Sunday, September 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChuyến công du Mỹ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô...

Chuyến công du Mỹ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có ý nghĩa gì?

Chuyến công tác tới Mỹ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là dịp để khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.

Sáng 21.9.2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân rời Thủ đô Hà Nội, lên đường công du Mỹ.

Ngày 21.9.2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã lên đường tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79 và làm việc tại Mỹ.

Đây là chuyến công tác tham dự hoạt động đối ngoại đa phương và làm việc tại Mỹ đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trên cương vị mới. Đây cũng là lần đầu tiên một Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ta tham dự trực tiếp các phiên họp cấp cao tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Do đó, chuyến công tác có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.

Việt Nam là đối tác tin cậy của Liên Hợp Quốc

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong gần 50 năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc đang phát triển tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu, không ngừng được củng cố và tăng cường.

Trong các giai đoạn tái thiết đất nước, phục hồi sau chiến tranh đến phá bao vây cấm vận và từng bước hội nhập quốc tế, chúng ta đều có sự đồng hành, giúp đỡ của Liên Hợp Quốc. Gần đây nhất, trong giai đoạn ứng phó với đại dịch COVID-19, Liên Hợp Quốc đã kịp thời hỗ trợ Việt Nam sớm kiểm soát đại dịch và phục hồi kinh tế.

Việt Nam trở thành một đối tác tin cậy, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế cũng như của Liên Hợp Quốc. Chúng ta tham gia ngày càng chủ động, tích cực, đóng góp ngày càng thực chất, sâu rộng cả về ý tưởng, con người, nguồn lực trên tất cả các lĩnh vực hoạt động trụ cột của Liên Hợp Quốc về gìn giữ hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển; trong đó, có thể kể đến việc đi đầu thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ từ những năm 2000 và hiện đang tích cực triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững, tham gia tích cực vào các ưu tiên lớn của Liên Hợp Quốc về hoà bình, phát triển và bảo đảm quyền con người…

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế tín nhiệm và đặt nhiều kỳ vọng, đã và đang đảm nhiệm thành công nhiều vị trí quan trọng tại Liên Hợp Quốc.

Lãnh đạo Liên Hợp Quốc luôn đánh giá cao vai trò và đóng góp của Việt Nam và mong Việt Nam tiếp tục đóng vai trò ngày càng tích cực hơn nữa trên các lĩnh vực ưu tiên của Liên Hợp Quốc.

Quan hệ Việt – Mỹ phát triển tích cực

Về quan hệ Việt Nam – Mỹ, sau một năm triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác giữa hai nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực ở một số lĩnh vực sau:

Thứ nhất, các hoạt động tiếp xúc và trao đổi đoàn diễn ra sôi động ở tất cả các kênh, các cấp. Bên cạnh việc duy trì các cơ chế đối thoại thường niên đã có, hai bên đã khởi động thành công các cơ chế đối thoại thường niên mới như Đối thoại Bộ trưởng Ngoại giao, Đối thoại Kinh tế và Đối thoại An ninh và Thực thi pháp luật, qua đó, cụ thể hóa các cam kết của hai bên trong Tuyên bố chung năm 2023.

Thứ hai, kinh tế – thương mại – đầu tư tiếp tục là xung lực quan trọng cho quan hệ hai nước. Kim ngạch thương mại song phương 8 tháng đầu năm 2024 đạt gần 88 tỉ USD, tăng 22%. Nhiều doanh nghiệp lớn của hai nước tích cực mở rộng đầu tư vào thị trường của nhau, tạo thế đan xen lợi ích bền chặt.

Thứ ba, hợp tác an ninh – quốc phòng tiếp tục được triển khai hiệu quả, trong đó, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục là ưu tiên và là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước, đạt được nhiều kết quả thực chất; hợp tác an ninh và thực thi pháp luật ngày càng được tăng cường…

Thứ tư, hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các cơ chế, diễn đàn đa phương quan trọng cũng như hợp tác thực chất nhằm ứng phó với các vấn đề toàn cầu.

Bên cạnh đó, với những vấn đề còn khác biệt, hai bên sẽ tiếp tục tăng cường đối thoại trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng và quan tâm đến các lợi ích chính đáng của nhau – Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới