Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông vẫn chưa hạ nhiệt. Hai bên liên tục tố cao nhau là “kẻ chủ mưu” gây ra những tranh chấp phức tạp. Không chỉ trên biển, những hoạt động gần đây của không quân Trung Quốc đã xâm phạm vùng trời Philippines.
Việc tranh chấp Biển Đông giữa các bên đang mở rộng từ trên biển tới trên không, dẫn tới nguy cơ đối đầu quân sự. Mới đây tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc đăng bài: “Quan hệ Trung Quốc-Philippines đang đứng trước ngã rẽ” về tranh chấp Biển Đông. Báo Đảng của Trung Quốc lên tiếng sau khi Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo thông báo với báo giới, Bắc Kinh sẽ tổ chức vòng tiếp theo của các cuộc họp Cơ chế Tham vấn Song phương nhằm quản lý sự khác biệt giữa hai nước.
Nội dung các cuộc đàm phán sẽ xoay quanh việc giải quyết dứt điểm những bất đồng về các vụ va chạm giữa hai bên, nhất là khi các tàu của lực lượng tuần duyên đụng nhau tại bãi cạn Sa Bin. Lực lượng tuần duyên Philippines đã công bố video cho thấy tàu của lực lượng tuần duyên Trung Quốc đâm trực tiếp vào tàu BRP Teresa Magbanua của Philippines.
Khi trên biển lặp lại các hành động khiêu khích, cản trở nhưng không mang lại hiệu quả, quân đội Trung Quốc chuyển sang phương án tác chiến mới: xâm lấn trên không. Trong hai tháng 8-9/2024, không chỉ Trung Quốc, Philiippines cũng dùng máy bay trực thăng để tiếp tế cho các quân nhân trên đảo Sa Bin.
Trung Nam Hải thông báo, từ đầu năm 2024, Philippines đã “nhiều lần điều máy bay quân sự xâm nhập các đảo và rạn san hô ở quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield” và cũng dùng máy bay quân sự thực hiện các nhiệm vụ thả hàng và tiếp tế trên biển. Điều này cho thấy “việc xâm nhập không phận đang trở thành một con đường chính để Philippines gây rắc rối ở Biển Đông”. (!)
Từ các diễn biến nêu trên, các nhà phân tích nhận định, khả năng chuyển đổi từ nhiệm vụ tiếp tế trên biển sang trên không rõ ràng là một rủi ro và không kém phần nguy hiểm, vì không bên nào chịu lùi bước. Một khi có va chạm, hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với va chạm trên biển.
Sắp tới Bắc Kinh sẽ tăng cường hiện diện trên không ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Quân đội Trung Quốc cũng sẽ triển khai máy bay chiến đấu tới các đảo nhân tạo. Đó là một lựa chọn chính sách vô cùng nguy hiểm. Bằng cách đó, họ hạn chế khả năng của các bên trong việc duy trì sự hiện diện lâu dài tại các vùng lãnh thổ tranh chấp.
Như quý độc giả đã quan tâm theo dõi, chính quyền của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã gửi chính phủ Trung Quốc 176 công hàm phản đối ngoại giao. Không chỉ có Manila phản đối, các quốc gia/vùng lãnh thổ như Brunei, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Đài Loan cũng đã có những việc làm tương tự ở các mức độ khác nhau.
Lý giải về việc xâm lấn vùng trời, ông Song Zhongping, chuyên gia quân sự Trung Quốc nghiên cứu tại Trung tâm Trao đổi Khoa học và Công nghệ Xuanyuan – Hong Kong, cho rằng, bất kỳ động thái quân sự nào của Trung Quốc trên không phận Biển Đông đều do “sự bành trướng bất hợp pháp” của Philippines. “Dù là bãi cạn Scarborough, bãi Cỏ Mây hay bãi cạn Sa Bin, tất cả đều là lãnh thổ chủ quyền của Trung Quốc” chuyên gia này nói. Về vấn đề này, Bắc Kinh từng tuyên bố: “Nếu Philippines muốn tuần tra hoặc tiếp tế bằng đường không, điều này tự nó đã vi phạm an ninh không phận của Trung Quốc, và quân đội nước này chắc chắn sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn”.
Khi Manila tỏ ra “ngoan cố”, Bắc Kinh tuyên bố, trước tiên có thể thực hiện các biện pháp can thiệp, giống như với máy bay quân sự của Mỹ và Úc. Có thể sẽ rải pháo sáng nhiệt để gây nhiễu, khiến trực thăng của Philippines không thể tiếp cận được. Họ cũng có thể sử dụng máy bay phản lực để tạo ra nhiễu động.
Thật đáng lo ngại khi hành động leo thang của cả hai bên quyết liệt hơn, gia tăng đáng kể nguy cơ xảy ra xung đột. Và như thế “vùng xám” đang đứng trước nguy cơ trở thành “vùng đỏ”, tiến gần hơn tới hướng chiến tranh nóng. Phải vì thế chăng mà hồi tháng 8/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro thông báo, Philippines có kế hoạch mua 40 máy bay chiến đấu đa năng mới và phi đạn tầm trung để củng cố phòng thủ lãnh thổ.
Trước nguy cơ đồng minh bị “bóp chết”, Nhà Trắng đã nhắc lại cam kết bảo đảm an ninh cho Philippines sau các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ tái khẳng định “cam kết vững chắc” đối với Philippines nếu Trung Quốc manh động ở Biển Đông.
Trong một diễn biến khác, Hãng tin Pháp AFP trích dẫn lời Trung tướng Hà Lôi (He Lei) trong một cuộc tiếp xúc với một số phóng viên quốc tế trưa 12/09. Phát biểu được đưa ra bên lề Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 11, từ ngày 12 đến 14/09/2024.
Khi đề cập đến tình hình Biển Đông, Trung tướng tuyên bố, ông “hi vọng Biển Đông sẽ vẫn là một vùng biển hòa bình”. Song, quân đội Trung Quốc sẵn sàng “đập tan mọi hành động thù nghịch” nhắm vào “lãnh thổ, chủ quyền, lợi ích trên biển”.
Lợi ích trên biển, xâm lấn trên trời. Sự can thiệp đến từ nhiều hướng và có sự tham gia của các cường quốc. Mọi cảnh giác lúc này đều hết sức cần thiết.
H.Đ