Friday, November 15, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVì sao bà Trương Mỹ Lan chuyển trái phép 4,5 tỷ USD...

Vì sao bà Trương Mỹ Lan chuyển trái phép 4,5 tỷ USD không bị phát hiện?

Hồ sơ vụ án thể hiện các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện giao dịch chuyển tiền không nằm trong “danh sách đen”, trước thời điểm vụ án được khởi tố.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa.


Sáng 19/9, phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 33 đồng phạm được tiến hành ở phần thủ tục. Luật sư bào chữa cho bà Lan đề nghị HĐXX triệu tập Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước).

Theo hồ sơ vụ án, Cục Phòng, chống rửa tiền có vai trò tiếp nhận thông tin, báo cáo từ các tổ chức theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và các thông tin khác nghi ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc tội phạm khác liên quan đến rửa tiền; phân tích, xử lý báo cáo, thông tin nghi ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc tội phạm khác liên quan đến rửa tiền theo quy định của pháp luật.

Từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/10/2022, Ngân hàng SCB đã báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền hơn 313.700 giao dịch, với tổng số tiền hơn 489.000 tỷ đồng, tương đương 22,2 tỷ USD và 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ.

Đối với 313.700 giao dịch chuyển tiền điện tử, căn cứ quy định, cơ sở để xác định giao dịch chuyển tiền điện tử liên quan đến hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố là các giao dịch liên quan đến tổ chức, cá nhân nằm trong “danh sách đen”; là đối tượng bị điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan chức năng của Việt Nam và của quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; nằm trong danh sách cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước và của quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Hồ sơ vụ án thể hiện, trước thời điểm khởi tố vụ án ngày 7/10/2022, có 85 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuyển tiền ra nước ngoài và 63 công ty thuộc tập đoàn này nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam đều không thuộc các đối tượng nêu trên, nên Cục Phòng, chống rửa tiền không có cơ sở để xác định trong số hơn 313.700 giao dịch chuyển tiền điện tử có giao dịch liên quan đến hoạt động rửa tiền, vận chuyển tiền của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Trong khi đó, đối với 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ của SCB gửi Cục Phòng, chống rửa tiền cũng không có danh sách số công ty trên, nên cơ quan này không có cơ sở để phân tích, nghi ngờ đối với việc chuyển tiền của nhóm các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Cơ quan tiến hành tố tụng xác định các quyết định, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Quản lý ngoại hối (thuộc Ngân hàng Nhà nước) xác định, Vụ không có chức năng kiểm tra, thanh tra hoạt động ngoại hối của các tổ chức, cá nhân nói chung cũng như giao dịch ngoại hối chuyển tiền ra nước ngoài và về Việt Nam.

Còn vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) chỉ thống kê, theo dõi số liệu trên cơ sở số liệu báo cáo tổng hợp của từng ngân hàng, mà không có số liệu giao dịch của từng tổ chức hay cá nhân cụ thể.

Quá trình theo dõi số liệu tổng hợp của SCB cung cấp, Vụ Quản lý ngoại hối không có cơ sở để phát hiện sự bất thường đối với số liệu tổng hợp về tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam.

Như vậy, cơ quan điều tra không có căn cứ xem xét trách nhiệm của Cục Phòng, chống rửa tiền và Vụ Quản lý ngoại hối trong việc các đối tượng tại các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát và SCB làm trái quy định về việc chuyển tiền quốc tế.

Trong lần xét xử này, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã có hành vi vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỷ USD (khoảng 106.730 tỷ đồng) qua biên giới trong 10 năm; rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng và lừa 35.824 bị hại qua hình thức phát hành trái phiếu khống, chiếm đoạt hơn 30.869 tỷ đồng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới