Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐằng sau cái bắt tay

Đằng sau cái bắt tay

Một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đang được sắp xếp. Đó là thông tin từ Nhà Trắng và ông Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, mới đây.

Ông Blinken và ông Vương Nghị gặp nhau ngày 27/09 tại New York

Cuộc điện đàm chưa thấy tăm hơi đâu, nhưng cái bắt tay giữa ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 27/09 tại New York, Mỹ thì là sự thật. Trong bối cảnh bang giao Mỹ – Trung căng thẳng, có người đánh giá: sự kiện ấy thể hiện thiện chí của cả hai bên, có thể tác động tích cực đến câu chuyện Biển Đông cũng như nhiều vấn đề gây nên những khúc mắc giữa hai siêu cường.

Thiện chí thì có thể, ít nhất là phía Mỹ. Trước những vụ va chạm với các tàu chiến, máy bay Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ từng lo ngại về các tình huống “mất kiểm soát quân sự” dẫn đến một cuộc xung đột thật sự với Trung Quốc trong khu vực này. Vì thế, từ năm 2023, Washington đã chủ động đánh tiếng đề nghị giới chức quốc phòng hai nước có các cuộc gặp nhau bàn về nguy cơ đó. Ngay cả khi Bắc Kinh tỏ thái độ “khinh khỉnh”, Washington vẫn kiên trì, nhẫn nhục thực hiện “khổ nhục kế” để có thể gặp đối thủ. Tại Đối thoại Shangri-La 2023 ở Singapore, trong tiệc chiêu đãi tối 2/6, ông Lloyd Austin đã phải muối mặt “sán” đến để trao đổi ngắn với người đồng cấp Trung Quốc (khi đó) là ông Lý Thượng Phúc.

Cuộc trao đổi này đã “không thể coi là một cuộc trao đổi thực chất” – như bình luận sau đó của ông chuẩn tướng Pat Ryder – người phát ngôn Lầu Năm Góc. Nói trắng ra, là thất bại. Trong sự thất bại này, Mỹ bị coi là “thất thế”.

Những gì diễn ra trên Biển Đông sau đó, điển hình như vụ việc xảy ra ngày 24/10/2023: một chiếc máy bay phản lực J-11 của Trung Quốc áp sát máy bay B-52 của Mỹ đến mức chỉ còn cách 3m, trên Biển Đông, đã xác nhận chẳng phải vì hậm hực với Bắc Kinh mà Lầu Năm Góc nói vống lên cho bõ tức cũng như có cớ chỉ trích Trung Quốc thiếu thiện chí và vô trách nhiệm.

Trở lại cuộc gặp giữa ông Blinken và ông Vương Nghị. Tay nắm tay, nhưng gương mặt chẳng chút dấu hiệu mặn mà đã phản ảnh không chỉ sự thận trọng, cảnh giác của hai “cáo già” ngoại giao đối với nhau, mà còn phơi bày rằng: kết quả trao đổi giữa hai người về “các hành động nguy hiểm và gây bất ổn của Trung Quốc ở Biển Đông và thảo luận việc cải thiện liên lạc giữa quân đội hai nước” – như thông tin sau đó của ông Blinken với truyền thông – giỏi lắm cũng chỉ hơn con số 0 tròn trĩnh tý chút.

Một lần nữa, thực địa trên Biển Đông chứng minh nhận định trên chỉ sau đó vài giờ. Ông Blinken và ông Vương Nghị vừa rời tay nhau, sáng 28/9, Chiến khu miền Nam của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tuyên bố tiến hành diễn tập không quân và hải quân tại khu vực gần bãi cạn Scarborough trên Biển Đông. Nội dung diễn tập là các bài tập “trinh sát, cảnh báo sớm và tuần tra trên không – trên biển”.

Chuyện Trung Quốc tập trận trên Biển Đông thì khó tính hết. Nhưng lần này, ngoài việc cho thấy ông Blinken và ông Vương Nghị lẽ ra nên dành thời gian cho những việc khác thiết thực hơn, thay vì gặp nhau bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York vừa qua, còn thể hiện những điều hy hữu.

Trước hết, Trung Quốc triển khai cuộc diễn tập này cùng thời điểm với cuộc tập trận chung của Mỹ, Úc, Nhật Bản, New Zealand và Philippines cũng trên Biển Đông, với lực lượng tham gia gồm tàu khu trục Sazanami (Nhật Bản), tàu tuần dương HMAS Sydney và máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon (Úc). (Liên quan tàu Sazanami, chiếc khu trục này, trước khi tham gia tập trận với Mỹ và các nước trên, đã kịp làm cú thách thức Bắc Kinh khi lần đầu tiên lừng lững đi qua eo biển Đài Loan vốn là nơi Trung Quốc liên tục giám sát, nhòm ngó…)

Thế nghĩa là, gặp nhau đấy, nhưng cả ông Vương Nghị và ông Blinken đều “đi guốc trong bụng nhau” nên tay trong tay mà đầu đã đầy ắp toan tính, chuẩn bị động thái dằn mặt đối thủ ngay sau đó.

Chẳng chút úp mở, Bắc Kinh nói thẳng băng việc Chiến khu miền Nam của PLA mở cuộc tập trận trên là do “Một số nước nằm ngoài khu vực đang gây rắc rối trên Biển Đông, dẫn đến sự mất ổn định trong vùng. Trung Quốc có chủ quyền không thể bàn cãi với đảo Huangyan (cách Bắc Kinh gọi bãi cạn Scarborugh) và những vùng nước xung quanh. Binh sĩ chiến khu duy trì mức độ cảnh giác cao, quyết tâm bảo vệ chủ quyền, an ninh, quyền và lợi ích hàng hải của quốc gia; quyết tâm duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông”. Những nước “nằm ngoài khu vực…” đó là nước nào? Câu trả lời khỏi phải nói. Cảnh báo đã đành. Bên cạnh đó, hàm ý của Bắc Kinh còn là thách thức, răn đe nữa.

Binh tình đó đã và đang khiến dư luận chán nản, chẳng thể nào lạc quan tin tưởng vào kết quả những cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo hoặc quan chức cấp cao của hai siêu cường Mỹ – Trung nữa

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới