Mark Rutte sẽ cần vận dụng tất cả kỹ năng mà ông đã rèn giũa khi còn là thủ tướng Hà Lan để gắn kết liên minh phương Tây, trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine và sự không chắc chắn ở Washington.
Ông Rutte sẽ tiếp quản vị trí tổng thư ký NATO từ ông Jens Stoltenberg từ ngày 1/10. Đây là lần đầu tiên vị trí lãnh đạo cao nhất của NATO thay đổi trong 1 thập kỷ.
Hoạt động của liên minh từ nay sẽ phụ thuộc vào việc liệu ông Rutte có thể tạo được sự đồng thuận trong liên minh gồm 32 thành viên hay không. Khả năng bảo vệ gần 1 tỷ dân của các nước thuộc liên minh này không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh quân sự mà cả đoàn kết chính trị.
Có rất nhiều thách thức đang chờ đợi ông Rutte: Khả năng ông Donald Trump – người hoài nghi NATO, trở lại làm tổng thống Mỹ; các đồng minh Đông Âu kêu gọi cử thêm quân tiếp viện để bảo vệ họ chống lại Nga; lời khẩn cầu từ Ukraine về viện trợ quân sự.
Các quan chức và nhà ngoại giao NATO kỳ vọng ông Rutte sẽ duy trì những ưu tiên của ông Stoltenberg – tăng cường hỗ trợ cho Kiev, thúc đẩy các nước NATO chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng và giữ Mỹ tiếp tục ở lại để bảo vệ an ninh châu Âu.
Vị thủ tướng lãnh đạo Hà Lan suốt 14 năm là người có kinh nghiệm trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, dù là người khéo léo, đôi khi ông cũng chỉ trích thẳng thừng các chính phủ khác, như yêu cầu Hungary tôn trọng quyền của cộng đồng LGBTQ hoặc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay chất vấn về pháp quyền ở Romania và Bulgaria.
Trong công việc mới của mình, ông Rutte sẽ cần những kỹ năng mà ông đã có được sau 4 nhiệm kỳ lãnh đạo Chính phủ Hà Lan.
Kajsa Ollongren, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan, nhận xét: “Thực tế ông ấy rất có kinh nghiệm trong việc thúc đẩy công việc, thỏa hiệp, thuyết phục và kết nối. Tôi nghĩ điều đó sẽ rất hữu ích cho NATO dưới thời ông Rutte”.
Ở vị trí mới, ông Rutte sẽ gặp phải áp lực từ các thành viên NATO ở Đông Âu để chứng minh rằng ông hiểu mong muốn của họ cần được bảo vệ nhiều hơn. “Một bài kiểm tra dành cho ông ấy sẽ là: Tham vọng của NATO ở sườn phía đông và đặc biệt việc tăng cường sức mạnh cho sườn phía đông như thế nào” Peter Bator, người từng là đại sứ Slovakia tại NATO cho đến đầu năm nay, cho biết.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, NATO đã tăng gấp đôi số quân triển khai đến các thành viên phía đông, lên khoảng 10.000, bên cạnh lực lượng riêng của các quốc gia đó. Liên minh cho biết hàng trăm ngàn binh lính nữa có thể được triển khai nhanh chóng.
Các nước ở Đông Âu muốn có thêm quân đội và vũ khí, đặc biệt là hệ thống phòng không. Điều đó có nghĩa là phải thuyết phục các thành viên ở phía Tây di chuyển nhiều khí tài của họ về phía Đông.
Các quan chức và nhà ngoại giao NATO cho rằng ông Rutte có thể phải giảm bớt quan điểm đặc trưng của người Hà Lan về tiết kiệm tài chính.
Tại hội nghị thượng đỉnh EU hồi tháng 6, ông Rutte đã mâu thuẫn với các nhà lãnh đạo khác khi ông và Thủ tướng Đức Olaf Scholz phản đối mạnh mẽ việc vay chung để trang trải chi tiêu quốc phòng.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết các nhà lãnh đạo khác đã “lớn tiếng nhắc nhở” ông Rutte rằng ông sẽ sớm trở thành ông chủ NATO và nên làm mọi cách để đảm bảo các chính phủ không tiết kiệm chi phí quốc phòng.
NATO ước tính 23 trong số 32 thành viên của họ sẽ đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng trong năm nay, trong khi Hà Lan mới đạt được mục tiêu đã đặt ra cách đây 1 thập kỷ.
Nhiều quan chức NATO cho rằng mức chi tiêu sẽ cần phải tăng thêm, có thể lên tới 2,5% GDP hoặc hơn, để có thêm quân và vũ khí nhằm thực hiện cuộc cải tổ lớn trong kế hoạch phòng thủ của liên minh.
T.H