Wednesday, December 18, 2024
Trang chủĐàm luậnKhông thể tin vào lời hứa viển vông của Bắc Kinh

Không thể tin vào lời hứa viển vông của Bắc Kinh

Giới quan sát có chung một nhận định trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã nhiều lần cam kết và đảm bảo với các quốc gia về ý định và hành động của mình ở Biển Đông, nhưng lại thường xuyên nuốt lời và làm ngược lại với những gì đã cam kết. Đây vừa là bản chất vừa là thủ đoạn của giới cầm quyền ở Bắc Kinh nhằm thực hiện tham vọng thôn tính, độc chiếm Biển Đông. Có thể đưa ra rất nhiều dẫn chứng khẳng định cho điều này.

1. Năm 2002, Trung Quốc đã đồng ý với Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) với 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, nhưng họ đã thường xuyên vi phạm nhiều nguyên tắc của thỏa thuận này, vốn là nền tảng cho hợp tác và ổn định trong khu vực. COC bao gồm cam kết không chiếm đóng “các đảo, đá ngầm, bãi cạn, bãi đá ngầm và các địa hình khác hiện đang không có người ở”. Tuy nhiên, trong những năm sau đó, Trung Quốc đã mở rộng các tiền đồn của mình trên một số thực thể mà họ chiếm đóng ở Biển Đông và chiếm đóng Bãi cạn Scarborough đang tranh chấp vào năm 2012.

Theo DOC, Trung Quốc cũng hứa sẽ “kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp”, và giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp với các quốc gia có yêu sách chồng lấn trên biển, bao gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc đã có nhiều hành động hung hăng, bắt nạt láng giềng, cố ý gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông và coi thường luật pháp quốc tế.

2. Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, những lời thất hứa và vi phạm cam kết của Bắc Kinh lại càng gia tăng. Vào tháng 9 năm 2015, ông Tập cam kết rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa Biển Đông. Trong chuyến thăm Nhà Trắng ở Washington D.C, ông Tập cho biết “Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hóa” quần đảo Trường Sa và các tiền đồn của họ sẽ “không nhắm mục tiêu hoặc tác động đến bất kỳ quốc gia nào”.

Tuy nhiên, trên thực tế Trung Quốc đã đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, biến các thực thể mà họ chiếm đóng thành những tiền đồn quân sự. Theo đó, Trung Quốc bố trí các trang thiết bị quân sự; triển khai tên lửa hành trình chống hạm; mở rộng khả năng radar quân sự và tình báo tín hiệu; xây dựng các nhà chứa máy bay chiến đấu và các đường băng dài và lớn phục vụ cho máy bay chiến đấu, cùng nhiều hành động khác.

Trung Quốc tiếp tục sử dụng các tiền đồn quân sự hóa để khẳng định quyền kiểm soát đối với cái mà họ gọi là “vùng lãnh hải” mà Bắc Kinh hoàn toàn không có chủ quyền, quyền chủ quyền hợp pháp. Trung Quốc sử dụng các tiền đồn này để triển khai hàng trăm tàu dân quân hàng hải và tàu hải cảnh nhằm thường xuyên quấy rối tàu thuyền dân sự của các nước và cản trở các hoạt động thực thi pháp luật hợp pháp, ngăn cản hoạt động đánh bắt cá ngoài khơi và khai thác dầu khí của các quốc gia khác ven Biển Đông.

3. Trung Quốc từng nhiều lần cao giọng cam kết duy trì “tự do hàng hải và bay qua Biển Đông như quy định trong các nguyên tắc luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi,” bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tuy nhiên, Trung Quốc lại đơn phương ban hành các đạo luật trái với các định của UNCLOS cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc lên tàu nước ngoài lục soát, bắt giữ tàu và thuyền viên nước ngoài, thậm chí cho phép lực lượng này bắn vào tàu thuyền nước ngoài. Điều này rõ ràng vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế về tự do hàng hải.

Trên thực địa, trong 1 năm qua (từ tháng 8/2023) Trung Quốc đã nhiều lần cố gắng ngăn cản Philippines tiếp tế cho quân nhân đóng trên tàu BRP Sierra Madre tại Bãi Cỏ Mây thậm chí bất chấp lời hứa không làm như vậy. Bãi cạn này nằm trên thềm lục địa của Philippines và đã được làm rõ trong phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài. Hải cảnh Trung Quốc nhiều lần phun vòi rồng, đâm va, thậm chí dùng rìu, gậy nhọn tấn công tàu và thuyền viên của Philippines. Hải cảnh Trung Quốc còn ngăn cản Philippines đưa một binh sĩ bị bệnh từ Bãi Cỏ Mây về Palawan, một hành động hết sức vô nhân đạo. Tất cả những hành vi này của Bắc Kinh là cản trở tự do hàng hải, đe doạ an ninh trên biển.

Trên không, máy bay chiến đấu Trung Quốc đã nhiều lần gây nguy hiểm cho các máy bay của Mỹ, của Úc đang hoạt động trên bầu trời Biển Đông. Gần đây nhất là giữa tháng 8 năm 2024, máy bay chiến đấu của Trung Quốc tham gia vào những gì Manila coi là hành động khiêu khích và gây nguy hiểm cho máy bay tuần tra của Philippines trên Bãi cạn Scarborough, nơi Philippines thường xuyên tuần tra.

4. Lấy một ví dụ trong vấn đề trên biển giữa Bắc Kinh và Hà Nội để thấy được sự bất tín trong những cam kết của Trung Quốc. Năm 2011, Bắc kinh và Hà Nội đã ký kết Thoả thuận về những nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển. Trong đó, Bắc Kinh cam kết giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác. Hai bên thường xuyên nhấn mạnh việc tôn trọng Thoả thuận về những nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển năm 2011. Tuy nhiên, bất chấp những thoả thuận đó, năm 2014, Trung Quốc đã cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa miền Trung Việt Nam khiến quan hệ hai nước hết sức căng thẳng và làn song “bài Hoa” nổi lên mạnh mẽ ở Việt Nam. Vụ việc cho thấy những cam kết của Bắc Kinh đã bay theo gió. Từ bài học xương máu đó nên mặc dù hết sức coi trọng quan hệ với Trung Quôc, nhưng Hà Nội vẫn luôn đề cao cảnh giác trước những ý đồ của Bắc Kinh ở Biển Đông.

5. Ngay cả việc Trung Quốc nuốt lời hứa để chiếm Bãi cạn Scarborough năm 2012 cũng là một minh chứng hết rõ ràng về việc đừng có tin vào những lời hứa hão huyền của Bắc Kinh. Liên quan tới tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở khu vực Bãi cạn Scarborough năm 2012, Trung Quốc có đề nghị Mỹ làm trung gian để giải quyết căng thẳng ở Bãi cạn Scarborough theo hướng cả Trung Quốc và Philippines cùng rút tàu ra khỏi khu vực này. Tin vào những cam kết của Bắc Kinh, Washington đã khuyên Manila rút tàu ra khỏi Scarborough để giảm căng thẳng. Theo lời khuyên của Mỹ, Philippines cho rút tàu ra khỏi Bãi cạn Scarborough, nhưng sau đó tàu Trung Quốc không rút mà khống chế và chiếm luôn Scarborough từ đó đến nay.

Vụ việc này cũng giúp Mỹ và Philippines nhận được một bài học sâu sắc về mất niềm tin vào những lời hứa và cam kết của Trung Quốc, họ thường nói một đằng làm một nẻo. Một số chuyên gia còn cho rằng vụ việc Trung Quốc chiếm Bãi cạn Scarborough từ Philippines năm 2012 cho thấy sự lừa dối trắng trợn của giới cầm quyền Bắc Kinh, họ không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để chiếm đoạt các thực thể và các vùng biển ở Biển Đông.

6. Gần đây nhất là một “thoả thuận tạm thời” đạt được giữa Philippines và Trung Quốc ngày 21/7/2024. Thỏa thuận tạm thời được đưa ra sau một loạt các cuộc đụng độ kéo dài nhiều tháng. Với thoả thuận này, Trung Quốc cam kết cùng với Philippines nỗ lực giảm căng thẳng, khôi phục niềm tin sau những va chạm liên tục ở khu vực Bãi Cỏ Mây.

Tuy nhiên, khi mà “thoả thuận tạm thời” còn chưa ráo mực thì chưa đầy một tháng sau, Trung Quốc lại liên tiếp có những hành động hung hăng với Philippines cả ở trên không và trên biển. Lần đầu tiên máy bay Trung Quốc uy hiếp, gây nguy hiểm với các máy bay tuần tra của Philippines trên bầu trời Biển Đông. Đặc biệt, từ 19-31/8/2024, tàu hải cảnh Trung Quốc 3 lần cố tình đâm vào tàu của Philippines ở khu vực Bãi Sa Bin, làm hư hại các tàu philipines và đe doạ an toàn của thuỷ thủ đoàn.

Ba vụ đối đầu trong vòng hơn 1 chục ngày ở khu vực Bãi Sa Bin khiến tình hình nghiêm trọng đến mức Mỹ đã ngay lập tức lên tiếng phản đối Trung Quốc và một lần nữa khẳng định mạnh mẽ về hiệp ước phòng thủ chung với Philippines năm 1951. Đáng chú ý trong cuộc gặp với Tướng Romeo Brawner – Chỉ huy các lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Samuel Paparo – Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ đã đưa ra đề xuất về việc Mỹ tham gia hoặc hộ tống Philippines trong các nhiệm vụ tiếp tế ở Biển Đông. Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản… cũng nhanh chóng lên án hành vi hung hăng nhằm vào tàu Philippines khiến Bắc Kinh hết sức tức tối.

Những vụ chạm trán giữa tàu và máy bay của Trung Quốc và Philippines xảy ra trong tháng 8 vừa rồi mâu thuẫn với các nỗ lực đã được tuyên bố của Trung Quốc trong việc xây dựng lại niềm tin và kiềm chế không để xảy ra các cuộc đối đầu trên biển và trên không. Giới chuyên gia nhận định, bất chấp việc Bắc Kinh đã hứa cùng nỗ lực “khôi phục niềm tin” và “xây dựng lại lòng tin” để quản lý các tranh chấp hàng hải, song qua những vụ việc vừa qua có thể thấy vấn đề xây dựng niềm tin trong quan hệ Trung Quốc – Philippines ở Biển Đông chỉ là “một thứ xa xỉ”.

Giới chuyên gia nhận định mưu đồ thực sự của Trung Quốc là muốn thay đổi hiện trạng bằng việc gây sức ép dưới mức chiến tranh (trên thực tế là chiến thuật “vùng xám”) để làm kiệt quệ các quốc gia buộc họ phải nhượng bộ trước yêu sách của Bắc Kinh. Theo đó, các hoạt động hung hăng của Trung Quốc trong thời gian gần đây, trong đó hải cảnh Trung Quốc đã vung dao, mã tấu và rìu, búa vào các thủy thủ Philippines, là nhằm kích động nỗi sợ hãi của thuỷ thủ Philippines không dám đáp trả. Việc Bắc Kinh tìm kiếm các thoả thuận với các nước láng giềng chỉ là màn che đậy những hành vi hiếu chiến của họ để né tránh sự chỉ trích, lên án của cộng đồng quốc tế.

Theo giới chuyên gia, Bắc Kinh luôn kéo các nước vào các thoả thuận song phương vừa để dễ dàng bắt nạt các nước trong quá trình đàm phán về nội dung thoả thuận và vừa để có thể đơn phương phá bỏ các cam kết khi cần thiết. Đối với các thoả thuận đa phương sẽ khó cho Trung Quốc khi muốn tự ý phá vỡ cam kết. Đây cũng là nguyên nhân vì sao Trung Quốc cam kết nỗ lực cùng các nước ASEAN để sớm thông qua một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhưng luôn tìm cách trì hoãn để cản trở đạt được thỏa thuận.

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc đã nhiều lần thể hiện ở Biển Đông và những nơi khác rằng họ không thành thật về việc đạt được thỏa hiệp hoặc tuân thủ các thỏa thuận. Các nhà phân tích nhận định, Bắc Kinh giả vờ đàm phán để trì hoãn và phá vỡ các thỏa thuận nhằm phục vụ cho mục tiêu và tham vọng của họ, và hành động gây hấn gần đây của họ đối với Philippines tuân theo mô hình đó. Các nước ven Biển Đông cần hết sức tỉnh táo để tránh bị Bắc Kinh giăng bẫy. Dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là không khi nào thay đổi. Giới cầm quyền Bắc Kinh đã hứa rất nhiều nhưng thất hứa cũng thật nhiều, những câu truyện kể trên là những minh chứng rất rõ ràng về điều này. Có một Logic là không thể tin và không nên tin vào những cam kết của những kẻ bất chấp luật pháp quốc tế và cũng bất chấp uy tín như Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới