Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSabin: khó rồi, Philippines?

Sabin: khó rồi, Philippines?

Có câu hỏi này nghĩa là trước đó, rạn san hô mang tên Sabin từng là một điểm nóng? Đúng vậy. Không chỉ là điểm nóng, mà rất nóng với những diễn biến căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc.

Một thủy thủ tàu BRP Teresa Magbanua được đưa xuống sau khi tàu cập cảng ở tỉnh Palawan, Philippines ngày 15/9

Nguyên nhân căng thẳng tại khu vực bãi cạn Sabin là tranh chấp chủ quyền. Việt Nam – bên “cứng lý” hơn với việc Sabin nằm trong vòng cung quần đảo Trường Sa mà họ có nhiều bằng chứng lịch sử và pháp lý, gần như chỉ đóng vai trò “quan sát viên”. Thi thoảng, mỗi khi có chuyện, Hà Nội lại cho phát ngôn viên Ngoại giao lên đài lên báo tái khẳng định chủ quyền đối với Sabin, đồng thời, “thòng” theo điều mà cánh báo chí hầu hết đã thuộc lòng: “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông…”

Ngôn từ kiểu đó cấm có thể sai. Nhưng bảo rằng, nhờ đó mà nhiệt tranh chấp căng như dây đàn tại Sabin thì…khó ai tin lắm.

Nửa năm qua, diễn biến căng thẳng ở Sabin chủ yếu diễn ra giữa Philippines và Trung Quốc, Hai bên “gườm” nhau từng li từng tý, trong mọi động thái. Vì đó, một số nhà phân tích chưa phải lúc bi quan nhất, từng hoang mang: Sabin có thể thành một Cỏ Mây nếu tình hình tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu. Đồng thời, họ cũng thấy được nguyên nhân khiến Trung Quốc dồn ép Philippines bởi bãi cạn này là nơi tập trung của các tàu thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho quân đội Philippines đồn trú trên con tàu cũ BRP Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây (thuộc quân đảo Trường Sa của Việt Nam).

Sabin bắt đầu căng thẳng từ nửa đầu tháng 5 năm nay. Thời điểm đó, cùng với việc tố cáo Bắc Kinh triển bất chấp luật lệ, triển khai rầm rộ việc nghiền và đổ san hô nhằm bồi đắp một đảo nhân tạo trong khu vực bãi cạn Sabin (mà Philippines gọi là Escoda), lực lượng tuần duyên của Philippines (PCG), đã tuyên bố họ sẽ làm mọi cách để ngăn chặn hành động của Trung Quốc.

Manila không nói cụ thể, nhưng dư luận thấy ngay họ đang lo ngại một kịch bản tương tự như Scaborough, hoặc Cỏ Mây được Trung Quốc áp dụng tại Sabin. Cùng với tố cáo, PCG đã phải hối hả triển khai một tàu, rồi sau đó, thêm hai tàu nữa, tới khu vực ví như một “công trường lớn” mà các quân nhân, công nhân cùng các loại máy móc hiện đại của Trung Quốc đang vận hành hổi hả bất chấp lo ngại của dư luận quốc tế và phản đối của Việt Nam, Philippines…

Sự lặng thinh của Bắc Kinh khiến Manila quyết liệt hơn, bằng cách triển khai tàu BRP Teresa Magbanua đến bãi cạn Sa Biden để giám sát. Đây là một trong những tàu lớn nhất của tuần duyên Philippines do Nhật Bản chế tạo, lượng choán nước hơn 2.300 tấn, dài 96,6m. Tới lúc này, thay vì lặng thinh như trước kia, Bắc Kinh lên tiếng cáo buộc Manila có ý đồ sử dụng bất hợp pháp một con tàu cũ để chiếm giữ một khu vực bãi cạn mà họ không có chủ quyền, như đã làm ở bãi cạn Cỏ Mây.

Những động thái quyết liệt của hai bên đã đẩy tình hình căng thẳng khu vực Sabin lên nấc thang mới. Cùng với cáo buộc Manila, Bắc Kinh yêu cầu Philippines phải kéo con tàu cũ khỏi bãi cạn, cảnh báo rằng: “Hải cảnh Trung Quốc sẽ thực hiện những biện pháp cần thiết nhằm kiên quyết ngăn chặn các hành vi khiêu khích, quấy rối và xâm phạm, cũng như kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải của đất nước”.

Manila cũng cứng rắn không kém. Đáp lại, đại diện lãnh đạo Văn phòng quan hệ công chúng của quân đội Philippines, đại tá Xerxes Trinidad, đã dẫn lợi lời nhà lãnh đạo tối cao Philippines – Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr: “Chúng tôi sẽ không nhượng bộ một tấc lãnh thổ nào của mình”, và cho biết: Quân đội Philippines đã có kế hoạch đối phó nếu Trung Quốc liều lĩnh tìm mọi cách di dời tàu BRP Teresa Magbanua.

Tuy nhiên, ngay thời điểm đó, những tuyên bố đanh thép của Văn phòng quan hệ công chúng của quân đội Philippines bị không ít người nhận định là “không mấy thuyết phục và khả thi”. Ngay cả Mỹ – đồng minh có Hiệp ước phòng thủ chung với Philippines “áp dụng cho bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay của Philippines trên Biển Đông”, cũng tỏ ra dè dặt trong việc bảo vệ người bạn Đông Nam Á của mình.

Có thể thời điểm này, khi đang phải căng mình trên nhiều mặt trận, Washington ngại thật sự một cuộc va chạm với một “đối thủ xứng tầm” là Trung Quốc. Chỉ tới ngày 31/8, khi Manila tố Bắc Kinh cho tàu “cố tình” đâm vào tàu Philippines, Mỹ mới mạnh miệng hơn chút ít, rằng: Washington coi đây như một hành động “leo thang và vô trách nhiệm”. Thậm chí, ông Ray Powell – cựu sĩ quan không quân Mỹ, mới đây đã nói trên kênh ABS-CBN News rằng Bắc Kinh có thể điều tàu hải cảnh lớn để vô hiệu hóa tàu Philippines và kéo nó (tức tàu cũ BRP Teresa Magbanua) ra khỏi khu vực này.

Với diễn biến đó, khi vụ “đống sắt rỉ” (tức con tàu cũ BRP Sierra Madre của Philippines) ở bãi cạn Cỏ Mây vừa có chiều dịu xuống, thì BRP Teresa Magbanua nổi lên, thành một điểm thử thách mới cho quyết tâm của Trung Quốc và Philippines: một bên quyết giữ, một bên quyết đòi phải dời di.

Trong khi dư luận đang hồi hộp, lo lắng, thì bỗng, ngày 15/9, Manila xác nhận đã rút tàu tuần duyên BRP Teresa Magbanua của PCG khỏi bãi Sabin sau 5 tháng triển khai, về cảng ở tỉnh Palawan.

Manila thông báo việc rút tàu BRP Teresa Magbanua không phải vì sức ép của Bắc Kinh, mà để sửa chữa, và vì nhu cầu y tế của thủy thủ đoàn. Tuy nhiên, một số nhà quan sát đang không khỏi lo thay cho Philippines rằng: rút về thì dễ, nhưng đưa nó trở lại: khó đấy, khi Trung Quốc đã rắp tâm.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới