Bộ trưởng Môi trường Zimbabwe cho biết quốc gia này có nhiều voi hơn mức cần thiết, và buộc phải tiêu hủy chúng.
Mới đây, Cơ quan quản lý động vật hoang dã của Zimbabwe cho biết quốc gia này sẽ tiêu hủy 200 con voi sống trong tự nhiên.
Nguyên nhân là bởi Zimbabwe đang đối mặt với đợt hạn hán chưa từng có, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực. Trong bối cảnh này, một phần protein từ thịt voi sẽ là nguồn cung cấp quan trọng.
Bên cạnh đó, đây cũng là một động thái nhằm giải quyết tình trạng gia tăng nhanh chóng của quần thể voi tại Zimbabwe.
“Chúng tôi có nhiều voi hơn mức cần thiết, và bắt đầu quá trình tiêu hủy để đảm bảo sự cân bằng”, Sithembiso Nyoni, Bộ trưởng Môi trường Zimbabwe, cho biết trong một thông báo.
Được biết, những con voi bị giết sẽ được sấy khô thịt, sau đó đóng gói, rồi chuyển tới các cộng đồng cần nguồn protein này.
Tuy vậy, động thái săn bắt voi để lấy thực phẩm đã đón nhận nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, một phần lời chỉ trích cho rằng loài động vật này là đối tượng thu hút chính của khách du lịch.
Nói cách khác, voi có lợi nhuận cao hơn khi chúng còn sống so với khi chết. Không chỉ vậy, hành động giết voi để lấy thịt còn đối mặt nguy cơ bị khách du lịch tẩy chay vì lý do đạo đức.
Các nhà bảo tồn và nhóm bảo vệ quyền động vật Peta đã lên án chiến dịch tiêu hủy voi là thiển cận, tàn ác và không hiệu quả.
Tuy nhiên, những người theo trường phái ủng hộ việc tiêu hủy voi cho rằng, việc quần thể voi liên tục gia tăng theo cấp số nhân đã gây tổn hại đến hệ sinh thái và môi trường sống.
Do đó, việc hạn chế bớt số lượng của loài này là việc làm cần thiết, nhằm mang lại lợi ích cho các quần thể khác, bao gồm cả người dân bản địa.
Zimbabwe hiện là nơi sinh sống của khoảng 100.000 con voi, với quần thể voi lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Botswana.
Trong đó, khu bảo tồn Hwange là nơi sinh sống của 65.000 con voi, gấp hơn 4 lần sức chứa về mặt lý thuyết của nó.
Bên cạnh Zimbabwe, thì quốc gia láng giềng Namibia cũng đã giết hơn 160 động vật hoang dã trong tháng này để đối phó với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Lần gần nhất Zimbabwe phải tiêu hủy voi là vào năm 1988.
T.P