Phát biểu tại tiệc chiêu đãi kỷ niệm 75 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1/10/1949 – 2024), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết không có thách thức nào có thể ngăn cản đất nước tiến lên phía trước và nhắc lại mục tiêu thống nhất Đài Loan của Bắc Kinh.
“Thống nhất Đài Loan là sự phát triển tất yếu của lịch sử”
Phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 30/9, ông Tập khẳng định rằng: “Con đường phía trước chắc chắn sẽ có nhiều thách thức”, đồng thời kêu gọi đất nước vượt qua những bất ổn và rủi ro.
“Không có thách thức nào có thể ngăn cản sự tiến bộ của Trung Quốc”, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh thêm.
Bài phát biểu ngắn, được phát sóng trong chương trình tin tức buổi tối hàng ngày của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, nêu rõ rằng ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc đã tham dự tiệc chiêu đãi vào khoảng 5h chiều 30/9.
Theo phương tiện truyền thông nhà nước, có khoảng 3.000 người, bao gồm cả người nước ngoài, đã tham dự tiệc chiêu đãi này.
Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh đến nhu cầu thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và tái khẳng định “sự phản đối kiên quyết” của Bắc Kinh đối với các hoạt động “ly khai” của Đài Loan, đồng thời kêu gọi cả hai bên tăng cường hợp tác kinh tế và văn hóa.
“Đài Loan là lãnh thổ của Trung Quốc và người dân ở cả hai bên eo biển (Đài Loan) đều có chung huyết thống. Chúng ta phải thúc đẩy sự hòa hợp về mặt tinh thần của đồng bào ở cả hai bờ biển eo biển và kiên quyết phản đối hoạt động ly khai đòi ‘Đài Loan độc lập'”, ông Tập Cận Bình nêu rõ.
Ông coi việc thống nhất Đài Loan là sự phát triển tất yếu của lịch sử, điều mà ông đã từng nói trước đây.
Ông Tập không đề cập đến các quốc gia cụ thể hoặc xung đột thương mại trong bài phát biểu ngày 30/9, thay vào đó, ông mô tả Trung Quốc là nước ủng hộ toàn cầu hóa. Ông đã cảm ơn rộng rãi các quốc gia “thân thiện” và những người ủng hộ sự phát triển của Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Bắc Kinh nói thêm rằng Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự phát triển của Hồng Kông và Ma Cao, cả hai đều là các khu vực tự quản do Bắc Kinh cai quản theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”.
Tăng cường hỗ trợ kinh tế
Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình được đưa ra vào thời điểm thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng trưởng trong những tuần gần đây, với các chỉ số chứng khoán lớn của Trung Quốc đại lục và Hồng Kông gần đây đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn một năm sau khi chính quyền công bố kế hoạch hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo các cuộc khảo sát được công bố ngày 30/9, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu trong những tuần gần đây, báo hiệu nhu cầu hỗ trợ nhiều hơn khi chính phủ tăng cường kích thích kinh tế.
Cuộc khảo sát của Caixin về các nhà quản lý mua hàng cho thấy đơn đặt hàng sản xuất mới đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong 2 năm vào tháng 9.
“Điều kiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã xấu đi vào tháng 9 sau khi cải thiện vào tháng 8. Hơn nữa, các công ty đã giảm hoạt động tuyển dụng và mua hàng”, báo cáo nêu rõ.
Một cuộc khảo sát chính thức do Cục Thống kê Quốc gia công bố cho thấy mức giảm không quá nghiêm trọng nhưng đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp suy giảm. Chỉ số quản lý mua hàng đạt 49,8 vào tháng 9, tăng từ mức thấp nhất trong sáu tháng là 49,1 vào tháng 8. Chỉ số này nằm trong thang điểm mà các con số trên 50 cho thấy sự mở rộng.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng vọt vào phiên 30/9, phản ánh sự nhiệt tình trước một loạt các biện pháp chính sách được công bố vào tuần trước, bao gồm lãi suất thấp hơn và yêu cầu thanh toán trước thấp hơn đối với các khoản thế chấp và cắt giảm dự trữ bắt buộc của ngân hàng.
Ông Tan Boon Heng của Ngân hàng Mizuho tại Singapore cho biết trong một bài bình luận: “Không còn nghi ngờ gì nữa, các biện pháp kích thích chính sách đồng bộ và mạnh mẽ do Bắc Kinh công bố đã khơi dậy sự lạc quan một cách chính đáng”.
“Gói kích thích được công bố tuần trước sẽ giúp ổn định hoạt động trong những tháng tới”, chuyên gia Gabriel Ng của Capital Economics cho biết trong một báo cáo. Nhưng ông lưu ý rằng tình trạng mất cân bằng giữa nguồn cung dư thừa của nhiều sản phẩm so với nhu cầu yếu vẫn tiếp diễn. Và các biện pháp thương mại chống lại Trung Quốc, chẳng hạn như thuế quan cao hơn đối với xe điện và các hàng hóa khác, cũng sẽ gây áp lực lên nền kinh tế.
Vào cuối tuần, Bắc Kinh đã tiến hành các biện pháp được công bố vào tuần trước để hỗ trợ ngành bất động sản và phục hồi các thị trường tài chính đang trì trệ.
Ngân hàng trung ương đã công bố vào ngày 29/10 rằng họ sẽ chỉ đạo các ngân hàng cắt giảm lãi suất thế chấp cho các khoản vay mua nhà hiện tại vào ngày 31/ 10. Trong khi đó, thành phố lớn ở phía Nam là Quảng Châu đã dỡ bỏ mọi hạn chế mua nhà vào cuối tuần, trong khi cả Thượng Hải và Thâm Quyến đều tiết lộ kế hoạch nới lỏng các hạn chế mua nhà quan trọng.
Sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản đã lan rộng khắp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp khác phụ thuộc vào hoạt động xây dựng nhà ở đang bùng nổ, chẳng hạn như nhà sản xuất thiết bị gia dụng và nhà sản xuất vật liệu xây dựng.
Điều này làm chậm quá trình phục hồi của Trung Quốc sau những gián đoạn lớn do đại dịch Covid-19 gây ra, gia tăng áp lực lên người tiêu dùng Trung Quốc vốn lo ngại về việc cắt giảm lương, mất việc làm và giá tài sản yếu hơn.
Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ 4,7% trong quý gần nhất, thấp hơn một chút so với mục tiêu khoảng 5% của chính phủ.
T.P