Wednesday, December 18, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ lần đầu phóng vệ tinh có thể được thu hồi, tái...

TQ lần đầu phóng vệ tinh có thể được thu hồi, tái sử dụng

Trung Quốc ngày 27.9 đã phóng thành công Thực Tiễn 19 (Shijian 19), một vệ tinh thử nghiệm có thể tái sử dụng và thu hồi đầu tiên của nước này vào không gian.

Tên lửa Trường Chinh 2D mang theo vệ tinh tái sử dụng đầu tiên của Trung Quốc Thực Tiễn 19, phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền (Trung Quốc) vào ngày 27.9.2024


Tên lửa Trường Chinh 2D mang theo vệ tinh Thực Tiễn 19 được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền thuộc tây bắc Trung Quốc. Bản tin không nêu rõ thời điểm vệ tinh sẽ trở về trái đất. Theo Đài CCTV, Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh tái sử dụng đầu tiên vào ngày 27.9 trong sứ mệnh nhằm đạt được tiến bộ trong khoa học hạt giống, nghiên cứu trọng lực vi mô và hợp tác quốc tế trong không gian.

Vệ tinh Thực Tiễn 19 đã đạt được nhiều đột phá về công nghệ và được kỳ vọng sẽ nâng cao đáng kể trình độ kỹ thuật, cũng như hiệu quả ứng dụng của các vệ tinh có thể thu hồi của Trung Quốc. Nếu thành công, Thực Tiễn 19 sẽ là vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc có phương tiện tái nhập có thể tái sử dụng.

Ngoài ra, Thực Tiễn 19 còn mang theo tải trọng từ 5 quốc gia, bao gồm Thái Lan và Pakistan, như một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực không gian.

Nhiệm vụ chính của vệ tinh Thực Tiễn 19 tập trung vào việc tiến hành các thí nghiệm đột biến không gian với hạt giống. Bằng cách phơi hạt giống với bức xạ vũ trụ và trọng lực vi mô, các thí nghiệm có thể dẫn đến các đột biến có giá trị trong quá trình phát triển các giống cây trồng mới.

Theo bản tin của CCTV, việc tạo ra các giống mới có thể giúp hiện thực hóa tính tự chủ về khoa học và công nghệ của ngành công nghiệp hạt giống cũng như kiểm soát độc lập nguồn hạt giống. CCTV cho biết các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng có kế hoạch thử nghiệm hiệu suất của các thành phần và vật liệu do nước này phát triển bằng vệ tinh mới.

Các nhà nghiên cứu cũng sẽ sử dụng vệ tinh có thể tái sử dụng này để thực hiện các thí nghiệm không gian và thúc đẩy phát triển các công nghệ không gian mới, đóng góp vào các lĩnh vực như khoa học vi trọng lực và khoa học sự sống trong không gian.

Là quốc gia thứ 3 phóng và thu hồi tàu vũ trụ sau Mỹ và Nga, Trung Quốc đã thực hiện hàng chục nhiệm vụ vệ tinh và cải thiện đáng kể các công nghệ liên quan vệ tinh. Dựa trên thành công này, Trung Quốc cũng thực hiện các sứ mệnh đưa người lên vũ trụ và lấy mẫu đất từ mặt trăng.

Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đang nghiên cứu và phát triển các tên lửa có thể tái sử dụng tương tự như Falcon 9 hoặc Starship của tập đoàn không gian SpaceX (Mỹ).

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới