Khu vực quần đảo Hoàng Sa – một ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam – đang nóng rực trở lại bởi hành động ngang ngược của phía Trung Quốc.
Thông báo tối 2-10, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: ngày 29-9 lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc đã truy đuổi, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) trong khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam).
Liên quan vụ việc này, thông tin có từ 2 ngày trước đó. Có điều, Việt Nam tỏ ra dè dặt. Trong bản tin ngày 30-9, cánh báo chí Hà Nội chỉ dè sẻn mươi lăm dòng, rằng: sáng 30-9, chính quyền xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nhận được thông tin tàu cá ngư dân địa phương nghi bị tàu Trung Quốc ngăn cản, tấn công khi đang hành nghề tại khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), khiến nhiều ngư dân bị thương. Tiếp theo sự “nhận tin” đó, điều khẳng định chỉ là “Chính quyền địa phương đang phối hợp cơ quan chức năng, tiếp tục xác minh làm rõ vụ việc. Hiện tại đang không thể liên lạc được với thuyền trưởng và các ngư dân”.
Thận trọng là phải. Thậm chí, có thời, giới chức Hà Nội còn thận trọng tới mức dùng từ “tàu lạ” khi chưa xác minh được đối tượng gây nên sự cố là ai, tàu nước nào. Dư luận, sau một số phản ứng tiêu cực ban đầu, dần cũng hiểu ra rằng: một khi chưa được xác minh, mọi sự võ đoán bị chỉ phối bởi cảm xúc và định kiến, có thể “lợi bất cập hại” cho việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển…
Nhưng vụ việc lần này thì quá rõ ngay sau đó. Chẳng còn là “tàu lạ” nữa, mà là tàu Trung Quốc đích thực, rõ số hiệu 301 và 101. Chẳng dừng ở “ngăn cản” nữa mà là truy đuổi với 3 ca nô được hai tàu sắt to kềnh kia thả xuống. Và tiếp đó, 40 gã đầu trâu mặt ngựa, mặt đồ rằn ri, tay cầm cây sắt lên tàu đánh xối xả vào các ngư dân trên tàu QNg 95739TS, làm nhiều người bị thương nặng. Sau đó, những kẻ này cướp hết hải sản, máy móc, ngư lưới cụ trên tàu, chỉ cho tàu một định vị để quay về bờ…
Tóm lại: một vụ việc mới và quá nóng. Độ nóng của những diễn biến trên thực địa lập tức phả vào phản ứng của Việt Nam. Các nhà quan sát bình luận rằng: so với nhiều lần trước, lần này, ngôn từ của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam “nặng đô” hơn nhiều khi phê phán hành vi gây hấn vừa xảy ra của Trung Quốc.
Họ dẫn ra các thí dụ. Tỷ như trung tuần tháng 6-2019, một số tàu cá của Việt Nam đánh bắt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa đã bị tàu công vụ Trung Quốc xua đuổi, tịch thu tài sản và ngư cụ. Trong một phản ứng đưa ra ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng: đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội phản đối hành động nêu trên, yêu cầu Trung Quốc xác minh, có biện pháp bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam và xử lý nghiêm khắc với các nhân viên và tàu công vụ vi phạm…
Tỷ như ngày 2-4-2020, Tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại lãnh hải của đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), bị tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 4301 ngăn cản, cố tình đâm chìm. Ba tàu cá Việt Nam QNg 90045, QNg 90399 và QNg 90929 đến tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, 6h sáng 2/4/2020, Trung Quốc không những không chùn bước, mà còn điều thêm 2 tàu hải cảnh tới ngăn cản xua đuổi, vây bắt hai tàu cá QNg 90399 và QNg 90929 đưa vào đảo Phú Lâm, lục soát, tịch thu, đập phá trang thiết bị trên tàu; dùng vòi rồng phun nước truy đuổi tàu cá QNg 90045 làm hư hỏng nhiều tài sản…
Xét về tính chất, chẳng một ai dám cho là vụ việc trên không nghiêm trọng. Tuy nhiên, chẳng biết lòng dạ sôi sục tới mức nào, phản ứng của Việt Nam vẫn cho thấy sự kiềm chế. Tại cuộc họp báo quốc tế ngày 3-4-2020, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo đã giao thiệp với đại diện đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối; yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và bồi thường thoả đáng cho ngư dân Việt Nam…
Một vụ việc khác. Trung tuần tháng 6-2020, một tàu Trung Quốc thực hiện cú đâm va khiến tàu QNg 96416 TS lầm vào tình trạng “nửa nổi nửa chìm”, cũng tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam). Phản ứng lại sau đó ít ngày, phía Việt Nam nói “yêu cầu Trung Quốc điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm nhân viên công vụ và bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam…”
Đành là ngoại giao thì phải nhìn vào cái đại cục để mà xử lý, không để “cái xảy nảy cái ung”. Nhưng cần hiểu rằng, kiềm chế quá có thể thành “yếm thế”. Chẳng biết phải vì điều đó hay không mà lần này, xem ra cách lên tiếng của Hà Nội rõ sự khác thường. Khác thường theo cái cách của một cuộc đấu khẩu thực sự, át hẳn những diễn ngôn cố ý “mềm hóa” tính chất nghiêm trọng của các tình huống gây hấn ngang ngược của ông “bạn lớn” nhưng hay hành xử kiểu tiểu nhân trên Biển Đông lâu nay.
Bằng chứng cho sự thay đổi đó là việc phát ngôn viên Phạm Thu Hằng như dằn giọng với các từ “hết sức quan ngại”, “bất bình” “kiên quyết phản đối”…Và nữa, liên quan cái gọi là “giao thiệp”, động thái của Hà Nội cũng khác. Thay vì đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam “giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối…” trong hầu hết các lần trước, thì lần này là: Bộ Ngoại giao Việt Nam đã “giao thiệp nghiêm khắc” với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, mạnh mẽ phản đối hành động nói trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc…”
Nói cách khác, không chỉ nâng cấp cấp độ ngôn ngữ thể hiện sự phẫn nộ, mà còn nâng cấp cấp độ giao thiệp lên cấp đại sứ để nói rằng: ngang ngược quá thể lắm rồi đấy!
Điều đáng suy, đáng ngẫm ở đây là: nhà lãnh đạo Tô Lâm của Việt Nam vừa mới sang Trung Quốc nào đã bao xa; cùng với ông Tập Cận Bình, hai bên đã hể hả đàm đạo, đã hoan hỷ trà lá…Vậy mà…
Không phủ nhận những điểm tích cực khác trong bang giao hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Nhưng liên quan câu chuyện Biển Đông, những gì đã diễn ra lâu nay, nhất là vụ gây hấn ngang ngược và nghiêm trọng mới nhất vừa xảy ra nhằm vào ngư dân Việt Nam ở ngư trường Hoàng Sa, sau một thời gian lắng dịu, khiến không ít người hoài nghi rằng: điều gọi là “cộng đồng chia sẻ tương lai” có thể chỉ là một mỹ từ khó thành hiện thực.
T.V