Friday, September 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSự cố kết của cộng đồng người Hoa ở Lào

Sự cố kết của cộng đồng người Hoa ở Lào

Quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á diễn ra trong nhiều giai đoạn lịch sử. Bắt đầu từ những cuộc di cư lẻ tẻ, tự phát, sau đó là những cuộc di dân với quy mô lớn, tạo nên một cộng đồng lớn mạnh. Vì vậy, cho đến nay, cộng đồng người Hoa đã có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội tại các quốc gia sở tại.

Quá trình người Hoa di cư sang Lào

Người Lào gốc Hoa là khái niệm dùng để chỉ những công dân Lào có nguồn gốc là người Hán từ Trung Quốc di cư sang. Lược qua một số giai đoạn lịch sử trước, Đại hãn Mông Cổ (Đại hãn quốc) là Mông Kha đã sai em trai Hốt Tất Liệt và tướng Ngột Lương Hợp Thai đánh chiếm Vương triều Đại Lý, bao gồm tỉnh Vân Nam của Trung Quốc hiện nay và một số khu vực lân cận khác. Sau đó, vương triều này trở thành một bộ phận của nhà Nguyên.

Chính sự cai trị hà khắc sau đó, cùng các cuộc nổi dậy của nông dân, đã khiến nhiều người sống ở khu vực Đại Lý trước đó phải rời bỏ quê nhà, đến lánh nạn ở một số vùng đất lân cận. Vùng đất đó là Lan Xang, Vương quốc thống nhất đầu tiên của người Thái Lào, do Fa Ngum – vốn là một chỉ huy quân viễn chinh của đế quốc Khmer – lập nên vào năm 1354.

Kể từ khi lập quốc, dân cư ở đây đã dần dần trở nên đông đúc và có một đời sống thanh bình. Họ làm nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa nếp, phát triển các nghề thủ công truyền thống như dệt vải, làm dao rựa bằng sắt và đồ mây tre. Một bộ phận người Hoa bắt đầu đến định cư, cũng đã tạo nên sự đa dạng về sắc tộc tại vương quốc Lan Xang vào thời điểm đó.

Đến thế kỷ XV, một bộ phận nhỏ các thương nhân người Hoa theo đạo Hồi từ khu vực miền Nam Trung Quốc cũng đã đến Lan Xang định cư. Tại Trung Hoa, sau khi nhà Thanh thay thế nhà Minh cai trị, tình hình đất nước còn khá rối ren. Cũng vào thời điểm này, tình trạng mất mùa nghiêm trọng, tô thuế tăng và thiên tai liên tiếp càng khiến tình cảnh của người dân đã khốn khổ nay lại càng cùng quẫn hơn. Chính điều này đã tạo ra một làn sóng di cư lớn của cộng đồng người Hoa sang các nước Đông Nam Á hiện nay, trong đó có một bộ phận người Hoa đã chọn Lào là điểm đến của mình.

Sau khi Lào chiến thắng thực dân Pháp, giành được độc lập vào năm 1954, người Hoa vốn quen cộng tác với Pháp đã nhanh chóng thay đổi quan điểm với chính quyền quốc gia mới. Nhờ đó, họ vẫn giữ được sức ảnh hưởng, cũng như tiếp tục kiểm soát các lĩnh vực ngân hàng và thương mại của quốc gia Đông Nam Á này.

Người Hoa cũng thống trị lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Lào với hàng chục cơ sở sản xuất nhựa, dệt may, bột giặt, nước đá và đồ uống, đồng thời kiểm soát đến 70% xưởng cưa của Lào vào thời bấy giờ.

Tại các thành phố lớn của Lào như Viêng Chăn, Pakse hay Luông Prabang, người Hoa kiểm soát hơn 80% hoạt động kinh doanh tại đây. Không chỉ sở hữu các xưởng cưa, nhà hàng, khách sạn, tiệm vàng và cửa hàng ảnh, mà họ còn thống trị ngành công nghiệp giải trí và truyền thông thời kỳ đầu ở đất nước Triệu Voi, với sự ra đời của các rạp chiếu phim và nhà hát. Chỉ tính riêng tại Pakse, trong tổng số 390 cơ sở kinh doanh đang hoạt động tại thành phố, đã có đến 372 cơ sở thuộc quyền quản lý của người Hoa.

Theo điều tra dân số năm 1955, cộng đồng người Hoa tại Lào có khoảng 32.500 người. Có thể thấy, quy mô của họ khá khiêm tốn so với những cộng đồng người Hoa sống ở những quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan hay Singapore.

Có vẻ như việc Lào thiếu khả năng tiếp cận biển, cùng với địa hình đồi núi và rừng rậm, đã khiến đất nước này trở thành một khu vực khó phát triển thương mại, do đó ít thu hút các thương nhân người Hoa hơn.

Cũng trong giai đoạn này, ngay sau khi thực dân Pháp rút khỏi, đế quốc Mỹ đã xâm lược Đông Dương, hòng biến Lào, Campuchia, cũng như Việt Nam, trở thành thuộc địa kiểu mới của xứ Cờ Hoa.

Tại Lào, một cuộc nội chiến đã xảy ra giữa lực lượng Pathet Lào và lực lượng chính quyền Hoàng gia Lào do Mỹ hỗ trợ. Với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, lực lượng Pathet Lào cuối cùng đã lật đổ thành công chính quyền Hoàng gia Lào và giải phóng thủ đô Viêng Chăn.

Những biến động trong chính trị tại Lào trong nửa sau thế kỷ XX đã tác động đáng kể đến cộng đồng người Hoa tại đây. Trong thời kỳ này, chính quyền cộng sản Lào đã áp dụng một hệ thống kinh tế kế hoạch theo kiểu Liên Xô, khi thay thế các thành phần tư nhân bằng các hợp tác xã và doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó là tập trung hóa đầu tư sản xuất, thương mại, đồng thời định giá và hạn chế thương mại trong nước với nước ngoài. Điều này cũng đã chấm dứt sự thống trị của cộng đồng người Hoa trong lĩnh vực kinh tế.

Bên cạnh đó, chính quyền xứ Triệu Voi còn cấm họ thể hiện tính Trung Hoa của mình một cách công khai, như cấm trường học, các nghi lễ truyền thống, đóng cửa các tờ báo và đoàn thể xã hội người Hoa.

Trước hàng loạt chính sách thắt chặt mạnh mẽ của giới chức Viêng Chăn, bộ phận người Hoa đã chọn rời khỏi đất nước và lánh nạn ở một số quốc gia khác như Thái Lan và Mỹ. Trong khi số còn lại chọn cách sống chung và hòa nhập với quốc gia sở tại để ít bị chú ý hơn.

Năm 1979, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Lào bước vào giai đoạn căng thẳng khi Lào có quan điểm ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc chống lại sự xâm lược của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, nhiều thông tin cho thấy Bắc Kinh còn giúp đỡ và đào tạo các lực lượng nổi loạn người H’Mông tại tỉnh Vân Nam nhằm đưa họ quay về Lào lật đổ chính quyền thân Việt Nam. Chính những điều này đã khiến giới chức của đất nước Triệu Voi có cái nhìn dè chừng với cộng đồng người Hoa trong giai đoạn này. Cũng chính vì vậy mà cộng đồng người Hoa ở Lào giảm mạnh và khó có thể tái lập được quy mô tương tự như trước đây.

Mãi cho đến khi Lào và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1989, mối quan hệ của hai nước mới có nhiều sự thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. Đây cũng là giai đoạn mà Lào bắt đầu định hướng nền kinh tế thị trường tự do cho đất nước. Kể từ đó, cộng đồng người Lào gốc Hoa cũng dần lấy lại quyền kiểm soát các lĩnh vực kinh tế mà họ từng nắm giữ trước đây.

Có thể thấy, vị thế của người Hoa tại Lào về cơ bản đã trải qua một bước chuyển tiếp tốt đẹp hơn trước và dường như sự phân biệt đối xử mà họ phải chịu trước kia đã chấm dứt hoàn toàn.

Tình hình của người Hoa tại Lào

Năm 2023, Lào có dân số là 7.580.000 người, trong đó có khoảng 151.600 người gốc Hoa. Như vậy, họ chỉ chiếm 2% dân số cả nước. Tuy có quy mô nhỏ nhưng cộng đồng người Hoa ở Lào vẫn giữ được bản sắc riêng, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và kinh tế của Lào hiện đại. Phần lớn họ tập trung ở các thành phố lớn như Viêng Chăn, Luang Prabang và Pakse.

Nhìn chung, cộng đồng người Hoa tại Lào đều có nguồn gốc từ miền Nam Trung Quốc. Trong đó, người Hoa Triều Châu hiện tại là nhóm người Hoa có số lượng đông đảo nhất so với các nhóm còn lại trong đất nước Triệu Voi. Cũng vì vậy mà phương ngữ Triều Châu được dùng để giao tiếp trong cộng đồng người Hoa tại Lào. Bên cạnh đó, tiếng Lào vẫn được họ sử dụng để hòa nhập với cư dân bản địa.

Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều gia đình người Lào gốc Hoa thường định hướng cho con cái của họ học ngôn ngữ phổ thông là tiếng Quan Thoại thay vì sử dụng các phương ngữ địa phương như trước đây. Bởi tiếng Quan Thoại chính là ngôn ngữ chính được sử dụng trong cộng đồng doanh nghiệp Hoa kiều. Đó cũng chính là chìa khóa để giúp người Hoa có thể tham gia vào các hoạt động kinh doanh và hợp tác kinh tế giữa Lào và Trung Quốc đại lục.

Người Hoa Triều Châu hiện đã hình thành một cộng đồng rộng lớn với nhiều cá nhân thành danh và có nhiều đóng góp với cộng đồng. Với số lượng ngày càng đông, nhu cầu thành lập một tổ chức tập hợp, chia sẻ tình cảm quê hương, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng Hoa kiều người Triều Châu trở nên cấp thiết.

Chính vì vậy, ngày 21/6/2020, đã diễn ra buổi lễ thành lập Hội Quán Triều Châu tại thủ đô Viêng Chăn. Cho đến nay, ước tính đã có hơn 200 Hội Quán Triều Châu được thành lập trên toàn thế giới.

Tuy chỉ là cộng đồng chiếm thiểu số, nhưng người Lào gốc Hoa vẫn duy trì sự hiện diện đông đảo trong các lĩnh vực kinh tế của đất nước Triệu Voi. Hay nói một cách khác, họ đóng một vai trò quan trọng hơn rất nhiều so với cộng đồng người bản địa trong việc duy trì sự thịnh vượng của đất nước. Nhiều doanh nhân người Lào gốc Hoa sở hữu các doanh nghiệp dẫn đầu trong các ngành như là dệt may, khai thác mỏ, ngân hàng và bất động sản.

Nhưng trái ngược với người Hoa tại Thái Lan hay Singapore, cộng đồng người Hoa tại Lào không dành quá nhiều sự quan tâm đến vấn đề chính trị của đất nước. Đó chính là lý do mà hầu như không có một nhà lãnh đạo hay chính trị gia nào của Lào hiện nay là người gốc Hoa.

Sự liên kết giữa cộng đồng người Hoa tại Lào với Trung Quốc

Mặc dù cộng đồng người Hoa tại Lào có phần “khiêm tốn” hơn những nơi khác thế nhưng Trung Quốc vẫn dành nhiều sự quan tâm và không ngừng tạo sự ảnh hưởng để đề cao tính Trung Hoa trong cộng đồng người Hoa sinh sống tại quốc gia Đông Nam Á này.

Phổ biến nhất chính là công tác tuyên truyền lịch sử cho Hoa kiều, luôn được các cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc quan tâm và tập trung triển khai. Chiều ngày 17/6/2023, Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc, cùng với Phòng Thương mại Trung Quốc và Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Phát điện Trung Quốc tại Lào, đã tổ chức chiếu phim tuyên truyền cho cộng đồng người Hoa tại một khách sạn ở thủ đô Viêng Chăn. Bộ phim có tên là “Vượt Sông Áp Lục” với nội dung chính nói về cuộc chiến đấu gian nan của quân tình nguyện Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Bên cạnh tuyên truyền phim ảnh, lĩnh vực giáo dục cũng được chính quyền Bắc Kinh sử dụng như một công cụ chính để tác động đến cộng đồng người Hoa ở Lào. Nó đã được thực hiện hóa thông qua 3 Học viện Khổng Tử đã được xây dựng tại đất nước Triệu Voi. Trong đó, Học viện Khổng Tử Đại học Quốc gia Lào được thành lập vào ngày 23/3/2010 đã có những đóng góp to lớn trong việc tạo ra một môi trường để đông đảo sinh viên được học tập văn hóa, ngôn ngữ Trung Quốc một cách thực thụ và phát huy vai trò quan trọng trong giao lưu giữa chính phủ hai nước.

Một thế lực di dân mới

Hiện Trung Quốc đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Lào. Trong năm 2017 và 2018, Bắc Kinh đều là nhà đầu tư đứng đầu về vốn FDI đăng ký nhiều nhất, với tỷ trọng chiếm lần lượt là 77% và 79% tổng dòng vốn FDI vào Viêng Chăn, gấp đến 52 lần so với mức 1,5% vốn FDI vào năm 2003. Cũng từ đây, dấu ấn kinh tế của Trung Quốc tại Lào bắt đầu được định hình bởi sự có mặt của các dự án hạ tầng trị giá hàng tỷ đô, nhờ được hưởng lợi từ Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Đi cùng với đó, mối quan hệ giữa hai nước càng được thắt chặt hơn thông qua việc cùng nhau ký kết tham gia vào cộng đồng chung vận mệnh. Bên cạnh cộng đồng người Lào gốc Hoa sinh sống từ lâu đời, trong nhiều năm gần đây, cũng đã chứng kiến làn sóng người Trung Quốc di cư sang Lào để sinh sống và làm việc ngày càng đông đảo.

Nếu như trong quá khứ, các đợt di cư chủ yếu xuất phát từ hai nguyên nhân chính là cải thiện thu nhập của lớp người thu nhập thấp và tìm kiếm cơ hội làm ăn giao thương thì làn sóng di dân mới từ đầu thế kỷ XXI xuất phát từ những chính sách đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp đại lục, cũng như những đặc quyền của chính phủ đất nước Triệu Voi dành cho những công dân Trung Quốc.

Nhìn chung, đợt di cư mới này có sự khác biệt hơn so với các đợt di cư trong quá khứ. Người Trung Quốc vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với gia đình và họ hàng ở quê nhà và không có xu hướng định cư tại Lào lâu dài.

Hiện nay, đa phần các công trình hạ tầng đang hiện hữu tại Lào đều xuất phát từ những khoản đầu tư mạnh mẽ của đất nước tỷ dân. Thế nhưng, nếu để nói về một khu vực đang chịu sự thống trị của Bắc Kinh về mọi mặt thì phải nói đến khu vực phía Bắc của quốc gia này. Đây vốn là nơi giáp ranh với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, và trong hơn một thập niên qua, người Trung Quốc đã đổ xô đầu tư vào hàng loạt sòng bạc, khách sạn, trang trại nông nghiệp tại miền Bắc Lào.

Tại đặc khu kinh tế Tam giác Vàng ở huyện Ton Phueng thuộc tỉnh Bokeo, người ta chỉ nghe một thứ tiếng duy nhất, đó là tiếng Trung Quốc chứ không phải tiếng Lào. Thậm chí, tất cả đồng hồ ở đây đều chỉnh theo giờ Bắc Kinh, trong khi Nhân dân tệ là đồng tiền sử dụng phổ biến. Đây chính là ví dụ tiêu biểu nhất về thực trạng người Trung Quốc đã xâm nhập ngoạn mục vào miền Bắc nước Lào.

Đặc khu kinh tế Tam giác Vàng, với trái tim là sòng bài Kings Romans thuộc quyền sở hữu của ông trùm Triệu Vĩ (Zhao Wei), đã nổi lên như một đế chế cờ bạc quyền lực tại vùng đất này. Nhìn chung, sòng bạc và các hoạt động liên quan khác chính là động lực cho sự phát triển nhanh chóng của đế chế Kings Romans nói riêng và đặc khu kinh tế Tam giác Vàng nói chung trong hơn 10 năm qua.

Bên cạnh việc lập nên các tổ hợp sòng bài, khách sạn quy mô lớn, người Trung Quốc cũng có nhiều sự can thiệp vào ngành nông nghiệp của địa phương. Tại một số huyện của tỉnh Bokeo, rất nhiều nông dân Lào cho người Trung Quốc thuê đất dài hạn để lập hàng loạt đồn điền trồng chuối trên một diện tích rộng hàng nghìn hecta. Tuy nhiên, đây cũng là lúc mà cộng đồng người dân sống tại tỉnh Bokeo đã chịu nhiều ảnh hưởng về sức khỏe khi các đồn điền trồng chuối này sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu.

Các bác sĩ cho biết hầu hết bệnh nhân đều là công nhân đồn điền trồng chuối và con cái của họ. Tình trạng này đã tồi tệ đến mức vào cuối tháng 9/2015, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào đã thanh tra toàn diện và cảnh báo 4 doanh nghiệp Trung Quốc vì đã sử dụng thuốc trừ sâu vượt quá liều lượng cho phép. Sau đó, chính quyền địa phương cũng đã ban hành nhiều chính sách cấm mở đồn điền trồng chuối mới tại khu vực phía Bắc đất nước.

Theo điều tra của cố nhà báo Arnaud Dubus, người dân Trung Quốc sang Lào làm ăn sẽ được chính phủ Trung Quốc trợ cấp một khoản tiền khá lớn gọi là “tiền ly hương”. Một chuyên gia về phát triển nông nghiệp Lào giấu tên cho biết, mỗi đàn ông sang Lào được lãnh tới 100.000 USD. Nếu có vợ đi theo thì thêm 100.000 USD nữa. Trong trường hợp có con đi theo thì lại được thêm 100.000 USD. Tuy nhiên, họ chỉ được phép trở về nước sau một số năm và nhiệm vụ của họ là phải trở thành những doanh nhân thành đạt tại quốc gia Đông Nam Á này.

Trong khi người Trung Quốc vẫn không ngừng hiện diện đông đảo và chiếm ưu thế hơn tại khu vực miền Bắc đất nước, người Lào chính gốc vẫn đang khá chật vật để mưu sinh. Điều này có thể thấy rõ tại Đặc khu Kinh tế Boten khi đa số người Trung Quốc đến làm việc tại đây thường để mở nhà hàng, khách sạn, bán hàng và du lịch. Gần như tất cả công dân Lào tại đây là những người lao động chân tay hoặc nhân viên vệ sinh. Ngoài ra, hầu hết các công nhân lành nghề trên công trường cũng đều đến từ Trung Quốc. Đôi khi cũng có người Lào địa phương, nhưng họ chủ yếu làm các công việc phổ thông như vác gạch, kéo cát và xi măng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới