Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNga bác tối hậu thư, nêu điều kiện giải quyết xung đột...

Nga bác tối hậu thư, nêu điều kiện giải quyết xung đột Ukraine

Quan chức Nga tuyên bố sẽ không thể có một giải pháp công bằng và lâu dài cho cuộc xung đột ở Ukraine nếu không tính đến lợi ích của Moscow.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova

“Không thể đạt được một giải pháp công bằng và lâu dài nếu không có sự tham gia của Nga và tính đến lợi ích của Nga. Nhưng Kiev và phương Tây không quan tâm đến hòa bình. Họ cần chiến tranh”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết trong bài bình luận được đăng tải trên trang web của bộ hôm 21/9.

“Cuộc xâm nhập của quân đội Ukraine vào tỉnh Kursk và đề nghị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa của NATO là bằng chứng cho điều này. Đây là sự tiếp diễn của chủ nghĩa khủng bố chống lại người dân đất nước chúng tôi. Chúng tôi sẽ không đàm phán với những kẻ khủng bố”, bà Zakharova tuyên bố.

Đề cập đến tuyên bố của Tổng thống Zelensky, người đã hết nhiệm kỳ tổng thống vào tháng 5, rằng hội nghị hòa bình thứ hai về Ukraine có thể được tổ chức vào tháng 11 tới với sự tham dự của các đại diện Nga, bà Zakharova cho biết: “Những tuyên bố của ông Zelensky “quá hạn nhiệm kỳ” chỉ là suy nghĩ viển vông”.

Nhà ngoại giao Nga giải thích rằng các đại diện của Nga “chưa tham gia bất kỳ cuộc họp nào trong khuôn khổ “quy trình Burgenstock” và sẽ không tham gia bất kỳ hội nghị nào”. Hội nghị hòa bình đầu tiên về Ukraine được tổ chức vào ngày 15-16/6 tại Burgenstock, Thụy Sĩ theo yêu cầu của Kiev. Nga không được mời tham dự hội nghị này.

“Quy trình này không liên quan đến việc giải quyết xung đột. Đây lại là một biểu hiện gian lận khác của phương Tây và “con rối” Ukraine của họ. Cái gọi là hội nghị thượng đỉnh thứ hai theo đuổi cùng một mục tiêu – thúc đẩy “công thức Zelensky” như một cơ sở để giải quyết xung đột dù không khả thi, để đạt được sự ủng hộ của phần lớn thế giới đối với công thức này và thay mặt họ giải quyết vấn đề với Nga bằng tối hậu thư đầu hàng”, bà Zakharova nói.

Bà Zakharova nhắc lại rằng Nga sẽ không tham gia bất kỳ “hội nghị thượng đỉnh” nào như vậy. Đồng thời, Nga không từ bỏ giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.

“Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về các đề xuất thực sự nghiêm túc có tính đến tình hình “trên thực địa”, thực tế địa chính trị mới hình thành và sáng kiến có liên quan do Tổng thống Vladimir Putin đưa ra vào ngày 14/6″, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Tổng thống Putin đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nước này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ sáng kiến này. Tổng thống Zelensky cũng đưa ra “công thức hòa bình” 10 điểm, trong đó có điều khoản yêu cầu Nga rút hết quân, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine. Kiev coi đây là nền tảng cho bất cứ cuộc hòa đàm nào với Moscow.

Ông Putin nhiều lần khẳng định Tổng thống Zelensky không còn là lãnh đạo hợp pháp của Ukraine. Theo quy định của hiến pháp Ukraine, nhiệm kỳ của Tổng thống Zelensky chấm dứt từ ngày 21/5.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới