Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTinh thần đoàn kết của người Việt trong cơn bão số 3

Tinh thần đoàn kết của người Việt trong cơn bão số 3

Cơn bão số 3 và những thiệt hại nặng nề về người và của

    Hàng loạt cây lớn đổ rạp xuống các tuyến phố ở Hà Nội, gây thiệt hại nặng nề cho tài sản của người dân thủ đô trong cơn bão số 3.

    Cơn bão số 3 (hay còn gọi là bão Yagi) được xem là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông. Ngày 3/9, sau khi vào Biển Đông, bão Yagi di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây và Tây – Tây Bắc; đến ngày 5/9, bão tăng 8 cấp trong 48 giờ (từ cấp 8 lên cấp 16, cấp siêu bão). Đây là cơn bão có cường độ tăng nhanh và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, khi áp sát bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng vào chiều ngày 7/9, bão số 3 vẫn giữ cường độ cấp 12-13, giật cấp 15. Thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài đến 12 giờ. Do đó, cơn bão này đã gây ra rất nhiều thiệt hại về người và của cho khu vực miền Bắc nước ta.

    Sau khi bão qua đi, nhân dân miền Bắc tiếp tục hứng chịu hậu quả nặng nề từ lũ lụt. Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, lũ trên sông Thao tại Yên Bái lên cao hơn mức nước lũ lịch sử năm 1968 (34,42m). Các sông ở khu vực phía Bắc bao gồm sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Thương tại Phủ Lạng Thương, sông Lục Nam tại Lục Nam, sông Lô tại Tuyên Quang, sông Hoàng Long tại Bến Đế, sông Thái Bình tại Phả Lại, sông Hồng tại Hà Nội… hầu hết đều đã đạt trên mức Báo động 3.

    Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình và vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối, sạt lở đê kè, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống công trình ven sông tại Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình. Ngoài ra, khu vực vùng núi Bắc Bộ cũng xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc.

    Thống kê, báo cáo của các địa phương cho biết, số người chết và mất tích do bão đã lên tới 400 người, trong đó có cả những em nhỏ mới được 38 ngày tuổi. Các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang… là những tỉnh chịu thiệt hại nhiều nhất về người. Các thành phố lớn như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội.. cũng chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng và cảnh quan. Riêng tại tỉnh Phú Thọ, sự cố sập, trôi cầu Phong Châu trên quốc lộ 32C do ảnh hưởng của bão số 3 vào sáng 9/9 khiến ít nhất 8 người mất tích, đã để lại những nỗi bàng hoàng và sự tiếc thương cho người dân cả nước.

    Về nông nghiệp, ước tính có đến 160.851 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại (tập trung tại Hải Phòng 25.780 ha; Thái Bình 11.000 ha; Hà Nội 27.318 ha…); 30.700 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại (tập trung tại Hải Phòng 2.614 ha; Nam Định 509 ha; Thái Bình 3.345 ha…); 16.243 ha cây ăn quả bị hư hại (tập trung tại Hải Phòng 2.550 ha; Hà Nội 3.924 ha; Bắc Giang 1.927 ha…); 1.610 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (tập trung Quảng Ninh 1.000, Hải Dương 300…). 1.313 con gia súc, 793.755 con gia cầm bị chết (tập trung ở Hải Dương 320.000, Hải Phòng 345.610 gia cầm).

    Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 101.344 nhà ở bị hư hỏng (tập trung Quảng Ninh 70.584, Hải Phòng 13.927, Bắc Ninh 3.450, Lạng Sơn 2.972, Bắc Giang 2.560, Yên Bái 1.754,…); 40.125 nhà bị ngập (Lào Cai: 4.616; Yên Bái: 18.697; Thái Nguyên: 5.000; Hà Giang: 570; Bắc Kạn: 319, Phú Thọ: 3.585; Lạng Sơn: 6.614; Cao Bằng: 579; Hà Nội: 145; Thanh Hóa: 138). Nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…

    Tình trạng mất điện, mất nước cục bộ diễn ra tại nhiều địa phương, cộng với tình trạng ngập lụt, nhiều sân bay và các tuyến đường sắt khu vực phía Bắc ngừng hoạt động, khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, giao thông. Nhiều trường học phải đóng cửa, các bệnh viện quá tải do số người bị thương do bão cùng các bệnh nhiệt đới, các vấn đề sức khoẻ thể chất và tinh thần của người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

    Đây có thể được xem là một trong những tổn thất lớn nhất của đất nước ta trong năm 2024 cũng như trong khoảng một thập kỉ trở lại đây, kể từ sau đại dịch Covid-19.

    1. Sự vào cuộc và chỉ đạo kịp thời từ các cấp chính quyền

    Nhưng hễ có khó khăn, chông gai, là ta tại được thấy sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ và người dân Việt Nam để ứng phó với thiên tai, khắc phục những hậu quả mà cơn bão số 3 gây ra cho nhân dân miền Bắc. Trước những diễn biến nguy hiểm khôn lường của bão Yagi, các bộ, ban, ngành, các cấp lãnh đạo Trung ương đã luôn túc trực, theo dõi sát sao, chỉ đạo kịp thời thông qua việc ban hành các công điện, chỉ thị tới các địa phương, huy động tối đa nguồn lực nhằm đảm bảo người dân vượt qua cơn bão một cách an toàn, sớm ổn định cuộc sống.

    Trước khi cơn bão tiến vào nước ta, các cơ quan khí tượng phối hợp với cơ quan truyền thông đã phát đi thông báo, cảnh báo người dân chuẩn bị, có phương án ứng phó với bão, đồng thời cho sơ tán người dân khỏi các khu vực nguy hiểm, có thể xảy ra sạt lỡ, lũ quét nghiêm trọng. Sáng 7/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trự tiếp đến Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia để kiểm tra tình hình diễn biến bão số 3 đang tiến vào các tỉnh miền Bắc. Chiều 7/9, Cục Hàng không Việt Nam quyết định kéo dài thời gian ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay tại 3 tại Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, Cát Bi và Nội Bài do diễn biến bão phức tạp. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng quyết định bãi bỏ nhiều chuyến tàu từ Hà Nội đi Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vinh (Nghệ An) và Sa Pa (Lào Cai). Không khí chuẩn bị phòng chống bão diễn ra rất khẩn trương trên khắp cả nước, với chủ trương không để bị động khi bão đến, và không bỏ ai lại phía sau.

    Khi cơn bão vừa ập vào đất liền nước ta, ngay trong chiều 9/9, trước thông tin cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) bị sập do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã nhanh chóng cùng Đoàn công tác trực tiếp đến kiểm tra hiện trường, tình hình khắc phục sự cố và thăm hỏi, động viên các nạn nhân trong vụ sập cầu. Ngày 10/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và đích thân dự Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc phát động.

    Cũng ngay tại thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Công điện gửi Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa; Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

    Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị tại văn bản số 11261-CV/VPTW, ngày 9/9/2024, tiếp theo chỉ đạo tại các buổi làm việc kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ nêu trên với mục tiêu đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho Nhân dân là trên hết, trước hết để trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng, với tinh thần khẩn trương nhất, tiếp tục tập trung tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn mất tích; cứu chữa miễn phí cho người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ lo hậu sự chu đáo cho người bị thiệt mạng; tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở; tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở; kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng của nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 12/9/2024; chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ để nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất kinh doanh.

    Sáng 11/9, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã đến thị sát tình hình hồ thủy điện Thác Bà (tỉnh Yên Bái) và kiểm tra công tác vận hành công trình này. Trao đổi với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tỉnh Yên Bái, Giám đốc Thủy điện Thác Bà, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt lưu ý, trong mọi tình huống thì ưu tiên cao nhất luôn là sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Tại cuộc kiểm tra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đến thời điểm này, hồ thủy điện Thác Bà bảo đảm an toàn.

    Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó với cơn bão số 3, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn 4206/BLÐTBXH-CBTXH về việc ứng phó, khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ra. Công văn đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ, cứu chữa người bị thương và tổ chức hỗ trợ, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại do bão số 3 gây ra, nhất là các gia đình có người bị chết, bị thương, mất tích theo quy định của Chính phủ; thực hiện các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ.

    Căn cứ tình hình thiệt hại và điều kiện thực tế của các địa phương, Ban Vận động Cứu trợ Trung ương thống nhất hỗ trợ đợt 1 cho 20 địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra với tổng số tiền là 380 tỷ đồng, theo các mức như sau: Mức 1 (gồm 8 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình) mỗi tỉnh 30 tỷ đồng; mức 2 (gồm 8 tỉnh: Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Bắc Kạn) mỗi tỉnh 15 tỷ đồng, mức 3 (gồm 4 tỉnh: Ninh Bình, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Giang) mỗi tỉnh 05 tỷ đồng.

    Cũng trong khoảng thời gian này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có Công điện 1200/CĐ-BGDĐT gửi Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh/thành phố về việc chỉ đạo công tác khắc phục sau bão số 3 (Yagi). Để nhanh chóng khắc phục hậu quả và sớm ổn định hoạt động dạy và học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó, các địa phương cần lên kế hoạch và triển khai ngay việc sửa chữa cơ sở hạ tầng trường học, đặc biệt ưu tiên các hạng mục có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của giáo viên và học sinh, thực hiện di dời học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học khỏi các khu vực bị hư hại nặng hoặc chưa an toàn, tăng cường phối hợp với các ban ngành địa phương trong việc cứu trợ và khắc phục hậu quả sau bão, đặc biệt là hỗ trợ các gia đình giáo viên, học sinh chịu thiệt hại nặng…

    Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Lương Tam Quang đã chỉ đạo các quân khu và đơn vị trực thuộc triển khai lực lượng, phương tiện (kể cả máy bay trực thăng) tiếp cận bằng được để hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, bánh mỳ, sữa, hàng cứu trợ… cho người dân vùng còn bị chia cắt; hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương.

    Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chỉ đạo các bệnh viện địa phương tập trung cứu chữa người bị thương do bão lũ; kịp thời cung cấp đủ cơ số thuốc, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho người dân tại những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau bão, lũ.

    Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí,… đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định của pháp luật; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật; kịp thời phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất cấp thẩm quyền xuất cấp gạo cho các hộ có nguy cơ thiếu đói theo đúng quy định và thẩm quyền.

    Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tiếp tục chỉ đạo, triển khai kịp thời các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu, thực hiện các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của bão, mưa lũ đối với sản xuất nông nghiệp, khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão, mưa lũ, đồng thời yêu cầu các địa phương tổng hợp nhu cầu, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất nông nghiệp, không để xảy ra thiếu nguồn cung lương thực, thực phẩm trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm 2024 và Tết nguyên đán.

    Cũng liên quan tới an ninh lương thực trong mùa mưa bão, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 953/QĐ-TTg ngày 10/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ 14 địa phương bị ảnh hưởng cơn bão số 3 năm 2024. Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 200 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các Bộ: Công an, Quốc phòng (mỗi Bộ 100 tấn gạo) để cứu trợ cho Nhân dân các địa phương: Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 năm 2024.

    Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh.

    Có thể nói, chính sự chủ động đối phó với bão trong những chỉ đạo của Chính phủ, những lời động viên, an ủi và hành động kịp thời của Đảng, Nhà nước, các cơ quan ban ngành từ Trung ương tới địa phương, tất cả đã tạo ra sự khích lệ lớn, giúp xoa dịu nỗi lo âu và khơi dậy niềm tin vào khả năng phục hồi sau bão của người dân. Cũng giống như thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19 vào năm 2020 – 2021, chính nhờ sự mau chóng, kịp thời của các cấp chính quyền, sự chỉ đạo tập trung, sát sao và những quyết định sáng suốt từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta, mà một lần nữa, những hậu quả của bão Yagi đã được giảm thiểu đáng kể, người dân Việt Nam lại càng củng cố thêm lòng tin yêu, trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, cùng hướng về miền Bắc ruột thịt, tiếp thêm sức mạnh cho vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc thêm mạnh mẽ, kiên cường hơn sau trận bão lịch sử vừa qua.

    1. Tinh thần đoàn kết giúp nhân dân ta vượt qua mọi giông bão

    Bên cạnh sự vào cuộc và chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của các cấp chính quyền, ta còn thấy ngời sáng lên cả tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam giữa cơn bão số 3. Đó chính là cội nguồn sức mạnh lớn nhất giúp chúng ta vượt qua bao chông gai, thử thách trong quá khứ, chiến thắng giặc ngoại xâm, vượt qua những giai đoạn nghèo đói, thiếu thốn, khắc phục thiên tai, dịch bệnh… Và giờ đây, truyền thống cao đẹp ấy tiếp tục được kết nối, nhân rộng thêm trong mùa bão lũ. Đó chính là những chiến sĩ Công an, Quân đội không quản khó khăn, sẵn sàng xông pha vào những khu vực nguy hiểm nhất để cứu giúp những người dân còn đang mắc kẹt; những tấm lòng hảo tâm từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, người ủng hộ vật chất, người đóng góp tinh thần; các tỉnh thành, khu vực cùng chung tay tiếp sức cho miền Bắc vượt qua mất mát, gian truân… Tất cả làm nên một bản hoà ca của tình đoàn kết, của nghĩa đồng bào, một suối nguồn yêu thương chảy mãi trong huyết quản người Việt tự ngàn đời nay.

    Trong trận bão lịch sử này, chúng ta đã được chứng kiến biết bao tấm lòng vàng với tinh thần lá lành đùm lá rách, thể hiện ngay từ những ngày đầu tiên sau khi cơn bão diễn ra. Cụ thể, vào 10/9/2024, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Tại Lễ phát động, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm và các địa phương đã đăng ký ủng hộ với số tiền lên đến trên 407 tỷ đồng. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, người lao động, những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước tham gia ủng hộ một ngày lương trở lên. Các đoàn viên, hội viên, thanh niên, gia đình có mức sống từ trung bình trở lên trên khắp cả nước cũng tiết kiệm chi tiêu và ủng hộ ít nhất 50.000 đồng.

    Mặc dù là hai tỉnh chịu thiệt hại nặng nề do bão Yagi, song thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã có những nghĩa cử cao đẹp đối với các địa phương chịu nhiều thiệt thòi khác. Vào ngày 10/9/2024, sau các cuộc họp, làm việc tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký Công văn số 685/TTg-KTTH gửi Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, qua đó nêu rõ Chính phủ dự kiến hỗ trợ mỗi địa phương 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. Tuy nhiên, với tinh thần tự lực, tự cường, tương thân tương ái, Lãnh đạo thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh báo cáo sẽ chủ động cân đối nguồn lực của địa phương để khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và dành nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương khác khó khăn hơn, cụ thể là các tỉnh miền núi phía Bắc. Riêng tỉnh Quảng Ninh còn trích 180 tỷ đồng ngân sách của tỉnh để ủng hộ người dân gặp khó khăn do bão Yagi tại các tỉnh thành khác. Nghĩa cử cao đẹp, tinh thần chủ động, trách nhiệm, tự lực, tự cường này đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao.

    Tại khu vực phía Nam, các hoạt động quyên góp, ủng hộ thông qua Mặt trận Tổ quốc các cấp và các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… cũng diễn ra rất sôi nổi với tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”, người có của góp của, người có công góp công, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, ngày 11/9, nhiều tỉnh, thành và các đơn vị doanh nghiệp phía Nam đã tổ chức phát động quyên góp ủng hộ, giúp đỡ đồng bào các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Chiều 10/9, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, phát huy tinh thần tương thân tương ái, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh ủng hộ 120 tỉ đồng để cùng chung tay giúp đỡ đồng bào các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ra. Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học cho biết ngay trong sáng 11/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức họp và thống nhất chủ trương trích từ Quỹ dự phòng của tỉnh 12 tỷ đồng, cộng thêm khoản tiền ủng hộ từ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động mỗi người ít nhất 1 ngày lương, Lâm Đồng sẽ gửi khoảng 20 tỷ đồng để chia sẻ với các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại bởi bão Yagi…

    Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể không nhắc đến các cá nhân với những khoản quyên góp lớn cho đồng bào chịu thiệt hại do bão Yagi, đặc biệt là các văn nghệ sĩ. Tính đến ngày 11/9, có hơn 30 sao Việt công khai việc ủng hộ đồng bào bị bão lũ. Ca sĩ Hà Anh Tuấn ủng hộ 1 tỷ đồng, Mỹ Tâm 200 triệu đồng, nhóm nhạc LUNAS 150 triệu đồng, Lê Dương Bảo Lâm 100 triệu đồng, Hòa Minzy 500 triệu đồng, Ca sĩ Tùng Dương 500 triệu đồng, Hoa hậu Phương Lê 500 triệu đồng, Midu 100 triệu đồng, Đức Phúc ủng hộ 100 triệu đồng. Thay mặt đoàn phim Hai Muối, nghệ sĩ Quyền Linh đã trao hỗ trợ 200 triệu đồng cho UBMTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa… Youtuber Quang Linh Vlogs cũng thông báo, anh và Team châu Phi sẽ ủng hộ 300 triệu đồng để khắc phục sau bão Yagi, thông qua Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam – Ban Cứu trợ TW.

    Đặc biệt, có những tâm sự và những thông điệp hết sức xúc động đã được những người ủng hộ lan toả đi cùng với số tiền ủng hộ. Đó là câu chuyện của GS.TS Lê Ngọc Thạch – giảng viên thỉnh giảng Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), người đã cầm cuốn sổ tiết kiệm 1 tỉ đồng đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ vào sáng ngày 10/9 để gửi “chút yêu thương” cho đồng bào miền Bắc đang chịu thiệt hại bởi bão lũ. GS Thạch cho biết, sổ tiết kiệm này ông để dành từ tiền hưu trí, tiền đi dạy và cả tiền viết sách suốt nhiều năm qua. Ông tâm sự hiện tại đang sống một mình nên không chi tiêu nhiều, vì “ngồi nhà xem tình hình mưa bão mấy ngày qua chịu không nổi, thấy xót xa cho bà con ngoài đó quá” nên ngay khi thấy báo Tuổi Trẻ phát động chương trình ủng hộ, ông lập tức muốn hưởng ứng luôn mà không một chút đắn đo.

    Có thể nói, sự đoàn kết, lòng nhân ái, và tinh thần sẻ chia đã giúp chúng ta không chỉ vượt qua cơn bão số 3 mà còn khẳng định sức mạnh của những giá trị nhân văn tốt đẹp, quý báu trong truyền thống dân tộc, là cội nguồn sức mạnh để chúng ta tiếp tục xây dựng một cộng đồng vững mạnh, một tương lai tươi sáng cho tất cả mọi người dân Việt Nam. PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH TP Hà Nội cũng cho rằng, cơn bão số 3 là một trong những thảm họa lớn nhất gần đây, một lần nữa thử thách tinh thần và ý chí của người dân Việt Nam. “Song khi đối diện với thách thức từ cơn bão số 3, tôi thấy rằng, những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam như lòng nhân ái và tinh thần đoàn kết đã được thể hiện một cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn nữa”.

    Trước hết, cơn bão số 3 đã chứng minh rằng tinh thần đoàn kết, một giá trị cốt lõi trong văn hóa Việt Nam, không chỉ là lý thuyết mà là thực tiễn sống động. Các cá nhân và tổ chức đã không ngần ngại dấn thân vào vùng bão lũ để cứu trợ, giúp đỡ những người gặp nạn. Khi cơn bão tấn công, người dân đã nhanh chóng tổ chức cứu trợ, hỗ trợ lẫn nhau mà không phân biệt địa phương hay hoàn cảnh. Hình ảnh những chiếc ô tô đi chậm lại để che chắn cho xe máy khỏi bị ảnh hưởng bởi bão trên cầu Nhật Tân (Hà Nội), hay hình ảnh một chiếc ô tô lùi lại đón một phụ nữ gặp nạn đang bơ vơ ven đường ở Hải Phòng, các khách sạn hay các hộ gia đình tại Hà Nội dành riêng một căn phòng trống trong nhà mình, dọn dẹp sạch sẽ và treo biển mời bà con cơ nhỡ đến tá túc qua bão…

    Những hình ảnh cảm động ấy chính là biểu tượng của tình người ấm áp, lòng trắc ẩn và tình yêu thương sâu sắc, dào dạt trong lòng dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã trưởng thành, kinh qua bao phen binh lửa, giông bão với triết lý “thương người như thể thương thân”, nơi mỗi người đều coi sự an toàn và hạnh phúc của người khác như chính bản thân mình. Sự nhân ái này không chỉ giúp giải quyết các vấn đề cấp bách mà còn truyền cảm hứng, tạo ra một cộng đồng gắn bó và yêu thương, một bức tranh toàn diện về tinh thần tương thân tương ái. Một lần nữa, dân tộc Việt Nam có thể tự hào khẳng định rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tinh thần đoàn kết vẫn là giá trị then chốt giúp dân tộc ta “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

    Bên cạnh đó, qua cơn bão lịch sử này, chúng ta cũng nhận thấy, sự tự giác và trách nhiệm của từng cá nhân trong cộng đồng đã được thể hiện mạnh mẽ và là một nhân tố quyết định giúp . Không những có sự chung tay từ cộng đồng, mà việc mỗi người dân ngày càng có ý thức, chủ động tham gia vào các hoạt động cứu trợ, hỗ trợ, thể hiện tinh thần tự nguyện và trách nhiệm cao, cũng đã tạo ra động lực quan trọng giúp đẩy lùi những thiệt hại sau bão một cách nhanh nhất. Đây vừa là một phản ứng tích cực trước thiên tai, vừa là sự khẳng định rằng các giá trị truyền thống như sự tôn trọng cá nhân đi kèm với trách nhiệm cộng đồng vẫn được duy trì và phát huy trong các tình huống khẩn cấp.

    Như vậy, những thảm họa thiên nhiên như cơn bão số 3 nhắc nhở chúng ta rằng, các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam không phải là những điều xa vời mà chính là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái để duy trì sự hòa hợp, tạo ra những kết nối bền vững trong cộng đồng. Khi tinh thần ấy phát huy một cách sống động vào thực tiễn đời sống, chúng ta không những đã vượt qua được những thử thách cam go trong quá khứ, hiện tại, mà sẽ còn xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.

    Đại dịch Covid-19 đi qua, giờ đây lịch sử một lần nữa lặp lại với cơn bão số 3 – Yagi, song nhân dân Việt Nam vẫn không hề nao núng, bởi chính nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, mà dân tộc ta tiếp tục giữ vững được tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn để nhanh chóng ổn định lại cuộc sống, tiếp tục đưa đất nước tiến đến đài vinh quang như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

    T.P

    RELATED ARTICLES

    Tin mới