Wednesday, December 25, 2024
Trang chủQuân sựThuốc nổ được đặt trong máy nhắn tin ở Lebanon thế nào?

Thuốc nổ được đặt trong máy nhắn tin ở Lebanon thế nào?

Các nhà phân tích cho rằng máy nhắn tin có thể đã bị can thiệp trong chuỗi cung ứng để thêm chất nổ vào pin máy trước khi giao đến Lebanon.

Một mảnh vỡ còn sót lại từ máy nhắn tin phát nổ ở Lebanon.


Hàng trăm máy nhắn tin của nhóm vũ trang Hezbollah phát nổ vào tại Lebanon ngày 17/9, khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và khoảng 2.750 người bị thương. Một số máy nhắn tin của Hezbollah cũng phát nổ ở Syria gây thương tích cho một số người.

Lebanon, Hezbollah và các đồng minh của nhóm này đều đổ lỗi cho Israel và cam kết trả đũa.

Quân đội Israel từ chối bình luận về vụ nổ.

Nguyên nhân máy nhắn tin phát nổ

Cơ chế chính xác được sử dụng cho vụ nổ máy nhắn tin hiện vẫn chưa rõ ràng. Một số chuyên gia suy đoán rằng hệ thống vô tuyến của máy nhắn tin đã bị hack, có thể thông qua một mã giả. Pin của máy nhắn tin có thể đã bị kích hoạt quá nhiệt, dẫn đến phát nổ.

Hamish de Bretton-Gordon, cựu sĩ quan quân đội Anh và chuyên gia về vũ khí hóa học, suy đoán rằng máy nhắn tin cũng có thể đã bị can thiệp trong chuỗi cung ứng và được cài đặt để phát nổ theo lệnh.

Trong khi đó, nhà phân tích quân sự và chính trị tại Brussels, Elijah Magnier, nói với Al Jazeera rằng các nguồn tin của ông ở Lebanon đã chia sẻ chi tiết từ cuộc điều tra ban đầu do Hezbollah thực hiện trên các máy nhắn tin không phát nổ.

Những cuộc điều tra đó cho thấy Israel đã cho 1 đến 3 gam pentaerythritol tetranitrate (PETN), một loại thuốc nổ mạnh, vào mỗi thiết bị.

Thuốc nổ được đặt trong máy nhắn tin thế nào?

Lebanon phải đối mặt với một loạt các lệnh trừng phạt từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác phương Tây của họ. Bên cạnh đó, Mỹ, Anh và các đồng minh như Nhật Bản, liệt kê Hezbollah vào danh sách các tổ chức “khủng bố”.

Điều đó có nghĩa là các công ty đã đăng ký tại các quốc gia trên đều cảnh giác với các giao dịch trực tiếp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, với Hezbollah hay thường là với Lebanon.

Trong trường hợp này, nhà phân tích Elijah Magnier cho rằng các máy nhắn tin mà Hezbollah mua được từng tập kết tại một cảng ở bên thứ 3 trong ba tháng, chờ thông quan trước khi cuối cùng được chuyển đến nhóm người Lebanon. Hezbollah nghi ngờ rằng chính trong ba tháng đó, Israel đã cài thuốc nổ vào các thiết bị.

Ông Magnier nói thêm rằng cuộc điều tra của Hezbollah đến nay cho thấy những viên bi kim loại được đặt xung quanh pin của máy nhắn tin, cho phép lực nổ đẩy các mảnh kim loại ra ngoài, “làm tăng đáng kể sức sát thương của vụ nổ”. Ông cũng cho biết điều này có thể được thực hiện trong ba tháng khi lô hàng bị tạm giữ.

Chia sẻ với tờ France24, chuyên gia an ninh mạng Gérôme Billois cũng cho rằng kịch bản có khả năng xảy ra nhất về cách thức thực hiện cuộc tấn công quy mô lớn này là đặt thuốc nổ vào máy nhắn tin sau khi chúng rời khỏi nhà máy.

“Nhiều khả năng một cơ quan tình báo đã biết về đơn đặt hàng máy nhắn tin này và họ có thể đã chặn lô hàng sau khi xuất xưởng… mở hộp một cách khéo léo, thay pin hoặc thêm chất nổ vào pin, sau đó thay đổi phần mềm để cho phép kích hoạt từ xa”, ông Billois nói.

Ông Billois lưu ý rằng, dù khó có thể chặn được lô máy nhắn tin ở đâu đó trong chuỗi cung ứng trước khi chúng đến địa chỉ cuối cùng, nhưng nhiệm vụ này không phải bất khả thi vì các cơ quan gián điệp từng thực hiện các hoạt động tương tự trong quá khứ.

“Một khả năng khác là chỉnh sửa pin lithium để chúng phát nổ bằng tín hiệu không dây”, Billois cho biết, nhưng ông cũng nói rằng kịch bản này ít có khả năng xảy ra hơn.

Cựu chuyên gia phân tích tình báo của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ David Kennedy nói với CNN rằng các vụ nổ có vẻ quá lớn so nếu chỉ là pin phát nổ.

Ông nói: “Các máy nhắn tin có thể đã được gắn chất nổ và chỉ phát nổ khi nhận được một tin nhắn nhất định”.

Đài Loan hay Hungary?

Các mảnh vỡ từ vụ nổ được tìm thấy trùng khớp với máy nhắn tin AR-924 do công ty Golden Apollo sản xuất, nổi tiếng với độ bền và tuổi thọ pin cao. Công ty có trụ sở ở Đài Loan (Trung Quốc).

Ngày 18/9, Golden Apollo phủ nhận việc sản xuất máy nhắn tin cho Hezbollah và cho biết trên thiết bị chỉ có logo của công ty.

Công ty Đài Loan này cho biết thêm, các máy nhắn tin này được một công ty Hungary tên là BAC sản xuất thông qua một thỏa thuận cho phép quyền mang thương hiệu Golden Apollo.

“Việc thiết kế và sản xuất các sản phẩm hoàn toàn do BAC đảm nhiệm”, Gold Apollo cho biết trong tuyên bố. “Chúng tôi chỉ cung cấp giấy phép nhãn hiệu thương hiệu chứ không tham gia vào quá trình thiết kế và sản xuất sản phẩm này”.

Phía Hungary sau đó bác bỏ thông tin trên, tuyên bố không có cơ sở sản xuất máy nhắn tin bị nổ của Hezbollah và những thiết bị này “chưa từng xuất hiện” ở quốc gia Đông Âu.

“Giới chức đã xác nhận rằng công ty tình nghi chỉ là bên trung gian giao dịch, không có cơ sở sản xuất hay hoạt động nào tại Hungary”, Zoltan Kovacs, phát ngôn viên của Thủ tướng Viktor Orban, nói.

Khi vụ việc còn đang gây tranh luận, chỉ 24 giờ sau vụ nổ máy nhắn tin, các máy bộ đàm cầm tay được phong trào Hezbollah sử dụng tiếp tục phát nổ và gây thương vong lớn trên khắp Lebanon.

Những chiếc bộ đàm này được Hezbollah đưa vào sử dụng cách đây 5 tháng, gần như cùng thời gian những chiếc máy nhắn tin được mua.

Mặc dù chưa bên nào nhận trách nhiệm về sự việc, mọi ánh mắt hoài nghi đang đổ dồn về Israel. Tel Aviv tiếp tục giữ yên lặng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới