Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Trump khoe mẽ?

Ông Trump khoe mẽ?

“Ông Trump khoe mẽ” – không ít người đã mỉa mai như thế khi cựu tổng thống Donald Trump nói những lời “hươu vượn” về việc ông có thể chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, nếu trở thành tổng thống.

Ông Trump gặp Tổng thống Ukraine Zelensky

Cụ thể, trên sau cuộc gặp tổng thống Ukraine Zelensky ngày 27-9 tại Tháp Trump, ông Trump đã tự tin tuyên bố trước báo chí: “Tôi có mối quan hệ tốt với ông Zelensky, và tôi có những mối quan hệ tốt đẹp cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tôi nghĩ nếu tôi chiến thắng trong cuộc bầu cử, thì ngay cả khi chưa nắm quyền vẫn có thể tìm ra một giải pháp phù hợp với cả 2 bên. Tôi sẵn sàng làm việc với cả Ukraine lẫn Nga, để giải quyết cuộc xung đột”.

Trong số những người hoài nghi, có người còn cho rằng, tuyên bố của ông Trump vẻ như là một động thái nhằm giành thêm phiếu của cử tri Mỹ khi cuộc bầu cử tổng thống chính thức chỉ còn 2 tháng nữa sẽ diễn ra chính thức.

Với một ứng cử viên, chuyện đó hoàn toàn có thể, chẳng đáng gì chê trách. Vận động tranh cử cơ mà. Ai cấm được ứng viên tranh thủ cơ hội, điều kiện để thể hiện năng lực cùng sự tháo vát của mình. Huống chi, một giải pháp cho cuộc chiến Ukraine – cuộc chiến khiến nước Mỹ và các đồng minh đã và đang tốn kém cả đống “tiền tươi thóc thật” khổng lồ – đã đang thu hút sự quan tâm lớn lao của cử tri Mỹ…

Tuy nhiên, cái dở với ông Trump trong tuyên bố trên, theo một số nhà phân tích, là rất thiếu sức thuyết phục. Chẳng lẽ một chuyện lớn liên quan đến cuộc chiến Ukraine, lại có thể giải quyết được chỉ nhờ vào một mối quan hệ cá nhân hay sao?

Ông Trump, xét về phương diện cá nhân không phải người thường bởi là cựu tổng thống, là ứng cử viên chạy đua vào Nhà Trắng, và có thể thắng cử để thêm một lần nữa trở thành “người đàn ông quyền lực nhất thế giới. Nhưng nói cho cùng, các mối quan hệ của ông với ông Putin, ông Zelensky, dẫu thân thiết đến đâu, cũng khó có thể khiến các nhà lãnh đạo hai quốc gia đang đối đầu có thể thay đổi quan điểm chỉ trong chốc lát, nếu không gắn với đó những giải pháp cụ thể khả dĩ chấp nhận được cho cả hai bên. Được thế, có lẽ nhân loại đã tránh được nhiều cuộc chiến tranh. Trong khi đó, bất chấp bao nhiêu nỗ lực của các tổ chức, quốc gia, một giải pháp kết thúc cuộc chiến Ukraine đều đã thất bại.

Cái sự khoe khoang có quan hệ tốt với các “ông to” trên thế giới, chẳng phải bây giờ ông Trump mới phô phang với thiên hạ. Với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chẳng hạn. Tháng 11-2017, khi đương là tổng thống, ông Trump vừa kêu ca bày tỏ sự thất vọng trong việc thất bại không thể làm bạn với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Đầu năm 2018, ông bất ngờ đổi giọng, nói mình có khả năng có “quan hệ rất tốt” với lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un…

Cả thế giới phập phồng hy vọng. Vậy mà, “quan hệ tốt” chẳng biết tới mức nào, chỉ biết, nó chẳng hề giúp cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội tháng 6-2018 giữa ông Trump và ông Kim Jong-un đạt kết quả. Bình Nhưỡng vẫn thử hạt nhân; tên lửa vẫn được phóng đi đùng đoàng khiến các đồng minh Nhật, Hàn của Mỹ hốt hoảng. Tới tháng 9-2019, ông Trump lại lên tiếng ông muốn gặp lại nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, và khẳng định: Bình Nhưỡng luôn có mong muốn đối thoại (về vấn đề hạt nhân) với Washington…

Kết quả của cái sự “mong muốn và đối thoại” như thế nào, cả thế giới đều đã thấy.

Với ông Putin cũng thế. Hồi tháng 5 năm nay, ông Trump tin rằng nếu ông tái đắc cử vào tháng 11 tới, Tổng thống Nga Putin sẽ trả tự do cho phóng viên Evan Gershkovich của báo Wall Street Journal. Nói chưa đủ, ông Trump còn viết trên mạng xã hội Truth Social, ngày 23-5: “Evan Gershkovich sẽ được thả gần như ngay lập tức sau cuộc bầu cử, Tổng thống Nga Putin sẽ làm điều đó vì tôi chứ không phải bất kỳ ai khác và chúng ta sẽ không phải đáp lại gì cả”.

Đau cho ông Trump, ngay sau đó, đáp lại bình luận này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã vạch trần sự dối trá của ông Trump: “Đương nhiên, hiện tại Tổng thống Putin không có bất cứ liên lạc nào với ông Donald Trump”.

Với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Vào lúc cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới căng thẳng, hai bên phải tính tới đàm phán lần hai, vậy mà, như một kẻ vô duyên, ông Trump xưng xưng rằng: “Ông ấy (ông Tập Cận Bình) làm việc vì Trung Quốc, còn tôi vì nước Mỹ, nhưng bên cạnh đó chúng tôi yêu quý nhau. Chúng tôi đã trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn, nhưng giờ đây mọi thứ tốt đẹp hơn bao giờ hết”…

Kết quả của sự “yêu quý nhau” đó, như mọi người thấy, là hai bên ăn miếng trả miếng từng tý trong kinh tế, chính trị, ngoại giao. Và càng về sau này, hai bên hai càng hăng hái cảnh báo lẫn nhau về cái gọi là “lằn ranh đỏ” khiến mỗi bên buộc phải hành động. Trong khi đó, đáp lại những lời nồng nhiệt của “người bạn” bên kia đại dương, ông Tập Cận Bình gần như chỉ giữ bộ mặt lạnh tanh như thường thấy.

Thế nên, kinh nghiệm cho thấy, một khi ông Trump dành cho ai đó những lời nồng nhiệt, thì đừng vội tin mà hãy coi chừng. Cũng vì thế, dư luận có lý để mỉa mai sự “khoe mẽ” cũng như nghi ngờ khả năng của ông Trump về cái gọi là dùng quan hệ bạn bè với cả ông Putin và ông Zelensky để chấm dứt cuộc chiến Ukraine.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới