Thursday, November 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Nhất tiễn song điêu”

“Nhất tiễn song điêu”

Thành ngữ tiếng Hán này có nghĩa là: một mũi tên bắn hạ hai con chim trên trời. Trung Quốc đang dùng mũi tên ấy để ủng hộ Nga trong cuộc chiến với Ukraine và bán phá giá một số mặt hàng công nghiệp, lũng đoạn thị trường châu Âu.

Trong cuộc chiến Nga-Ukraine kéo dài đã hơn hai năm rưỡi, Trung Quốc luôn khoác cái áo trung lập, không can thiệp vào công việc nội bộ của hai nước này. Sự thật không phải thế. Cần nói thẳng ra rằng, Trung Quốc đang là một trong những mối đe dọa bị bỏ qua nhiều nhất đối với an ninh Châu Âu. Hồi tháng 4/2024, các quan chức NATO ước tính rằng số lượng binh lính của quân đội Nga đã tăng 15% kể từ cuộc xung đột với Ukraine năm 2022. Phần lớn việc tăng trưởng này là nhờ vào sự hỗ trợ của Trung Quốc. Báo cáo của Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế ước tính một con số đáng giật mình: khoảng 90% hàng nhập khẩu giúp Nga duy trì cuộc chiến đến từ Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng tăng cường quan hệ quân sự với Moscow và các đồng minh thân cận của nước này. Tháng 7/2024, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tham gia các cuộc tập trận với Belarus, đánh dấu việc quân đội Trung Quốc lần đầu đến gần với biên giới Châu Âu của NATO. Không quân Nga và Trung Quốc đã sử dụng máy bay ném bom chiến lược trong một cuộc tập trận chung gần Alaska, khiến Mỹ và Canada phải điều máy bay chiến đấu đến khu vực để cảnh cáo.

Việc Trung Quốc cùng sát cánh trong chiến hào với Nga khiến Mỹ và các đồng minh NATO hết sức lo ngại. Nhờ có sự “giúp đỡ chí tình” của Trung Quốc mà Nga tránh được các lệnh trừng phạt của phương Tâ. Không nhưng thế, Trung Quốc còn cung cấp một lượng lớn hàng hóa lưỡng dụng như chip máy tính và các linh kiện máy móc (được sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự) giúp ông bạn vàng duy trì sức mạnh để chiến đấu lâu dài với Ukraine.

Rõ ràng trong lúc nguồn lực quân sự của Ukraine cạn kiệt, các hoạt động thương mại giữa Nga và Trung Quốc trở thành mối đe dọa ngày càng tăng đối với các nước Châu Âu, nhất là các nước ở sát biên giới Ukraine.

“Con chim thứ hai” bị bắn chính là triệt hạ kinh tế châu Âu. Các ngành công nghiệp cốt lõi của Châu Âu đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Chính sách “sản xuất dư thừa” của Bắc Kinh là nhằm đổ hàng giá bèo sang hàng xóm. Đó là các mặt hàng được bán phá giá như xe điện (EV) và các tấm pin năng lượng mặt trời.

Liên minh Châu Âu đã nhận thấy điều này và có phản ứng. EU đã đưa 10 công ty của Trung Quốc vào danh sách trừng phạt do liên quan tới việc hỗ trợ Nga trong cuộc chiến tại Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dừng ngay việc xuất khẩu các hàng hóa lưỡng dụng. Thế nhưng, Putin đã không khéo đàm phán với Tập Cận Bình. Sau đó hai bên đã ký kết nhiều thỏa thuận thương mại, quốc phòng, bao gồm cả các cuộc tập trận quân sự mở rộng.

Vậy là, những đòn trừng phạt kinh tế Trung Quốc mạnh mẽ nhất chỉ đến từ Washington. Mặc dù Liên minh Châu Âu thấy rõ rằng không thể duy trì sự thịnh vượng của mình nếu để Trung Quốc tìm cách phá hỏng nền kinh tế công nghiệp giàu truyền thống của mình.

Như phần trên đã trình bày, nguồn cung hàng hóa lưỡng dụng của Trung Quốc giúp duy trì cuộc chiến tranh của Nga. Không dừng ở đó, Bắc Kinh cũng đang đe dọa sự thịnh vượng của Châu Âu thông qua các chính sách công nghiệp của mình. Thời gian qua tình trạng dư thừa công suất trong ngành công nghiệp ôtô của Trung Quốc đang gây rủi ro rất lớn cho Châu Âu. Đơn giản một điều, ngành chế tạo ôtô này đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy việc làm của người dân Châu Âu. Theo con số thống kê mới nhất, ngành công nghiệp ô tô chiếm trực tiếp hơn 10% tỷ lệ việc làm trong ngành sản xuất tại sáu quốc gia thành viên EU, 7% GDP và 8,5% việc làm trong ngành sản xuất của EU.

Trong lịch sử, Châu Âu chưa bao giờ bị bất kỳ một mối đe dọa sản xuất nào có quy mô lớn như Trung Quốc. Hiện tại, các công ty ở Đức đang phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc (thị trường lớn nhất của ba “ông lớn” ô tô Đức BMW, Mercedes, and Volkswagen). Vì thế, các nhà sản xuất ô tô Đức đang phản đối sự can thiệp của chính sách Châu Âu đối với Bắc Kinh (!). Vậy là Trung Quốc đã thành công trong việc chiếm lĩnh thị trường ôtô tại Đức.

Vào tháng 8 vừa qua, Ủy ban Châu Âu đã sửa đổi và hạ mức thuế sơ bộ đối với một số nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Trung Quốc, mức thuế cao nhất là 46,3% áp dụng cho các công ty không hợp tác với EU điều tra về vấn đề trợ cấp. Điều này không đủ để ngăn chặn làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc và sự đầu tư của Bắc Kinh vào sản xuất tại Châu Âu.

Thừa thắng xông lên, Bắc Kinh đang lách luật bằng cách thiết lập các dây chuyền lắp ráp “bộ kit” xe điện Châu Âu cho những chiếc ô tô được sản xuất tại Trung Quốc. Ngoài thị trường xe điện, Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu ôtô có động cơ đốt trong trên quy mô toàn cầu, với khoảng 3/4 số ôtô xuất khẩu năm 2023 là dòng xe chạy bằng xăng.

Có thể khẳng định, mũi tên tay người thợ săn Bắc Kinh đang lao nhanh, trở thành mối đe dọa ngày một lớn đối với an ninh và sự thịnh vượng của Châu Âu. Trong thời gian tới, châu Âu sẽ phải gánh chịu hậu quả vô cùng nặng nề. Các nhà lãnh đạo Châu Âu cần phải hành động gấp trước khi quá muộn.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới