Thursday, December 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMột thế giới chỉ thấy súng đạn!

Một thế giới chỉ thấy súng đạn!

Thế giới đang trong thời kỳ vô cùng ngột ngạt. Ở đâu cũng thấy nói tới chiến tranh, hạt nhân nguyên tử, các thương vụ cung cấp, mua bán vũ khí… Khái niệm “Sen đầm quốc tế” tưởng đã tạm lắng nay đang trỗi dậy.

Thời chiến tranh Lạnh, có sự xuất hiện một Lực lượng của đế quốc tự coi mình là có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Người ta gọi đó là “Sen đầm’ hay “Sen đầm quốc tế”. Nay, đã bước vào thời kỳ hậu chiến tranh Lạnh gần nửa thế kỷ, bỗng nhiên xuất hiện trở lại cụm từ này. Theo các nhà phân tích, Sen đầm trong thời đại ngày nay tỏ ra linh hoạt, khôn khéo hơn, phù hợp với chính sách mập mờ chiến lược. Có học giả dùng từ Sen đầm bằng giấy và nói trắng ra rằng đó là Mỹ và phương Tây.

Thật ra những thế lực đứng sau chiến tranh ủy nhiệm ở Ukraine, hay đứng sau Israel làm nung nóng lò lửa chiến tranh Trung Đông, rồi gây căng thẳng ở Biển Đông, Eo biển Đài Loan… đều có thể coi là những Sen đầm quốc tế bằng giấy. Họ nhân danh tiếng nói và quyết định tập thể của các tổ chức đa phương, nhân danh bảo vệ hòa bình, công lý để chống lưng cho đồng minh của mình. Mới đây ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói một cách rất hình ảnh rằng: “Tôi thấy Tổng thống Ukraine Zelensky là người bán hàng vĩ đại nhất trong lịch sử. Mỗi lần ông ấy đến đất nước này, ông ấy lại mang về 60 tỷ USD”. Ý ông Trump nói, khoản 60 tỷ USD là khoản viện trợ vũ khí phục vụ cho cuộc chiến chống lại Nga.

Sự kiện nóng nhất, Tổng thống Mỹ Joe Biden, hôm 29/9/2024, đã phê duyệt gói viện trợ trị giá hơn nửa tỷ USD để hỗ trợ quốc phòng Đài Loan. Thông cáo của Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden yêu cầu Ngoại trưởng Antony Blinken gửi “các thiết bị và dịch vụ quốc phòng trị giá lên tới 567 triệu USD để hỗ trợ Đài Loan”.

Nhà Trắng giải thích, gói hỗ trợ này nằm trong khuôn khổ Kế hoạch viện trợ quy mô lớn được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 4/2024, với hơn 8 tỷ USD được huy động để giúp Đài Loan. Vì sao phải giúp? Quốc hội Mỹ cho rằng, nếu không giúp đỡ thì Đài Bắc khó có thể đương đầu với quân đội Trung Quốc. Washington cũng hỗ trợ Đài Bắc về mặt kinh tế, giúp cạnh tranh với các dự án lớn của Bắc Kinh ở những nước đang phát triển.

Đúng là một sự ngụy biện! Phản ứng lại việc này, Bắc Kinh cho rằng, Washington hỗ trợ Đài Bắc như thế là đã can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Trong khi đó chính quyền của Tổng thống Lại Thanh Đức tuyên bố, hòn đảo này hiện đang trong tình trạng cảnh giác cao độ. Bởi vì quân đội Đài Loan đã phát hiện “sóng” tên lửa được phóng bên trong lãnh thổ Trung Quốc, vài ngày sau khi Bắc Kinh tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Mỹ có trách nhiệm giúp Đài Loan đủ sức chống lại âm mưu thôn tính Đài Loan bằng vũ lực.

Bộ Quốc Phòng Đài Loan nhấn mạnh “lực lượng phòng không duy trì cảnh giác cao độ. Bất kỳ hành động đe dọa và khiêu khích nào của Trung Quốc sẽ làm suy yếu nghiêm trọng sự ổn định trong khu vực”.

Các nhà phân tích thân phương Tây bênh vực hành động ủng hộ Đài Loan cho rằng, dù không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, Mỹ vẫn là nhà bảo trợ và cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Đài Loan. Không phải ngẫu nhiên mà đầu năm nay Tổng thống Mỹ Biden đã ký luật cung cấp hàng tỉ USD giá trị tiền viện trợ mới cho Ukraine, Israel và Đài Loan.

Phương Tây “vô cùng lo lắng” trước tuyên bố “thu phục Đài Loan” do Trung Quốc đưa ra, cũng như việc Bắc Kinh tăng cường hiện diện quân sự quanh hòn đảo này. Được sự cổ súy của đồng minh, tuy công nhận chính sách “Một Trung Quốc” nhưng Mỹ luôn giữ vững cam kết với Đài Loan.

Trước thực trạng nêu trên, nhiều nhà phân tích lên tiếng, rằng, Mỹ không nên biến mình thành “Sen đầm bằng giấy”. Tờ Le Figaro của Pháp bình luận với thái độ thẳng thắn. Rằng, ông Biden khẳng định Mỹ “quay lại trên trường quốc tế”, nhưng những tuyên bố đao to búa lớn đó không đi đôi với phương tiện và bối cảnh hiện thời. Washington đã đánh giá thấp chiều sâu của cuộc khủng hoảng chính trị trong nước.

“Nước Mỹ quay lại” có ý nghĩa gì? Phải chăng là quay lại với các đồng minh châu Âu và châu Á, với vai trò cường quốc “giữ trật tự thế giới”, bảo vệ dân chủ trước các chế độ độc tài, trước hết là Trung Quốc ? Tờ Le Figaro cho rằng, các mục tiêu của những con diều hâu cánh tự do (tức cánh tả) của Biden không phù hợp với phương tiện quân sự hiện có. Washington không nên cao giọng ở khắp nơi, biến mình thành “Sen đầm bằng giấy”.

Một thế giới hòa bình, phát triển, thịnh vượng là mục tiêu cao cả, bền vững của cả loài người. Nếu ở đâu cũng tràn ngập vũ khí và những lời ngụy biện, đạo đức giả, thì thế giới ấy sẽ đi về đâu? Hãy bắt đầu ngày bây giờ, khoan hãy bàn chuyện kiến tạo tương lai xa xôi.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới