Hãng thông tấn Tass dẫn lời chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Akhmat – Thiếu tướng Apty Alaudinov cho biết, một số lính đánh thuê nước ngoài từng phục vụ cho Ukraine tại tỉnh Kursk đã bị loại bỏ.
Theo ông Alaudinov, những lính đánh thuê này đều được coi là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga. Ông nói thêm, rằng không có gì ngạc nhiên khi có nhiều lính đánh thuê đến từ các quốc gia được coi là thân thiện với Nga.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch ở tỉnh Kursk đến nay, thiệt hại của Ukraine đã lên tới hơn 17.750 quân nhân, 131 xe tăng, 62 xe chiến đấu bộ binh, 97 xe bọc thép chở quân, 837 xe chiến đấu bọc thép, 143 khẩu pháo, 31 bệ phóng rocket đa nòng, tám bệ phóng tên lửa phòng không, năm xe vận chuyển và nạp đạn, 37 trạm radar,…
Ukraine bắn hạ 69 máy bay không người lái
Theo Không quân Ukraine, quân đội Nga đã phóng tổng cộng 77 vũ khí bao gồm: hai tên lửa đạn đạo Iskander-M, hai tên lửa không-đối-đất Kh-59/69, 73 máy bay không người lái tấn công nhằm vào Ukraine trong đêm 27, rạng sáng 28/9.
Trong đó, lực lượng Ukraine đã bắn hạ hai tên lửa không-đối-đất Kh-59/69 và 69 máy bay không người lái. Một máy bay không người lái đã bay về phía Nga và ba máy bay đã biến mất khỏi radar trên lãnh thổ Ukraine.
Bom lượn Nga phá hủy nhà máy sản xuất máy bay không người lái của Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố đoạn video cho thấy bom lượn của quân đội nước này đã phá hủy một trong những cơ sở sản xuất máy bay không người lái lớn của Ukraine ở khu vực Zaporozhye.
Quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng bom lượn trang bị mô đun hiệu chỉnh và phổ quát UMPC vào nhà máy sản xuất máy bay không người lái (UAV) Motor Sich của Ukraine ở khu vực Zaporozhye. Vụ không kích đã phá hủy hoàn toàn xưởng lắp ráp cũng như các kho chứa của nhà máy.
Ivan Fyodorov, người đứng đầu chính quyền Kiev tại đây, xác nhận cuộc tấn công của Nga vào một cơ sở công nghiệp tại thành phố Zaporozhye vào tối 25/9.
Nhà máy Motor Sich là một cơ sở quan trọng trong ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine – nơi sản xuất và sửa chữa nhiều loại máy bay, bao gồm cả động cơ và linh kiện cho UAV.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột vào tháng 2/2022, cả Nga và Ukraine đã đầu tư mạnh vào công nghệ và sản xuất máy bay không người lái. Trong khi, Chính phủ Ukraine tuyên bố sẽ thúc đẩy đáng kể việc lắp ráp máy bay không người lái trong nước, biến quốc gia này thành một cường quốc về máy bay không người lái trong bối cảnh xung đột đang diễn ra thì phía Nga cho biết, Moscow sẽ tăng gấp 10 lần sản lượng UAV trong năm 2024 với mục tiêu đạt gần 1,4 triệu chiếc trong năm.
Tổng thống Ukraine Zelensky chưa đạt được mục tiêu của chuyến thăm Mỹ
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ kết thúc chuyến thăm Mỹ dù chưa được Washington cho phép sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Theo tờ The Times, trong chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Ukraine Zelensky đã đề nghị Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris dỡ bỏ hạn chế đối với việc sử dụng tên lửa Storm Shadow và ATACMS để tấn công các mục tiêu quân sự sâu bên trong lãnh thổ Nga.
“Tuy nhiên, chưa có sự thay đổi nào trong lập trường của Washington về việc sử dụng tên lửa tầm xa. Điều này diễn ra chưa đầy 24 giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, rằng một cuộc tấn công thông thường nhằm vào Nga của Ukraine và phương Tây có thể kích hoạt phản ứng hạt nhân”, tờ The Times viết.
Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ Biden vẫn tái khẳng định sự ủng hộ liên tục của Washington đối với Ukraine, công bố một gói viện trợ quân sự trị giá khoảng 8 tỷ đô la Mỹ, bao gồm bom lượn chính xác cao JSOW có thể tấn công ở khoảng cách hơn 100 km.
Trong khi đó, tờ Politico của Mỹ trích dẫn các nguồn tin cho biết, Tổng thống Joe Biden và các trợ lý cũng đặt câu hỏi về quyết định của Tổng thống Ukraine trong việc phát động một cuộc tấn công vào tỉnh Kursk của Nga.
Các nguồn tin tiết lộ Mỹ lo ngại “về quỹ đạo dài hạn của cuộc xung đột”. Tổng thống Biden cũng “có phần nghi ngờ về ‘kế hoạch chiến thắng’ của ông Zelensky”.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov trước đó đã mô tả chuyến thăm Washington của ông Zelensky là “một chuyến đi theo phong cách Hollywood”.
Tổng thống Belarus tiết lộ việc vẫn giữ liên lạc với Ukraine
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói rằng Minsk vẫn duy trì liên lạc với Ukraine thông qua một số kênh nhất định. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải tổ chức các cuộc đàm phán với Kiev để chấm dứt xung đột.
Phát biểu trước các sinh viên tại một trường đại học ở Belarus, ông Lukashenko cho biết: “Tôi có thể công khai nói rằng, chúng tôi vẫn duy trì liên lạc với Ukraine thông qua một số kênh nhất định. Bạn cũng có thể thấy mối quan hệ của chúng tôi với Nga. Và chúng tôi đang cố gắng đạt được kết quả tốt đẹp bằng cách duy trì các mối liên lạc. Nhưng đến nay, ông Zelensky vẫn không muốn lắng nghe. Vì sao? Vì người Mỹ đã đẩy Ukraine vào cuộc xung đột này”.
Tổng thống Belarus cho rằng “cần phải đồng ý với Ukraine, cần phải chấm dứt xung đột”.
“Hãy nhớ về Thế chiến II và Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Belarus nhìn chung đã bị phá hủy. Và có vẻ như thế hệ của bạn, thậm chí là thế hệ của tôi, cũng đã nói chuyện bình thường với người Đức. Điều này có nghĩa là ký ức của con người, bất kể nó là gì, vẫn có thể chữa lành những vết thương”, ông Lukashenko nhấn mạnh. “Với xung đột Ukraine. Chúng ta không nên đi xa hơn nữa. Chúng ta phải đàm phán. Đây là lập trường kiên định của tôi”, ông Lukashenko nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Belarus nói rằng, ông đã có một thỏa thuận với Ukraine là không vạch trần sự thật về máy bay không người lái bay vào không phận Belarus.
“Mỹ, trong một số trường hợp, đã đề nghị Kiev tấn công cơ sở hạ tầng của Belarus ở biên giới phía nam”, ông Lukashenko nói, đồng thời cảnh báo “một cuộc tấn công vào Belarus sẽ đồng nghĩa với Thế chiến III”.
T.H