Saturday, January 4, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNga tấn công tàu chở vũ khí phương Tây đến Ukraine

Nga tấn công tàu chở vũ khí phương Tây đến Ukraine

Nga tuyên bố các máy bay chiến đấu, tên lửa, máy bay không người lái của nước này tiếp tục nhắm đến các kho vũ khí, hạ tầng năng lượng Ukraine.

Trong thông cáo phát đi ngày 21/9, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các máy bay chiến đấu, máy bay không người lái (UAV), tên lửa và lực lượng pháo binh của Nga đã phá hủy 2 kho đạn của Ukraine và “tấn công một tàu chở tên lửa, đạn dược phương Tây cung cấp cho Ukraine.

Moscow không cho biết con tàu bị hư hại nặng nề như thế nào cũng như nơi xảy ra vụ tấn công, dù Ukraine chủ yếu dựa vào tuyến đường Biển Đen và sông Danube để tiếp nhận các chuyến hàng từ đường biển.

Ngoài ra, lực lượng Nga cũng tấn công bằng vũ khí có độ chính xác cao và UAV vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine liên kết với khu phức hợp công nghiệp quốc phòng cũng như các xưởng sản xuất UAV và khu vực triển khai quân sự.

“Mục tiêu của cuộc tấn công đã đạt được. Tất cả các mục tiêu được chỉ định đều bị tấn công”, thông cáo cho biết.

Trong khi các quan chức Ukraine chưa bình luận về tuyên bố của Moscow về vụ tấn công tàu chở vũ khí, truyền thông địa phương đã đưa tin về các vụ nổ ở Kharkov, Dnepropetrovsk, Poltava, Sumy, Krivoy Rog và một số thành phố khác.

Moscow nhiều lần tuyên bố bất cứ lô vũ khí viện trợ nào từ nước ngoài vào Ukraine hay chuyên gia quân sự nước ngoài, lính đánh thuê tại đây đều bị coi là “mục tiêu tấn công hợp pháp” của Nga. Nga cũng cáo buộc phương Tây trên thực tế đã trực tiếp tham gia cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ và các nước đồng minh đều bác bỏ.

Ngoài ra, Moscow tiếp tục các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine, đặc biệt trước thềm mùa đông nhằm làm suy giảm khả năng tác chiến của quân đội, thách thức ý chí của Kiev.

Trong một diễn biến liên quan khác, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha hôm 21/9 dẫn thông tin tình báo nội bộ cho biết, Moscow sắp thực hiện các vụ tấn công vào cơ sở hạ tầng hạt nhân của Ukraine.

“Thiệt hại đối với các cơ sở này có nguy cơ cao xảy ra sự cố hạt nhân, gây hậu quả toàn cầu”, Ngoại trưởng Sybiha cảnh báo.

Cơ quan đặc biệt của Ukraine đã thông báo cho các đối tác của Kiev và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về mối đe dọa có thể xảy ra.

“Công thức hòa bình của Ukraine có một điều khoản về đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân. Chúng tôi kêu gọi tất cả các tổ chức quốc tế và các quốc gia tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc ngăn chặn kịch bản này xảy ra”, Ngoại trưởng Sybiha nhấn mạnh.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, đã bị Nga kiểm soát từ tháng 3/2022. Nhà máy nằm gần tiền tuyến khiến rủi ro an toàn hạt nhân ngày càng cao.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới