Ông Zelensky, tổng thống Ukraine vừa đưa ra những tuyên bố chỉ trích phương Tây “sợ hãi” đến mức không dám nêu khả năng hạ tên lửa và UAV Nga tập kích Ukraine.
Tuyên bố được đưa ra tại buổi họp báo ở Kiev hôm 13/9. Trước đông đảo các nhà báo trong nước và quốc tế, nhà lãnh đạo Ukraine còn nhắc lại chuyện Mỹ và phương Tây từng hỗ trợ Israel đánh chặn 99% tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Iran trong cuộc tập kích quy mô lớn hồi tháng 4, để so sánh, chứng minh Ukraine đang bị đối xử một cách bất công: “Nếu các đồng minh từng hợp sức bắn hạ tên lửa và UAV tại Trung Đông, tại sao họ chưa đưa ra quyết định tương tự để cùng nhau phá hủy vũ khí trên bầu trời Ukraine?
Thậm chí, ông Zelensky còn lôi lại chuyện tên lửa hành trình Nga ít nhất đã bay vào không phận Ba Lan – một thành viên Nato – hai lần: một lần tháng 12 năm ngoái, một lần vào tháng 3 năm nay, mà phương Tây đã “không làm gì”, và gọi đó là “sự sỉ nhục đối với thế giới dân chủ”.
Hiếm, nếu không nói là chưa từng có một quốc gia đồng minh nào dám mạt sát Mỹ tới mức ấy. Với Ukraine, đó càng là câu chuyện khó tưởng tượng bởi nước này cần, thậm chí có thể nói là “cầu” Washington hơn bao giờ hết để được cung cấp vũ khí nhằm đối phó với Nga.
Sự cần thiết ấy càng tăng thêm trong thời điểm này, khi Ukraine, sau thắng lợi bước đầu đột kích, thọc sâu và chiếm giữ 1000km2 ở tỉnh Kursk, thì nay đang chịu đựng phản kích dữ dội của Moscow, lâm vào thế bất lợi. Bất lợi tới mức, giữ Kursk thì khó, mà bỏ thì coi như “xôi hỏng bỏng không” đối với ý đồ và mục tiêu kiếm lợi thế nào đó trên bàn đàm phán với Kremlin, cũng như hy vọng, chiến trường “nội địa” này sẽ hút lực lượng Nga trên các mũi tấn công khác quay về hỗ trợ…
Đó là chưa kể, tạo được ưu thế nào đó trên chiến trường Kursk cũng là cách để Kiev mặc cả với phương tây, nhất là Washington, hãy khẩn trương và quyết đoán, chứ đừng chần chừ trong việc cung cấp thêm vũ khí, nhất là các loại vũ khi tiên tiến như tên lửa tầm xa, và cho phép Ukraine sử dụng chúng để tấn công phá hoại các cơ sở hạ tầng, vị trí bố trí hỏa lực của Nga, phân tán và hạn chế khả năng tấn công của Moscow…
Tuy nhiên, tới thời điểm này, ý đồ không thể nói là tồi về chiến thuật chính trị và quân sự của Kiev, theo giới quan sát, chỉ đạt kết quả hạn chế. Đó là, Ukraine bắt đầu nhận được loại máy bay chiến đấu F-16 hiện đại. Đó là, London “bật đèn xanh” cho Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Anh cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Đó là, Thụy Điển, Phần Lan và Canada lên tiếng trong những ngày gần đây rằng, họ hoàn toàn ủng hộ Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công sâu vào Nga như thực hiện quyền tự vệ chính đáng…
Tuy nhiên, làm Ukraine thất vọng nhất lại là “ông lớn” Mỹ. Là nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraine, cũng là quốc gia “cầm chịch” trong việc hỗ trợ Ukraine “xả thân” trong một cuộc chiến “ủy nhiệm” đối đầu với Nga, Washington, tận tới lúc này, vẫn chưa cho phép Kiev dùng vũ khí tầm xa của Mỹ để tấn công mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Ngày 13/9, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, ông John Kirby đã thông báo rằng: “Chưa có thay đổi nào trong quan điểm của chúng tôi về cung cấp năng lực tấn công tầm xa để Ukraine sử dụng trong lãnh thổ Nga. Đừng kỳ vọng có thông báo quan trọng nào về vấn đề này”. Nghĩa là, Mỹ chỉ cho phép Kiev tấn công các mục tiêu Nga ở những khu vực do Moskva kiểm soát trên lãnh thổ Ukraine, cùng một số khu vực gần biên giới liên quan trực tiếp đến hoạt động chiến đấu.
Lý do ông Kirby đưa ra là: Nhà Trắng “quan tâm nghiêm túc” đến cảnh báo ngày 12/9 của tổng thống Nga Putin: nếu Ukraine dùng vũ khí tầm xa phương Tây tập kích sâu vào lãnh thổ Nga, điều đó đồng nghĩa với “các nước thành viên NATO, gồm Mỹ và các nước châu Âu, đang bước vào cuộc chiến với Nga”.
Có lẽ, chính cái lý do đó đã khiến ông Zelensky nổi khùng, không kiềm chế được những lời nặng nề ném vào vào Mỹ.
Dù chia sẻ với ông Zelensky, nhiều nhà quan sát vẫn nhận định rằng, cái “lý” của ông Biden cũng cần được chia sẻ và thông cảm không kém. Thứ nhất, gì thì gì, chật vật, chưa thắng nổi trong cuộc chiến với Ukraine, nhưng Mỹ và phương Tây đều hiểu Nga vẫn là một cường quốc quân sự thực sự. Thứ hai, thực tế cho thấy, mươi lăm năm qua, Nga từng dám làm tất cả những gì để đạt mục tiêu, bất chấp những thách thức, đe dọa của Mỹ và phương Tây. Thứ ba, và đây mới là điều đáng gườm nhất: gần đây, Kremlin đã để ngỏ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật khi Mỹ và phương Tây tăng cường viện trợ vũ khí hiện đại cho Ukraine.
Nếu điều đó xảy ra, không chỉ Mỹ, mà cả châu Âu sẽ rung chuyển; lò lửa chiến tranh Ukraine sẽ bùng thành một cuộc chiến thế giới – tình huống mà chắc chắn, chẳng một quốc gia nào muốn xảy ra, kể cả Mỹ. Lời tuyên bố “quan tâm nghiêm túc” lời cảnh báo của Nga của Nhà Trắng đã xác nhận điều đó.
Một khi cái lo lớn, cũng là cái lo thể hiện sự thực dụng của Mỹ, là sự thật, thì mục tiêu của ông Zelensky muốn được Mỹ “tháo khoán” vũ khí tầm xa để tập kích sâu vào lãnh thổ Nga còn lâu mới có thể được đáp ứng, nếu không nói là không bao giờ.
T.V