Ông Shigeru Ishiba, người sắp trở thành thủ tướng Nhật Bản, tiết lộ những chính sách ông sẽ theo đuổi, bao gồm mong muốn thành lập liên minh ‘NATO châu Á’.
Tham vọng “NATO châu Á”
Trong đó, ông Ishiba nhắc lại tuyên bố trước đó về việc thành lập tại châu Á một liên minh quân sự giống Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong tài liệu giới thiệu chính sách được ông Ishiba gửi cho Viện nghiên cứu Hudson (Mỹ) hồi tuần trước, tân chủ tịch Đảng Dân chủ tự do (LDP) đã nhấn mạnh sự hiện diện của một liên minh quân sự như trên sẽ răn đe Trung Quốc không dùng vũ lực ở châu Á.
Ông Ishiba viết: “Việc thiếu một tổ chức tự vệ tập thể như NATO ở châu Á đồng nghĩa (các nước) không có nghĩa vụ phòng thủ chung, dẫn đến việc chiến tranh dễ nổ ra ở đây hơn”.
Ý tưởng trên nhanh chóng bị Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink bác bỏ.
Bất chấp điều đó, trong buổi họp báo sau khi thắng cử chủ tịch LDP ngày 27-9, ông Ishiba nhắc lại đề xuất trên.
Ông khẳng định “việc suy giảm tương đối sức mạnh của Mỹ” khiến một tổ chức hiệp ước ở châu Á thật sự cần thiết.
Theo Reuters, phiên bản NATO mà ông Ishiba mong muốn sẽ là tập hợp một loạt hiệp ước an ninh và ngoại giao hiện có.
Tiêu biểu trong số đó gồm “Bộ tứ kim cương” (Quad – Nhật Bản, Mỹ, Úc, Ấn Độ), thỏa thuận AUKUS (Úc, Mỹ, Anh) và quan hệ hợp tác an ninh ngày càng sâu rộng giữa Tokyo và Seoul.
Thủ tướng tương lai của Nhật Bản mong muốn liên minh an ninh mới có thể chia sẻ kho vũ khí hạt nhân với Washington nhằm tăng tính răn đe đối với các nước sở hữu vũ khí hạt nhân ở châu Á.
Tiếp tục chính sách kinh tế của ông Kishida
Cũng trong buổi họp báo trên, ông Ishiba đề cập một số trọng tâm chính sách kinh tế của mình. Ông nhấn mạnh tính cấp bách của việc đưa Nhật Bản thoát khỏi thời kỳ “chìm hoàn toàn trong giảm phát”.
Tân chủ tịch đảng cầm quyền Nhật Bản cam kết sẽ đẩy mạnh việc tăng lương cho người dân, cho rằng việc này có thể khôi phục sức cầu của thị trường. Ông Ishiba cho rằng việc khôi phục trên chính là yếu tố chủ chốt để Tokyo thoát khỏi giai đoạn trì trệ.
Ông Ishiba chia sẻ tại họp báo: “GDP của Nhật Bản đã nằm yên trong suốt hai thập kỷ qua. Tốc độ tăng lương không thể vượt lên tốc độ lạm phát. Trừ khi việc tiêu dùng tăng trưởng, nền kinh tế sẽ không tiến triển tốt”.
Những tuyên bố trên cho thấy ông Ishiba nhiều khả năng sẽ tiếp tục thực hiện phần lớn chính sách của chính quyền Thủ tướng đương nhiệm Kishida Fumio.
Trong nhiệm kỳ cầm quyền của mình, ông Kishida chú trọng việc tăng thu nhập người dân và ủng hộ ngân hàng trung ương nước này ngừng các chính sách kích thích tiền tệ quy mô lớn.
Dù ông Ishiba hạn chế nhắc đến chính sách tiền tệ trong buổi họp báo trên, phần đông giới phân tích nhận định chiến thắng của ông sẽ mở đường để Ngân hàng Nhật Bản tiếp tục tăng lãi suất.
Nhà kinh tế Kazutaka Maeda thuộc Viện nghiên cứu Meiji Yasadu nhận định: “Chiến thắng của ông Ishiba sẽ giúp Ngân hàng Nhật Bản tự do hơn. Ông Ishiba có vẻ như không có quan điểm mạnh về chính sách tiền, do đó nhiều khả năng sẽ tôn trọng những quyết định của ngân hàng trung ương”.
T.H