Tuesday, January 28, 2025
Trang chủGóc nhìn mới'Lằn ranh đỏ' Ukraine và cuộc đối đầu Mỹ - Nga

‘Lằn ranh đỏ’ Ukraine và cuộc đối đầu Mỹ – Nga

Việc Ukraine mong muốn có vũ khí tầm xa của Mỹ và Anh cung cấp để tấn công vào các mục tiêu quân sự tại Nga đang kéo cả Mỹ và Nga vào tình thế căng thẳng mới.

Bên cạnh muốn có “cú đấm” nhanh chóng kết thúc cuộc chiến, việc các lực lượng của Nga đang tập trung gần đây tại vùng Kursk với quy mô đông gấp 4 lần (lên đến 45.000 quân, so với chỉ 11.000 quân vào đầu tháng 8-2024) đang gây áp lực khiến chính quyền Tổng thống Zelensky phải liên tục yêu cầu các nước phương Tây một lần nữa cân nhắc quyết định vượt “giới hạn đỏ” của Nga.

“Cân” nhau trên bộ

Theo ông Zelensky, sự cho phép của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với quá trình viện trợ khí tài tấn công tầm xa và không có giới hạn khoảng cách sẽ trở thành “nhân tố chiến lược” giúp nước này giành được chiến thắng cuối cùng.

Tuy nhiên, sự trì hoãn ra quyết định từ cả hai đồng minh hàng đầu của Ukraine là Mỹ và Anh ngay cả sau hội nghị ngoại trưởng ba bên ngày 11-9 tại Kiev đang cho thấy một thực tế có thể không như mong đợi.

Tính toán từ phía Mỹ để lộ một cách tiếp cận thận trọng khi hướng đến viễn cảnh vừa nỗ lực giữ được “vị thế tốt nhất” cho Ukraine trên bàn đàm phán, vừa tỉnh táo không để Mỹ bị cuốn vào một cuộc chiến “giữa các cường quốc hạt nhân” như phía Nga mô tả.

Trên thực tế, cả Mỹ và Nga đều đang duy trì cán cân ảnh hưởng trên cả ba lĩnh vực liên quan trực tiếp đến chiến sự ở Ukraine gồm truyền thông, viện trợ và thực địa.

Mặc dù Nga có lợi thế về truyền thông khi các diễn biến chiến sự trên bộ đều cho thấy Nga đang từng bước làm chủ được nhiều trận địa, tuy nhiên hiện nay quân đội Ukraine vẫn đang trấn giữ và gia cố phòng thủ ở các vị trí chiến lược thuộc vùng Kursk.

Điển hình như làng Sudzha – điểm đầu của đường ống khí đốt cung cấp 3% khí đốt nhập khẩu còn lại của châu Âu từ Nga ở tỉnh Kursk – hiện vẫn do Ukraine kiểm soát, khiến cho các hãng truyền thông lớn của Mỹ vẫn có thể thuyết phục dư luận rằng cuộc tấn công Kursk của Ukraine là “một thành công lớn”.

Đây cũng là nền tảng quan trọng để chính quyền Tổng thống Biden có thể dựa vào đó bác bỏ lời cảnh báo từ Tổng thống Putin vào ngày 14-9, giúp giữ vững uy tín của Mỹ trong việc vận động Ukraine tham gia các phương án đàm phán hòa bình tiềm năng.

Đối với mặt trận viện trợ, trong khi Nga vẫn đang nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình về tên lửa và khí tài từ hai đồng minh là Iran và Triều Tiên, Chính phủ Mỹ cũng khẳng định các nỗ lực duy trì dòng tiền viện trợ không đứt quãng cho Ukraine đến đến tận năm 2025, nhằm cung cấp thêm khoảng 5,8 tỉ USD sau ngày 30-9.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan còn cho biết Washington đặt mục tiêu chuẩn bị một gói hỗ trợ đáng kể với nhiều năng lực khác nhau vào cuối tháng 9-2024, nhấn mạnh nội dung đảm bảo năng lực phòng thủ của Ukraine ở phía đông.

Chỉ có trên mặt trận thực địa, trong khi Nga đang duy trì lợi thế vượt trội với các loại tên lửa tấn công tầm xa nổi tiếng thì Mỹ và Anh đang tìm cách khiến Ukraine có cảm giác giữ được cân bằng trở lại khi cân nhắc cho phép Ukraine được sử dụng tên lửa Storm Shadow viện trợ để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ của Nga.

Do quyết định cho phép Ukraine dùng vũ khí tấn công tầm xa của Mỹ (như hệ thống ATACMS) vẫn đang gây chia rẽ chính quyền Biden nên việc “thí điểm” cho Storm Shadow lúc này lại là giải pháp tối ưu, vì tên lửa này có các bộ phận do Mỹ sản xuất và dựa vào hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và bản đồ của Mỹ nhưng lại do Anh sản xuất và chịu mọi trách nhiệm.
Tổng thống Zelensky đã nói rằng cuối cùng cuộc chiến này phải kết thúc thông qua đàm phán và chúng tôi cần họ (Ukraine) phải mạnh mẽ trong các cuộc đàm phán đó.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan phát biểu tại Kiev vào ngày 14-9


Giằng co trên biển

Đổi lại với lợi thế của Nga trên bộ, tương quan trên mặt trận Biển Đen lại có chiều hướng ngả về phía Ukraine. Lợi thế trên biển này đang được cả Mỹ lẫn cả khối NATO thiết lập nền tảng điều phối an ninh hàng hải.

Tuy ít được chú ý hơn mặt trận trên bộ nhưng dường như phía Mỹ đang muốn củng cố sự kiểm soát thực địa trên Biển Đen, tương tự như tính toán của Ukraine muốn sử dụng vùng Kursk làm cơ sở đàm phán trao đổi các khu vực phía đông lãnh thổ đã bị Nga sáp nhập. Trong đó, việc duy trì các hoạt động tập trận rà phá thủy lôi chung Sea Breeze với sự tham gia của Hạm đội 6 từ phía Mỹ dự kiến kết thúc ngày 20-9 không chỉ giúp Ukraine duy trì được tuyến thương mại huyết mạch ở Biển Đen, mà còn góp phần gia tăng lợi thế đàm phán cho Ukraine với Nga về sau.

Do đó, động thái quân đội Nga lần đầu tiên tấn công một tàu chở hàng ngoài khơi chở ngũ cốc từ Ukraine đến Ai Cập vào ngày 12-9 cho thấy phía Nga đang mong muốn sẽ đảo ngược một trong những thành tựu lớn nhất của Ukraine, vốn là nền tảng lợi thế hiếm có cho phía Mỹ trong cuộc chiến này.

Cả Mỹ và Nga dường như đều đang duy trì một thế trận “quản lý leo thang” với những bước triển khai thận trọng trong phạm vi kiểm soát trong những tháng cuối năm 2024. Mặc dù cả hai phía đều nhắc đến khái niệm “răn đe hạt nhân”, nhưng trên thực tế các bước triển khai cạnh tranh trực tiếp trên bàn cờ chiến sự Ukraine đều đang diễn ra ở các mặt trận tương tác thông thường, có sự cân nhắc cụ thể đến tiến trình đàm phán đình chiến trong tương lai gần.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới