Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiThông điệp rắn của Tokyo

Thông điệp rắn của Tokyo

Tàu khu trục Sazanami của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản di chuyển từ Biển Hoa Đông qua eo biển Đài Loan trong sáng 25/9, trong một hành trình dài tới hơn 10 giờ di chuyển.

Tàu khu trục Sazanami của Nhật Bản

Đây là lần đầu tiên Nhật Bản cho tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan – một khu vực đầy nhạy cảm. Một số nhà phân tích quốc tế nhận định, động thái này có ý nghĩa như câu trả lời cứng rắn của Tokyo trước các hành động mà họ cho là “đe dọa an ninh Nhật Bản”, của Trung Quốc.

Các hành động “đe dọa…” đó là gì?

Điều đầu tiên phải tính là sự kiện liên quan hàng không mẫu hạm Liêu Ninh. Ngày 18/9/2024, tàu sân bay này được hộ tống bởi hai tàu khu trục lớp Lữ Dương II, đã di chuyển theo hướng nam qua vùng biển giữa hai đảo Yonaguni và Iriomote, thuộc tỉnh tỉnh Okinawa, Nhật Bản. Thông báo phát đi ngay sau thời điểm trên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản coi sự việc như một hành vi gây hấn “hoàn toàn không thể chấp nhận được” của Trung Quốc; đồng thời nói rằng: các lực lượng Nhật theo dõi sát tàu sân bay Liêu Ninh cũng như phân tích tính chất hành vi của nó.

Trước đó, trong tháng 8 vừa qua, Tokyo cũng cho biết đã phát hiện một máy bay thu thập thông tin tình báo Y-9 của Trung Quốc bay vào không phận Nhật Bản khoảng hai phút; nhấn mạnh rằng: đây là lần đầu tiên một máy bay quân sự của Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật Bản.

Nếu nhìn lùi xa hơn nữa, trung tuần tháng 12/2021, tàu sân bay Liêu Ninh cùng 4 tàu chiến khác của Hải quân Trung Quốc đã đi qua vùng biển nằm giữa đảo chính Okinawa và đảo Miyakojima của Nhật Bản. Có điều, như không muốn làm to chuyện để khỏi ảnh hưởng tới những kết quả đuề huề trong bang giao với Trung Quốc, khi đó, phía Nhật Bản đã cho rằng: không có động cơ tiêu cực trong vụ việc này; chỉ là nhóm tàu trên kết thúc một cuộc tập trận và “trên đường về” (?) mà thôi.

Trở lại vụ việc mới nhất của tàu Liêu Ninh tại eo biển Đài Loan. Tố cáo nặng nề và khẳng định “theo dõi sát” – chắc chắn, đó là một thông điệp cảnh báo Tokyo bắn về phía Trung Quốc?

Nếu nhìn lại những gì Toky đã thể hiện, có thể thấy, mãi gần đây, cũng là lần đầu tiên tàu chiến Nhật vào eo biển Đài Loan, nhưng sâu xa, động thái đó là hệ quả tất yếu, nhất quán với những gì mà Nhật Bản từng thể hiện xét về mặt chủ trương, quan điểm.

Chứng minh cho nhận định đó, nhiều người dẫn lại 2 sự kiện kế tiếp nhau, cùng xảy ra trong một tháng. Thứ nhất, liên quan phát biểu của ông Abe Shinzo ngày 1/12/2021. Thời điểm đó tuy không còn là Thủ tướng, nhưng vị chính khách nổi tiếng này vẫn là người đứng đầu nhóm lớn nhất trong đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, cũng là người có nhiều ảnh hưởng trong đảng cầm quyền. Trong phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến do Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách ở Đài Loan, tổ chức, cựu Thủ tướng Abe đã nhấn mạnh rằng quần đảo Senkaku (Trung Quốc cũng đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư) chỉ cách quần đảo Sakishima và đảo Yonaguni của Nhật 100km, và khoảng cách đến Đài Loan cũng tương tự. Với khoảng cách đó, một cuộc tấn công vào Đài Loan sẽ thành mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với Nhật Bản.

Nói cho cùng, Thủ tướng Nhật khi đó cũng những nhà lãnh đạo hiện thời không phải không biết. Họ biết rõ Đài Loan chẳng xa cách Nhật Bản bao xa; biết hòn đảo cực tây của Nhật Bản chỉ cách Đài Loan hơn 109km. Trường hợp xảy ra xung đột ở Đài Loan, chẳng ai dám chắc lửa chiến tranh sẽ không cháy lan sang lãnh thổ Nhật Bản? Đó là chưa kể, một cuộc chiến kéo theo sự can dự của Washington, Bắc Kinh sao có thể bỏ qua mục tiêu 5 vạn quân Mỹ cùng hàng tá khí tài quân sự hải, lục không quân đóng tại Nhật?

Vậy nên, dù có là đồng minh thân cận của Mỹ ở Châu Á, Nhật Bản chắc chắn không muốn hoang tàn một lần nữa do xung đột của hai siêu cường – như những gì đã trải qua, chịu đựng trong chiến tranh thế giới thứ 2.

Biết hết, nhưng để cho một cựu chính khách như ông Abe dằn mặt Bắc Kinh thì “tiện” hơn. Cũng “tiện” hơn như thế khi mượn miệng ông Abe kêu gọi: “Nhật Bản và Đài Loan phải phối hợp với nhau để bảo vệ tự do và dân chủ.”

Với những cái đầu ở Trung Nam Hải, câu nói của ông Abe như một lời hô hào kích động. Nó càng trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh sau những nỗ lực và thiện chí của Bắc Kinh và Tokyo, bang giao Nhật – Trung đã tan băng, đang trên bước đường tiến tới những cột mốc mới, cùng những kết quả tích cực và nhãn tiền về mặt kinh tế thương mại.

Không thể khác, Bắc Kinh nổi giận. Ngay ngày hôm sau, đại sứ Nhật Bản bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu tới để phản đối phát ngôn mà họ cho là “cực kỳ sai lầm”, vi phạm những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa hai nước. Thậm chí, một phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc là ông Uông Văn Bân, khi đó, đã không ngần ngại quy kết ông Abe đã “nói những điều vô nghĩa”, cảnh báo rằng: “bất kỳ ai lặp lại chủ nghĩa quân phiệt và thách thức giới hạn chịu đựng của người dân Trung Quốc cũng sẽ vỡ mặt”.

Cơn nóng giận bừng bừng cùng những lời cảnh báo đốp chát, nghiêm khắc bậc nhất của Bắc Kinh ném ra dường như đã không tác động mảy may tới Tokyo. Hơn 2 tuần sau, Nhật Bản đã bồi cú nữa khiến Bắc Kinh còn tức tối thêm. Đó là việc Bộ Ngoại giao Nhật công bố kế hoạch lập vị trí mới trong Vụ Trung Quốc và Mông Cổ thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, từ tháng 4/2022.

Chẳng cần phải nhiều lời, Tokyo nói trắng phớ “có nhiều công việc hơn cần xử lý liên quan đến các vấn đề an ninh, đối ngoại và kinh tế với Đài Loan”.

Sự kiện mới với sự diễu võ của tàu khu trục Sazanami tối tân của Nhật Bản qua eo biển Đài Loan ngày 18/9 vừa qua có lẽ cần được đánh giá là kết quả cũng như là một phần “công việc cần xử lý…” mà Nhật Bản từng nêu ra cách đây 2 năm vậy. Bắc Kinh “tứ bề thọ địch” – chẳng sai chút nào!

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới