Thời gian gần đây, không ít cuộc chiến nổ ra có sự can dự của các quốc gia sở hữu vũ khi hạt nhân. Tuy nhiên đến nay, vũ khí hạt nhân chiến thuật chưa một lần sử dụng bởi các cường quốc hiểu rất rõ hậu quả nghiêm trọng của nó.
Khác vũ khí hạt nhân chiến lược có sức công phá tương tương vụ nổ 1000 kiloton, được phóng từ tầm xa, vũ khí hạt nhân chiến thuật là các đầu đạn hạt nhân nhỏ được thiết kế để sử dụng trong các cuộc tấn công hạn chế, nhằm vào một mục tiêu cụ thể, không gây bụi phóng xạ. Sức công phá của một vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể tương đương từ 1 đến 100 kiloton (1 kiloton tương đương với 1.000 tấn thuốc nổ TNT), tầm bắn khoảng trên 5 nghìn km, được phóng đi bởi các máy bay chiến đấu, pháo, tên lửa hiện đại…Sự so sánh đó cho thấy, một khi được sử dụng, loại vũ khí này có thể tàn phá tới mức nào…
Tới nay, sau chiến tranh lạnh, chưa có hiệp ước nào giới hạn vũ khí hạt nhân chiến thuật. Vì vậy, các quốc gia sở hữu, không ai bảo ai, cùng “kín như bưng” kho vũ khí của mình. Có điều, kín đến mấy, các chuyên gia quân sự vẫn có thể dự đoán được số đầu đạn của họ. Nga chẳng hạn, theo tính toán, nước này sở hữu khoảng gần 2000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật, trong khi con số này của Mỹ được cho “nhỉnh” hơn chút ít với khoảng 2000 đầu đạn.
Thời gian đầu cuộc chiến Ukraine, trừ động thái tổng thống V. Putin ra lệnh chuyển lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga sang chế độ “sẵn sàng chiến đấu đặc biệt” khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” triển khai ba ngày, Nga cũng như các quốc gia liên quan là Mỹ và phương Tây, cùng tỏ ra rất thận trọng về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Tuy nhiên, diễn biến căng thẳng, giằng co, không bên nào có khả năng giành thắng lợi quyết định; thêm vào đó, sự hỗ trợ ồ ạt hàng trăm tỷ USD các loại vũ khí hiện đại cho Ukraine cùng việc nới lỏng cho Ukraine sử dụng vũ khí tấn công vào lãnh thổ Nga của Pháp, Anh, Mỹ đã làm Nga nổi cáu. Kết quả là, gần đây, Moscow bắt đầu đề cập và triển khai các động thái mới cho thấy trực tiếp tới khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường như một thông điệp cứng rắn ném về phía Kiev và phương Tây. Tháng 4 năm nay, nhiều chuyên gia quân sự đã có những nhận định lo lắng về việc Moscow chuyển hàng chục vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Nga sang nước láng giềng Belarus – quốc gia có quan hệ quân sự chặt chẽ với Nga và ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch đặc biệt của Nga ở Ukraine – cách lãnh thổ NATO vài trăm dặm. Đồng thời với động thái đó, ông Vladimir Putin cảnh báo một cuộc đối đầu quân sự rộng hơn nếu NATO tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine.
Tới tháng 5, ngay khi có tin tức về khả năng các nước phương Tây đưa quân tham chiến tới Ukraine hỗ trợ Kiev, Nga bắt đầu tiến hành giai đoạn 1 cuộc tập trận tại quân khu miền Nam, sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong sự đưa tin có thể coi là rầm rộ của truyền thông. Cơ quan thông tấn Nga nhấn mạnh rằng: cuộc diễn tập nhằm bảo đảm bảo đảm vô điều kiện sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Liên bang Nga trước những tuyên bố khiêu khích và mối đe dọa của các quan chức phương Tây.
Giai đoạn 2 được tiến hành trung tuần tháng 6 với sự tham gia của lực lượng tên lửa quân khu Leningrad, diễn ra bí mật về địa điểm. Tuy nhiên, giới quân sự phương Tây vẫn mò ra được sự tham gia của các tổ hợp tên lửa tác chiến chiến thuật Iskander; tên lửa trên các tàu chiến của hải quân được trang bị đầu đạn huấn luyện…Giai đoạn này còn có sự tham gia của quân đội Belarus.
Thông tin về lần diễn tập giai đoạn 3 cho biết, ngoài binh lính thuộc của các quân khu miền Nam và miền Trung diễn tập cách tiếp nhận đạn dược đặc biệt lắp đặt vào hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M và bí mật di chuyển đến các vị trí được chỉ định để chuẩn bị cho các vụ phóng điện tử, còn có sự tham gia của các đơn vị của lực lượng không gian vũ trụ với các phương tiện tấn công hàng không…
Dù có những động thái liên tiếp, ngày một tăng quy mô, mức độ về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhưng Nga vẫn truyền đi một thông điệp để quốc tế hiểu rằng: nếu như việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật xảy ra, điều đó cần được hiểu do phương Tây đã chạm đến “lằn ranh đỏ cuối cùng”: để cho Ukraine sử dụng các vũ khí hiện đại tầm xa phương Tây viện trợ, tấn công vào sâu lãnh thổ Nga, đe dọa sự tồn vong nhà nước quốc gia này.
Trong tình cảnh ấy, rất có thể những lo lắng về “bóng ma hạt nhân” trong cuộc chiến ở Ukraine sẽ thành sự thật, với sự can dự của một bên là Nga, bên kia là Mỹ và các cường quốc đồng minh trong khối NATO.
T.V