dân quân biển tới khu vực này, có lúc tới 40-50 tàu là nhằm khống chế, kiểm soát Bãi can Sa Bin. Thậm chí, Bắc Kinh đã từng điều tàu hải cảnh “khủng” lớn nhất thế giới tới khu vực này là nhằm uy hiếp, gây sức ép với Manila. Việc tàu hải cảnh Trung Quốc chủ động đâm vào các tàu công vụ của Philippines trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua để ngăn việc tiếp tế cho tàu Teresa Magbuana của Philippines cũng chẳng khác gì nhưng hành động hung hăng mà hải cảnh Trung Quốc đã gây ra ở Bãi Cỏ Mây. Với tham vọng bành trướng ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ còn tiếp tục có các hoạt động nhằm vào các tàu của Philippines ở khu vực Bãi cạn Sa Bin.

Thứ hai, thái độ kiên quyết của bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích của mình ở Biển Đông như Tổng thống Marcos đã nhiều lần tuyên bố “không để mất một centimet vùng biển của đất nước” được thể hiện qua các phát biểu mạnh mẽ của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines khi các va chạm ở Bãi cạn Sa Bin xảy ra. Điều này cho thấy chính quyền của Tổng thống Marcos sẽ không chịu lùi bước những hành động hung hăng của Bắc Kinh ở khu vực Bãi cạn Sa Bin và sẽ không để lặp lại một sự cố như ở Bãi cạn Scarborough cách đây 12 năm.

Quốc tế đang hết sức quan tâm theo dõi những diễn biến xung quanh khu vực Bãi cạn Sa Bin. Philippines nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ và các đồng minh của Mỹ như Anh, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, cũng như Liên minh châu Âu (EU)…. Các nước này đã kịp thời lên án mạnh mẽ Bắc Kinh sau mỗi vụ việc. Đây là yếu tố quan trọng Bắc Kinh phải cân nhắc về các hành động hung hăng của mình. Một khi vấn đề khu vực Bãi cạn Sa Bin được quốc tế hoá thành vấn đề tự do an toàn hàng hải thì sẽ gây khó khăn cho Bắc Kinh.

Một điều rất quan trọng là Bãi cạn Sa Bin chỉ cách Palawan 140 hải lý, thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Philippines theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Mặt khác, Philippines đã có được phán quyết năm 2016 rất quan trọng của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và các hoạt động của Bắc Kinh là bất hợp pháp. Đây được coi là cơ sở pháp lý để Manila đối phó với Bắc Kinh. Đây cũng là cơ sở pháp lý để Mỹ cùng các nước đồng minh có thể công khai đứng về phía Philippines trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Với những tính toán khác nhau của cả Philippines lẫn Trung Quốc, có thể thấy Bãi cạn Sa Bin sẽ là một điểm nóng mới tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh thời gian tới; những diễn biến xung quanh khu vực này là hết sức khó lường. Thậm chí, có ý kiến lo ngại rằng tranh chấp giữa hai nước cuối cùng có thể dẫn đến một cuộc đối đầu lớn hơn trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới