Wednesday, December 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNguồn gốc tin đập Tam Hiệp làm thay đổi vòng quay Trái...

Nguồn gốc tin đập Tam Hiệp làm thay đổi vòng quay Trái đất

Đập Tam Hiệp của Trung Quốc – đập thủy điện lớn nhất thế giới – được cho là ảnh hưởng tới vòng quay của Trái đất.

Đập Tam Hiệp xả lũ tháng 7.2024.

Đập Tam Hiệp nằm ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Đập Tam Hiệp bắc qua con sông dài nhất châu Á – sông Dương Tử. Đập Tam Hiệp sử dụng nguồn nước từ 3 hẻm núi gồm Cù Đường Hiệp, Vu Hiệp và Tây Lăng Hiệp để làm quay các turbine để phát điện.

Trang IFLScience cho hay, thông tin đập Tam Hiệp ảnh hưởng tới vòng quay của Trái đất dường như bắt nguồn từ một bài đăng năm 2005 của NASA. Bài đăng này viết về cách trận động đất và sóng thần thảm khốc ở Ấn Độ Dương năm 2004 ảnh hưởng đến vòng quay của Trái đất.

Bài viết giải thích cách thay đổi sự phân bố khối lượng trên Trái đất có thể có tác động rất nhỏ đến mômen (moment) quán tính của hành tinh. Đây cũng là hiện tượng giải thích cách một vận động viên trượt băng có thể tăng tốc độ quay khi khép chặt cánh tay vào cơ thể.

Tương tự, chuyển động của Trái đất có thể bị ảnh hưởng sau một trận động đất do chuyển dịch của các mảng kiến ​​tạo. Theo các nhà khoa học của NASA, hiện tượng này đã xảy ra năm 2004 sau trận động đất ở Ấn Độ Dương. Trận động đất này làm rung chuyển cấu trúc địa chấn của hành tinh, thay đổi phân bố khối lượng và giảm độ dài của một ngày 2,68 micro giây.

Về mặt lý thuyết, sự dịch chuyển lớn của nước trên Trái đất cũng có thể gây ra những tác động tương tự. Trong bài đăng năm 2005, Tiến sĩ Benjamin Fong Chao – nhà địa vật lý tại Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA – giải thích, đập thủy điện khổng lồ Tam Hiệp có thể chứa 40 kilômét khối (10 nghìn tỉ gallon) nước.

Theo tính toán của ông, khối lượng nước ở đập thủy điện của Trung Quốc dịch chuyển có thể làm tăng độ dài của một ngày trên Trái đất thêm 0,06 micro giây và di chuyển vị trí cực của Trái đất khoảng 2cm. Trang IFLScience chỉ ra, con số này không lớn khi so với tác động của các trận động đất, nhưng là khá đáng kể khi xét tới việc đập Tam Hiệp là một công trình do con người tạo ra.

Trên thực tế, con người cũng đang tác động tới vòng quay của Trái đất theo nhiều cách khác nhau. Hiện tượng biến đổi khí hậu đang dẫn tới phân bố lại khối lượng của Trái đất. Khi nhiệt độ tăng, các chỏm băng ở hai cực của Trái đất tan chảy và mực nước biển nhiệt đới dâng cao, dẫn đến khối lượng tập trung nhiều hơn ở đường xích đạo so với ở hai cực. Kết quả là tốc độ quay của Trái đất chậm hơn và ngày dài hơn một chút.

Những biến động này không thể nhận thấy một cách rõ rệt trong cuộc sống hàng ngày trên Trái đất nhưng có thể gây nhầm lẫn với những thiết bị đo thời gian siêu chính xác như đồng hồ nguyên tử. Vấn đề phát sinh sau đó đã khiến một số nhà khoa học lập luận rằng thế giới sẽ cần phải tính đến 1 giây nhuận âm (negative leap second – tức giây được trừ đi để đồng bộ với chuyển động của Trái đất cũng có nghĩa là một phút sẽ chỉ có 59 giây) trong thập kỷ tới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới