Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNga cảnh báo đanh thép đề xuất của Ba Lan về Crimea

Nga cảnh báo đanh thép đề xuất của Ba Lan về Crimea

Nga đã phản ứng mạnh mẽ trước đề xuất của Ba Lan về việc đặt bán đảo Crimea dưới sự quản lý của Liên hợp quốc trong 20 năm.

“Lãnh thổ và các khu vực của Nga không thể là chủ đề của bất kỳ cuộc thảo luận nào hoặc chuyển giao cho bất kỳ ai”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 20/9.

Người phát ngôn Điện Kremlin cho rằng đề xuất của Ba Lan về việc đặt Crimea dưới sự ủy nhiệm của Liên hợp quốc để tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai về tình trạng của khu vực này sau 20 năm là “vô lý”.

Trước đó, tại cuộc họp ở thủ đô Kiev của Ukraine, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski đề xuất chuyển giao bán đảo Crimea theo lệnh của Liên hợp quốc để “chuẩn bị cho một cuộc trưng cầu dân ý công bằng” về tình trạng của bán đảo.

Ông Sikorski nhấn mạnh rằng Crimea có ý nghĩa biểu tượng quan trọng đối với Nga và Tổng thống Vladimir Putin. Nhưng Crimea cũng có giá trị chiến lược đối với Ukraine.

“Do đó, tôi không thấy họ có thể đạt được thỏa thuận như thế nào nếu không phi quân sự hóa Crimea. Chúng ta có thể chuyển giao nó theo lệnh của Liên hợp quốc với nhiệm vụ chuẩn bị một cuộc trưng cầu dân ý công bằng sau khi xác minh những người cư trú hợp pháp là ai…”, ông nói, đồng thời nhấn mạnh thủ tục này có thể kéo dài trong 20 năm.

Bộ Ngoại giao Ukraine cũng đã công khai bác bỏ đề xuất này, nhấn mạnh rằng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine “không thể là chủ đề để thảo luận hoặc thỏa hiệp”.

Ngoại trưởng Sikorski đã nói rõ rằng những phát biểu của ông về khả năng Crimea sẽ trở lại Ukraine thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, điều khiến Kiev không hài lòng, là một phần của “cuộc thảo luận mang tính giả thuyết”.

Ông Sikorski nhấn mạnh rằng Ba Lan ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine: “Đó là điều chắc chắn và tôi đã nhiều lần nhấn mạnh điều này”.

“Tuy nhiên, đã có một cuộc thảo luận giả định không chính thức giữa các chuyên gia tại hội nghị, trong đó chúng tôi xem xét cách thực hiện các đề xuất của chính Tổng thống Zelensky về cách giành lại Crimea. Ông ấy đã nói về các biện pháp ngoại giao”, nhà ngoại giao Ba Lan nói thêm.

Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea ở phía nam Ukraine vào năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Sau khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022, Nga tiếp tục tuyên bố sáp nhập các khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia ở Ukraine.

Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng không có vùng lãnh thổ nào trong số này có thể được đưa ra đàm phán. Nga cho đến nay chưa kiểm soát hoàn toàn các vùng lãnh thổ đã tuyên bố sáp nhập, trong khi Ukraine và phương Tây phản đối động thái của Moscow.

Giới chức Ukraine nhiều lần tuyên bố sẽ giành lại bán đảo Crimea. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định, xung đột bắt đầu ở Crimea thì cũng sẽ kết thúc ở Crimea, ngầm ý rằng Kiev sẽ bằng mọi cách giành lại quyền kiểm soát bán đảo này từ Nga.

Ông Zelensky cũng đưa ra công thức hòa bình 10 điểm trong đó có điều kiện yêu cầu Nga rút toàn bộ quân, bồi thường chiến tranh, khôi phục đường biên giới lãnh thổ năm 1991 của Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea. Moscow khẳng định luôn để ngỏ đàm phán với Kiev nhưng với điều kiện Ukraine phải “chấp nhận tình hình thực tế”.

Bán đảo Crimea liên tục trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bằng phương tiện không người lái và tên lửa của Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở nước láng giềng. Thành phố cảng Sevastopol, nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen Nga ở Crimea, cũng bị tấn công bằng máy bay không người lái và xuồng cảm tử.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới