Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCái khó của ông Hun Sen

Cái khó của ông Hun Sen

Thế là đúng vào ngày 20/9, Campuchia đã tuyên bố rút ra khỏi Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia (CLV-DTA). Thật buồn, dịp này lại đúng vào lúc ba nước chuẩn bị kỷ niệm 25 năm ra đời “Tam giác” này.

Đương nhiên, Việt Nam và Lào sẽ rất thất vọng, thậm chí là trở tay không kịp. Tam giác mà rút đi một “cạnh” thì chỉ còn hai đoạn thẳng. Buồn một nỗi, chính cái sáng kiến hình thành vùng kinh tế đặc biệt ba nước là do Hun Sen đề xuất vào năm 1999, khi ông đương kim Thủ tướng Campuchia. Cách đây mấy hôm Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam còn tuyên bố về tầm quan trọng và bước phát triển trong tương lai của sáng kiến hợp tác này.

Vùng kinh tế đặc biệt gồm 13 tỉnh. Campuchia có 4 tỉnh ở phía Đông bắc: Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri, Kratié. Lào có 4 tỉnh ở miền Nam: Attapeu, Salavan, Sekong, Champasak. Việt Nam có 5 tỉnh ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ: Kon Tum, Gia Lai, Đác Lác, Đác Nông và Bình Phước.

Hơn ai hết, ông Hun Sen hiểu rất rõ rằng, từ khi hình thành Tam giác phát triển đến nay, Campuchia đã hưởng rất nhiều nguồn lợi. 4 tỉnh trong vùng kinh tế đặc biệt này đã có bước tăng trưởng kinh tế rất nhanh chóng. Các tỉnh Mondulkiri và Ratanakkiri không có đường bộ kết nối với nhau nên phụ thuộc vào Việt Nam. Về nguồn điện cũng như thế, cả 4 tỉnh đều dựa vào nguồn điện của Việt Nam và Lào. Ngoài ra còn các lợi ích khác về dịch vụ y tế, du lịch, v.v..

Đang yên hàn sao 4 tỉnh của Campuchia lại phải ra “ở riêng”? Tại sao ông Hun Sen, người viết giấy khai sinh cho những người con của mình lại phải tách chúng ra khỏi gia đình lớn? Ở đây có hai khả năng xảy ra. Một là , ông bị sức ép, buộc phải làm như thế để hóa giải sự chống đối của các thế lực thù địch trong nước và nước ngoài. Hai là, ông có những tính toán khác có lợi cho đất nước mình hơn, khi mà Campuchia đã có chỗ dựa mới (!).

Theo lý giải của cha con ông Hun Sen thì lúc này các phe chống đối đang kích động hận thù dân tộc. Vì thế cần phải “dập khói, dập cả lửa”. Nghĩa là giải quyết tiệt nọc tình trạng chống đối này thì mới bảo đảm ổn định lâu dài cho đát nước.

Cụ thể trong thời gian qua, ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa đã âm ỉ cháy, có lúc bùng lên dữ dội. Những ngày gần đây tại Nhật Bản, Hàn Quốc đã các phần tử chống đối đã kích động người dân gốc Campuchia biểu tình. Lực lượng đối lập tiếp tục luận điệu cũ rích rằng, Campuchia đã “bán đất” cho Việt Nam khi tham gia CLV-DTA. Chúng còn đòi chính quyền Pnom Pênh phải đòi lại các vùng đất đã bị Việt Nam lấy đi, trong đó có đảo Phú Quốc (Campuchia gọi là đảo Koh Tral).

Tại Phnom Pênh hàng chục người chuẩn bị biểu tình đã bị phát hiện, bắt giữ. Mục tiêu của những người này là lật đổ chính phủ vì đã bỏ qua lợi ích dân tộc, bán mình cho quỷ” (!).

Ông Hun Sen tuyên bố: “Những kẻ cực đoan đã sử dụng tam giác phát triển này làm công cụ để vu khống và công kích chính phủ. Chúng liên tục nói dối, xuyên tạc sự thật, khiến người dân hiểu nhầm”. Vì lý do đó, chính quyền Pnom Pênh buộc phải tìm cách dập lửa, tức là tước vũ khí khỏi tay những kẻ cực đoan, chống đối.

Không thể nói là những kẻ chống đối chung chung. Thật ra đó là các tổ chức, phe phái đối lập, hoạt động có bài bản với âm mưu chống phá quyết liệt Đảng và Nhà nước Campuchia. Trong các phe phái này đứng đầu là Sam Rainsy – lãnh đạo Đảng “Cứu nguy Dân tộc” (đã bị chính quyền giải tán). Sam Rainsy đã nhiều năm dẫn dắt các hoạt động thù địch chống phá chính quyền của ông Hun Sen, với lời buộc tội “Hun Sen là tay sai Việt Nam, làm ngơ để Việt Nam chiếm đất”.

Trong hoàn cảnh lửa cháy hai đầu, cha con ông Hun Sen buộc phải tính con bài dập lửa nhanh nhất. Bức thư hôm 20/9 của Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Campuchia Sok Chenda Sophea gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khôn khéo nói rằng: “Sau khi xem xét cẩn trọng và đánh giá về bước tiến của chúng ta, chúng tôi kết luận rằng khuôn khổ hợp tác đã đạt được các mục tiêu đề ra. Tại thời điểm này, chúng tôi tin rằng mỗi nước đều hoàn toàn có khả năng và tiếp tục bảo đảm sự phát triển ấy một cách độc lập theo góc độ của mình”.

Phải ghi nhận rằng, trước khi cầm lòng rút khỏi Tam giác phát triển, chính quyền Phnom Pênh đã có nhiều giải tuyên truyền tích cực để người dân hiểu đúng,tránh bị kích động. Hồi đầu tháng 9, Thủ tướng Hun Manet đã triển khai sáng kiến đưua hàng trăm người dân đến tham quan, tận mắt thấy sự phát triển ngoạn mục kinh tế vùng biên giới Đông bắc nước này.

Thế nhưng, trước nhiều sức ép, có thể xem như giải pháp rút lui đột ngột khỏi CLV-DTA là một bước tạm lùi của ông Hun Sen.

Dù kẻ xấu có xuyên tạc, kích động đến đâu thì những người dân yêu nước xứ sở Chùa Tháp cũng luôn luôn ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình chí nghĩa của Việt Nam đã cứu dân tộc này khỏi họa diệt chủng của bọn Khme Đỏ những năm 70 thế kỷ 20. Khi còn là Thủ tướng Campuchia ông Hun Sen từng khẳng định: “Nếu không có ngày 7/1/1979, nhân dân Campuchia chúng tôi cũng không thể có được những gì trong ngày hôm nay. Đây là chân lý lịch sử không một thế lực phản động nào có thể phủ nhận”.

Và nếu không có Tam giác phát triển ra đời cách đây 20 năm thì cuộc sống của người dân vùng Đông bắc đâu có được no ấm, hạnh phúc như hôm nay.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới