Wednesday, December 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNguy cơ thiếu điện khi loạt dự án điện chậm tiến độ

Nguy cơ thiếu điện khi loạt dự án điện chậm tiến độ

Bộ Công Thương cho rằng, việc chậm triển khai các dự án nguồn điện gây nguy cơ thiếu hụt công suất nguồn điện rất lớn trong giai đoạn 2026-2030.

Dự án nhiệt điện Ô Môn 3 là một trong những dự án của EVN bị chậm tiến độ.

Loạt dự án điện chậm tiến độ

Vấn đề thiếu điện luôn được báo động nhiều năm nay. Câu chuyện nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc bị cắt điện mùa hè năm 2023 vẫn còn đó hiện hữu và là bài học sâu sắc đối với ngành điện.

Mới đây, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương nhiều lần nhắc đến tình trạng thiếu điện nghiêm trọng giai đoạn năm 2026-2030 nếu loạt dự án nguồn điện lớn không kịp tiến độ đề ra của Quy hoạch điện VIII.

Trong đó, dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1 được xác định chậm tiến độ 3 năm; dự án nhiệt điện Ô Môn 3 và 4 bị chậm nên đã phải bàn giao cho PVN; dự án Dung Quất 1 và 3 cũng bị chậm so với tiến độ dự kiến là 2023 và 2026.

Dự án thủy điện Ialy mở rộng được xác định chậm tiến độ 45 tháng so với Quy hoạch VII điều chỉnh; nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng phải xin điều chỉnh tiến độ vào năm 2025; thủy điện tích năng Bắc Ái chậm tiến độ khoảng 6 năm.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định, nguyên nhân chậm trễ triển khai đầu tư xây dựng nhiều nguồn điện là do khó khăn trong huy động nguồn vốn. Các dự án nguồn điện từ 800 – 1.000 MW đều cần vốn đầu tư hàng tỉ USD, hầu như chủ yếu dựa vào vay vốn nước ngoài. Đầu tư các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu về vốn lớn, rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc thời tiết, khả năng thu hồi vốn chậm.

“Nếu không có các cơ chế rõ ràng, minh bạch và có thể hoàn vốn đầu tư, các chủ dự án sẽ không bao giờ dám triển khai thực sự”, ông Tuấn nói.

Các vướng mắc khác ở quy định pháp luật hiện hành. Theo ông Tuấn, các cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo còn chưa có định hướng lâu dài, nhiều chính sách còn bất cập.

Với điện gió ngoài khơi, do là loại hình nguồn mới, Việt Nam chưa có các quy định về khảo sát khu vực biển để triển khai. Đặc biệt, thị trường điện chậm triển khai; giá bán điện chưa theo kịp biến động của giá cả các yếu tố đầu vào, gây tâm lý không yên tâm với nhà đầu tư nguồn điện mới…

Làm gì để đảm bảo an ninh năng lượng

Bộ Công Thương vừa có công điện về việc tiếp tục quyết liệt triển khai, phát huy tinh thần trách nhiệm, huy động mọi nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án điện theo Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, bảo đảm an ninh cung cấp điện cho phát triển kinh tế – xã hội.

Bộ Công Thương nhận định, còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án nguồn điện, đặc biệt là sự thiếu đồng bộ giữa quy hoạch ngành điện với phương án phát triển điện lực tại các quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiềm ẩn nguy cơ chậm tiến độ các dự án, không đạt các mục tiêu đề ra tại Quy hoạch điện VIII.

Việc này gây nguy cơ thiếu hụt công suất nguồn điện rất lớn trong giai đoạn 2026-2030, đe dọa an ninh năng lượng quốc gia.

Để đảm bảo an ninh cung ứng điện trong mọi tình huống và đáp ứng mục tiêu của Quy hoạch điện VIII, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị địa phương đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư theo thẩm quyền đối với các dự án điện. Đặc biệt, những dự án điện lớn có thời gian triển khai dài.

Đối với các dự án đã được cấp phép triển khai, yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết.

Trường hợp không thực hiện theo đúng cam kết, cần quyết liệt thu hồi giấy phép hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiên quyết thu hồi giấy phép theo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng chủ đầu tư thiếu năng lực nhưng chây ì, chậm triển khai, ảnh hưởng tới cơ hội phát triển các nhà đầu tư có năng lực và tình hình cung ứng điện trong dài hạn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới