Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnViệt Nam - Mông Cổ ra Tuyên bố chung về quan hệ...

Việt Nam – Mông Cổ ra Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác toàn diện

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Mông Cổ đã ra Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện nhằm định hướng cho sự hợp tác tin cậy sâu sắc giữa hai nước.

Nhận lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp nhà nước tới Mông Cổ từ ngày 30-9 đến 1-10.


Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu của Mông Cổ tại khu vực

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Mông Cổ, ngày 30-9 tại thủ đô Ulan Bator, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc hội đàm hẹp và tiến hành hội đàm chính thức với Tổng thống Mông Cổ Khurelsukh.

Phát biểu tại hội đàm, Tổng thống Khurelsukh nhiệt liệt chào mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam thăm cấp nhà nước tới Mông Cổ; coi đây là chuyến thăm lịch sử góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam và Mông Cổ.

Ông Khurelsukh đánh giá cao đường lối đối ngoại mềm dẻo, cân bằng, đa phương hóa, đa dạng hóa; chúc mừng những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua; khẳng định Mông Cổ coi trọng quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực.

Nhân dịp này, Tổng thống Khurelsukh chuyển lời cảm ơn tới Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã hỗ trợ 500.000 USD để khắc phục thiên tai thời gian vừa qua.

Tổng thống Khurelsukh nhắc lại việc Ủy ban liên chính phủ sẽ họp vào tháng 11-2024 tại Hà Nội và sẽ trao đổi các biện pháp triển khai Tuyên bố chung Việt Nam – Mông Cổ về thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cảm ơn Tổng thống Khurelsukh, Nhà nước và nhân dân Mông Cổ đã dành cho đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp thân tình, trọng thị và chu đáo; chúc Nhà nước và nhân dân Mông Cổ sẽ thực hiện thành công “Chính sách phục hồi mới” và các mục tiêu chiến lược “Tầm nhìn 2050”, qua đó góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Mông Cổ.

Thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện

Trong không khí tin cậy, chân thành và cởi mở, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng và hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả của quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước trong những năm qua.

Hai nhà lãnh đạo đã đi sâu trao đổi và đạt nhận thức chung quan trọng về các phương hướng lớn và biện pháp cụ thể nhằm triển khai các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao, trong đó hợp tác quốc phòng, an ninh là trụ cột, góp phần đưa quan hệ hai nước xứng tầm với khuôn khổ quan hệ mới, phù hợp với tình hình thực tế của khu vực và thế giới.

Đồng thời, nhất trí tăng cường giao lưu, tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp với các hình thức đa dạng, linh hoạt; triển khai tốt các cơ chế hợp tác và đối thoại hiện có; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về ngoại giao, quốc phòng, an ninh, tư pháp; tăng cường phối hợp phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc; tiếp tục hỗ trợ phát triển kỵ binh – biểu tượng của quan hệ hai nước.

Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế phát triển thực chất, hiệu quả và phù hợp với nhu cầu của mỗi bên; duy trì các cơ chế hợp tác kinh tế song phương, trong đó có cơ chế Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và kỹ thuật; tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp hai nước, qua đó góp phần tăng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Mông Cổ; hỗ trợ thông tin, cơ chế, chính sách thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mỗi nước tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau, nhất là các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước; nhất trí hỗ trợ chính sách, khuyến khích doanh nghiệp hai bên đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh, các khu kinh tế, công nghiệp.

Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí tăng cường hợp tác nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ cao, công nghệ số, đổi mới sáng tạo, công nghệ trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác khoáng sản, chăn nuôi; cùng phối hợp tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, thách thức trong vận tải logistics; trao đổi kinh nghiệm, thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, vận tải biển và hàng không.

Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng các cơ chế trao đổi chuyên gia, giảng viên, sinh viên, giao lưu sinh viên hai nước; tăng cường trao đổi kinh nghiệm về cơ chế, chính sách giáo dục hai bên, ứng dụng công nghệ số trong giáo dục; tăng cường triển khai các chương trình giao lưu và quảng bá về văn hóa, lịch sử mỗi nước, thúc đẩy trao đổi các đoàn văn hóa, nghệ thuật; tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch hai bên, thúc đẩy hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân hai nước; hợp tác chặt chẽ bảo hộ công dân mỗi nước yên tâm sinh sống, học tập và làm việc tại nước kia.

Cũng trong khuôn khổ cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về tình hình thế giới và khu vực; đánh giá cao chính sách “ngoại giao cây tre” mềm dẻo của Việt Nam; nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ, trao đổi thường xuyên về các vấn đề an ninh, chính trị khu vực, tình hình quốc tế cùng quan tâm; tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ, diễn đàn khu vực và quốc tế mà hai bên là thành viên như Liên Hiệp Quốc, Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).

Khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, trật tự pháp lý và giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của các quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).

Kết thúc hội đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Mông Cổ đã ra Tuyên bố chung Việt Nam – Mông Cổ về thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện nhằm định hướng cho sự hợp tác tin cậy sâu sắc giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và toàn diện.

Nhân dịp này, lãnh đạo cấp cao hai nước cũng đã chứng kiến lễ ký kết 7 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương hai nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trân trọng mời Tổng thống Khurelsukh sang thăm Việt Nam. Tổng thống Khurelsukh cảm ơn và vui vẻ nhận lời.

Ngày 30-9, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Mông Cổ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội kiến Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrain Oyun-Erdene.

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về việc hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Mông Cổ lần này.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh hợp tác thực chất, cùng có lợi, qua đó tạo bước chuyển biến về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; tích cực tổ chức và vận động các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tại mỗi nước…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chúc mừng ông Oyun-Erdene được tái bổ nhiệm giữ chức Thủ tướng Mông Cổ; chuyển lời thăm hỏi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lời mời Thủ tướng Mông Cổ thăm Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là coi trọng quan hệ hợp tác với Mông Cổ và mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả và lâu dài, phù hợp với lợi ích, tiềm năng và nhu cầu hợp tác của cả hai nước.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam cảm ơn Chính phủ và nhân dân Mông Cổ đã hỗ trợ 200.000 USD cho người dân miền Bắc khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 (bão Yagi) vừa qua.

Thủ tướng Oyun-Erdene đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm đối với việc phát triển quan hệ hai nước; khẳng định tăng cường hợp tác toàn diện và sâu rộng với Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mông Cổ tại khu vực.

Cùng ngày 30-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Dashzegve Amarbayasgalan.

Hai bên đánh giá cao quan hệ hợp tác, giao lưu giữa Quốc hội hai nước đang phát triển nhanh và ngày càng đi vào thực chất trên cả phương diện song phương và đa phương.

Hai bên nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả, toàn diện các nội dung thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Quốc hội hai nước năm 2018; phát huy vai trò của cơ quan lập pháp hai bên trong việc rà soát, giám sát triển khai các thỏa thuận hợp tác ký kết giữa hai nước; đẩy mạnh hợp tác, giao lưu Quốc hội hai nước; thúc đẩy phối hợp tham vấn và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn liên nghị viện như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Á – Âu (ASEP), Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF), Liên minh Nghị viện châu Á (AIPO); trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Hai bên nhất trí tăng cường vai trò cơ quan lập pháp hai nước trong việc phối hợp hỗ trợ thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế phát triển thực chất, hiệu quả và toàn diện, phù hợp với quan hệ Đối tác toàn diện; mở cửa cho hàng hóa của nhau trên cơ sở có đi có lại, qua đó sớm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 200 triệu USD trong thời gian tới; thúc đẩy sớm ký mới Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Mông Cổ.

Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa công tác bảo hộ, hỗ trợ để cộng đồng kiều dân hai nước yên tâm sinh sống, học tập và làm việc tại mỗi nước.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới